Đào tạo ngành du lịch: Vực dậy sau Covid-19

GD&TĐ - Dịch bệnh Covid-19 để lại nhiều “di chứng” nặng nề cho ngành du lịch, trong đó có lĩnh vực đào tạo.

Trang bị kỹ năng cho sinh viên giúp các em trải nghiệm những công việc sẽ làm trong tương lai. Ảnh minh họa
Trang bị kỹ năng cho sinh viên giúp các em trải nghiệm những công việc sẽ làm trong tương lai. Ảnh minh họa

Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, các cơ sở đào tạo ngành du lịch cần đổi mới nhằm thích ứng với đại dịch và thị trường du lịch trong bối cảnh “bình thường mới”.

Kẻ hủy diệt?

Theo PGS.TS Trần Quang Tiến, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hệ thống các cơ sở đào tạo về du lịch đã phát triển nhanh với hơn 100 trường đại học, cao đẳng tham gia đào tạo với khoảng 60.000 sinh viên. Đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo ngành du lịch. Các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia thuộc lĩnh vực du lịch đã được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch, mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả với doanh nghiệp bị đứt gãy, dẫn đến cơ hội thực hành, thực tập, việc làm tại doanh nghiệp gần như không còn. Vì vậy, chất  lượng đào tạo ngành du lịch thời gian vừa qua cũng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng.

ThS Nguyễn Thị Minh Hạnh - giảng viên Trường ĐH Quảng Nam – nhìn nhận, Covid-19 đã tác động không nhỏ đến ngành du lịch và nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đại dịch còn ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành, nghề của sinh viên, trong đó có những em mong muốn theo đuổi ngành du lịch, sau đó lại đổi chiều.

Ngoài ra, dịch bệnh khiến việc đào tạo sinh viên ngành du lịch gặp không ít khó khăn. Nhiều sinh viên khóa cuối không thể thực hiện thực tập tại các địa điểm, khu du lịch để có thời gian tiếp xúc trực tiếp với công việc thật. Điều này khiến các trường đào tạo ngành du lịch vốn chỉ có nhiệm vụ cung cấp kiến thức, trang bị kỹ năng cho sinh viên phải hướng đến trang bị cả những hoạt động liên quan đến quá trình thực tập, giúp sinh viên trải nghiệm thực sự những công việc mà họ sẽ làm trong tương lai.

Bên cạnh đó, các trường đào tạo ngành du lịch phải đối mặt với thực tế là lượng thí sinh đăng ký vào ngành này thấp hơn những năm trước vì tâm lý lo ngại đến quá trình tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Từ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, các trường đại học có đào tạo ngành du lịch cũng khó có được được nguồn tuyển có chất lượng cao. Đại dịch Covid-19 xuất hiện cũng làm đảo lộn công tác giảng dạy của các trường.

ThS Nguyễn Thị Minh Hạnh cho rằng, cũng có những cơ hội, tiềm năng để các trường cao đẳng, đại học có đào tạo du lịch tìm những giải pháp mới trong giảng dạy, giúp sinh viên yên tâm chọn và theo đuổi ngành nghề. Nhìn ở khía cạnh khác, dịch Covid-19 có thể không phải là “kẻ hủy diệt” mà nó đặt ngành du lịch vào thế buộc mình phải chuyển đổi số, cơ cấu lại guồng máy hoạt động.

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội thực tập tại phòng thực hành của nhà trường. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội thực tập tại phòng thực hành của nhà trường. Ảnh: NTCC

Chuyển thế chủ động

“Chẳng hạn, các trường có thể tuyển sinh chương trình du lịch tiên tiến, chất lượng cao theo định hướng nghề nghiệp và song ngữ Anh – Việt. Cập nhật chương trình đào tạo với định hướng các hoạt động du lịch biển, du lịch sinh thái, nghề giải trí… thích ứng với sự phát triển du lịch ở địa phương, khu vực” -ThS Nguyễn Thị Minh Hạnh trao đổi.

Theo ThS Nguyễn Thị Minh Hạnh, thực tế này cũng đặt ra những thách thức và hướng đi mới trong giáo dục đại học về du lịch trước bối cảnh đại dịch. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành này cần đẩy mạnh phương thức giảng dạy, ứng dụng công nghệ số kết hợp tương tác của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc xây dựng lại các chương trình đào tạo, cải tiến phương thức tuyển sinh, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực trong tình hình mới cũng là việc làm thiết thực và mang tính quyết định.

Đề xuất về giải pháp liên kết giữa các cơ sở đào tạo ngành du lịch với doanh nghiệp, giảng viên Đinh Trà Nhi – Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh – cho rằng, với nhu cầu cấp bách mang tính xã hội như hiện nay, buộc mọi nỗ lực của các trường khi hợp tác với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nghiên cứu là cần xây dựng phòng học chuẩn mô phỏng thực tế. Đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu, đổi mới chương trình nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Giảng viên cũng phải là người có kinh nghiệm học tập thực tế tại doanh nghiệp để rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn.

Ngoài ra, các trường cần có bộ phận chuyên trách về liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Phát huy vai trò cầu nối của các tổ chức cá nhân, trên cơ sở ký kết những thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp trong công tác đào tạo của mình. Đặc biệt, các trường có thể mời các doanh nhân trong ngành nói chuyện thực tiễn tại các môn khoa học, hoặc có thể cùng giảng dạy những môn thực hành.

Cũng theo ThS Nguyễn Thị Minh Hạnh, các doanh nhân cũng có thể tham gia hướng dẫn khóa luận nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận được thực tiễn sát sao hơn và tích lũy thêm được những kinh nghiệm, vị trí công việc của những người đi trước. Đồng thời, khuyến khích và tạo mọi điều kiện, thậm chí là ban hành “học kỳ doanh nghiệp” nhằm tăng cơ hội cọ xát thực tế rõ hơn cho các giảng viên giảng dạy chuyên ngành. Ít nhất là trải nghiệm được 6 tháng là việc thực tập tại môi trường doanh nghiệp.

Cho rằng, tác động của đại dịch sẽ còn kéo dài nhiều năm, PGS.TS Trần Quang Tiến nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo phải nhanh chóng thích ứng với bối cảnh, tranh thủ sự tiến bộ của khoa học và công nghệ để đẩy nhanh khả năng thích ứng và kiểm soát chất lượng đào tạo. Một trong những vấn đề lớn đang đặt ra là: Làm thế nào để tiếp tục duy trì và phát triển đào tạo du lịch trong điều kiện đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp; đặc biệt, các hoạt động thực hành, kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp, cũng như việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

“Hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển sang tiếp cận theo năng lực; gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, giúp người học sau khi ra trường thích ứng tốt hơn với nhu cầu xã hội” - PGS.TS Trần Quang Tiến trao đổi.

Theo ThS Vương Thuỳ Linh – giảng viên Trường ĐH Thương mại, cần thiết đào tạo ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục về du lịch, nhất là với sinh viên các chuyên ngành du lịch trình độ đại học. Sự phát triển của ngành du lịch hiện nay đòi hỏi nhân viên ngành du lịch phải có kỹ năng giao tiếp và khả năng ngoại ngữ tốt, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Vì vậy, cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao khả năng ngoại ngữ cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều vô cùng cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.