Tại buổi làm việc, hai bên đã tập trung trao đổi các nội dung liên quan để đưa dự án đào tạo nghề cho người lao động yếu thế vào triển khai tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Dự án này được Hàn Quốc tài trợ với nguồn vốn đầu tư từ 10 tới 20 triệu đô la trong vòng 5 năm. Nguồn vốn đầu tư có thể thay đổi tùy thuộc vào quy mô thực hiện dự án.
Đối tượng được đào tạo trong dự án là người lao động yếu thế có tính chất đặc thù, đây là yếu tố cần được tính đến khi thiết kế chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị,…Với vai trò cơ quan quản lý, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cơ chế, hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất để dự án sớm được triển khai thực hiện. Dự kiến dự án sẽ được triển khai tại trường cao đẳng nghề Nguyễn Trãi.
Hai bên cũng thống nhất triển khai dự án đào tạo này theo cơ chế đặt hàng của doanh nghiệp, bảo đảm cho người lao động yếu thế khi hoàn thành đào tạo có việc làm có thu nhập nuôi sống bản thân, đóng góp cho xã hội. Thay vì triển khai tại một trường theo dự kiến, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị nghiên cứu triển khai thêm ở một số cơ sở khác trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cho biết: Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hiện có khoảng 400 trường cao đẳng, trên 500 trường trung cấp, 1000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, Việt Nam rất khuyến khích các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Về dự án đào tạo nghề cho người lao động yếu thế, Tổng Cục trưởng đề nghị hai bên cần có thỏa thuận hợp tác làm cơ sở để Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Chính phủ hai nước phê duyệt dự án. Việc đào tạo lao động yếu thế cần được triển khai đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Hai bên sớm thành lập tổ công tác để phối hợp, trao đổi sâu, cụ thể các nội dung về dự án.