Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề
Huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên là huyện miền núi với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn. Mặc dù địa phương có nguồn lao động dồi dào, tuy nhiên, mặt bằng dân trí không đồng đều, việc làm của người dân thường bấp bênh, không ổn định. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó giúp người dân nắm bắt thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn việc làm thể tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2023 toàn huyện đã xây dựng, phát triển được 23 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề chế biến chè và 51 hợp tác xã. Hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến, các làng nghề, hợp tác xã đã thu hút, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn.
Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh việc kết nối với các doanh nghiệp lớn, để lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp có đủ điều kiện trực tiếp thực hiện tuyển dụng lao động trên địa bàn. Cụ thể, huyện đã kết nghĩa với Công ty TNHH Samsung Electronic Thái Nguyên và thường xuyên cung cấp lao động làm việc tại Công ty. Công tác giới thiệu các đơn vị tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được chú trọng.
Chị Nguyễn Thị Sinh, xóm Quyết Tâm, xã Trung Lương, huyện Định Hóa chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu triển khai mô hình sản xuất nấm sò, linh chi từ năm 2013, ban đầu hai vợ chồng cũng học hỏi tại một số nơi, sau đó mới bắt tay vào trồng. Thông qua việc vay vốn từ ngân hàng chính sách, gia đình bắt đầu xây dựng nhà xưởng và trồng nấm, may mắn mô hình ngày càng phát triển và có hiệu quả.
Hiện nay HTX không chỉ giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập, mà còn hỗ trợ việc làm cho 2 – 3 người thường xuyên và 6 – 7 lao động thời vụ, bình quân mỗi lao động 4 – 5 triệu 1 tháng, một ngày làm trung bình 6 tháng, công việc chủ yếu là sàng mùn, đóng bịch, hấp bịch và cấy giống.
Chị Nguyễn Thị Sinh, xóm Quyết Tâm, xã Trung Lương, huyện Định Hóa đang nhanh tay lấy nấm vận chuyển bán cho các tiểu thương. |
Giúp các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo
Ông Lưu Hồng Khoa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Định Hoá cho biết: Xác định để giảm nghèo bền vững, trước tiên là thay đổi được tư duy, nhận thức từ chính người dân, vì vậy, thời gian qua, huyện Định Hoá rất quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động các hộ nghèo. Mục tiêu lớn nhất là để người dân có thể phát huy được tinh thần tự lực, có khát vọng, chủ động, nỗ lực phấn đấu và vươn lên thoát nghèo.
Năm 2023, toàn huyện đã giải quyết được việc làm mới cho trên 2.200 lao động. Trong đó, trên 2.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trên 120 lao động được vay vốn, xuất khẩu lao động tại các thị trường chủ yếu như: Đài Loan, Nhật Bản…
Để đạt được kết quả trên, ngoài việc tập trung các nguồn lực, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện cũng đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên để tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, học sinh THPT tại các xã và trường học trên địa bàn huyện.
Trong thời gian tới, để công tác giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục thực hiện có hiệu quả, huyện Định Hóa đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, huyện sẽ tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động, tuyển dụng lao động trong nước; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện nhằm phát triển các tiềm năng, thế mạnh của huyện để vừa phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, vừa tạo ra việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Thông qua các chương trình phát triển kinh tế, khuyến khích kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình; các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, các công trình trọng điểm tại các xã, xóm có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.