Đào tạo giáo viên, kinh nghiệm từ quốc tế

GD&TĐ - Theo GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ những thành công hoặc hạn chế của mô hình, chương trình đào tạo giáo viên các nước trên thế giới.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Nhật Bản: Giáo viên phải được cấp chứng chỉ dạy học

Ba đặc điểm cơ bản trong mô hình đào tạo giáo viên của Nhật Bản từ nửa sau thế kỉ XX là:

Thứ nhất, đào tạo giáo viên được tiến hành trong các trường đại học đa ngành.

Để trở thành giáo viên, điều đầu tiên là ứng viên phải hoàn thành một chương trình giáo dục đại học.

Thứ hai, đào tạo giáo viên được tiến hành trong một hệ thống mở: các cơ sở giáo dục đại học nếu có đủ điều kiện đều được tổ chức các khóa đào tạo phần chuyên môn và nghiệp vụ chuẩn bị cho việc thi lấy chứng chỉ dạy học.

Thứ ba, dựa trên hệ thống chứng chỉ: để trở thành giáo viên sau khi học xong các chương trình đào tạo phải tham dự một bài thi lấy chứng chỉ dạy học do Hội đồng Giáo dục tỉnh thành tổ chức.

Đến đầu thế kỉ XXI, các văn kiện trình bày về đào tạo giáo viên và hệ thống chứng chỉ dạy học trong tương lai vẫn tiếp tục xác định các nguyên tắc cơ bản của đào tạo giáo viên đó là: “đào tạo giáo viên trong các trường đại học” và “đào tạo giáo viên trong một hệ thống mở”, dựa trên các chứng chỉ dạy học.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu xã hội, Nhật Bản tập trung cải tiến các tiêu chuẩn chất lượng trong các chương trình đào tạo giáo viên và xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên ở trình độ sau đại học.

Yêu cầu bắt buộc để trở thành giáo viên ở Nhật Bản là phải hoàn thành một chương trình đào tạo giáo dục đại học hoặc thạc sĩ và hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên được quy định trong Luật Chứng chỉ nhân sự Giáo dục.

Đồng thời phải tham gia kì thi cấp chứng chỉ dạy học do Hội đồng Giáo dục các tỉnh, thành phố tổ chức. Các chứng chỉ dạy học được chia theo cấp học, giáo viên ở các trường liên cấp có thể dạy ở nhiều cấp học nếu có đủ chứng chỉ dạy học tương ứng với các cấp học đó.

GS Nguyễn Văn Minh
 GS Nguyễn Văn Minh

Trung Quốc: Nhiều trường môn giáo dục học được coi là môn học “hạng hai”.

Ở Trung Quốc, nhiều trường không bằng lòng với việc thuần túy là một trường sư phạm. Thay vì tập trung vào việc đào tạo giáo viên và nghiên cứu về khoa học sư phạm, họ cố gắng cạnh tranh với các trường tổng hợp trong những lĩnh vực nghiên cứu không trực tiếp liên quan đến giáo dục như: Chú trọng nghiên cứu về Toán học thuần túy hơn là phương pháp dạy toán chẳng hạn.

Về mặt nào đó, điều này có thể coi là một điểm mạnh của chương trình giáo dục sư phạm, vì nó có tiềm năng trong việc bảo đảm chương trình này dựa trên một đội ngũ chuyên gia mạnh về mặt chuyên môn thuần túy.

Tuy nhiên thực tế có thể không hoàn toàn như vậy. Trong nhiều trường đại học thông thường, nhất là những trường có danh tiếng, môn giáo dục học được coi là môn học “hạng hai”.

Trong khoa đại cương, nhiều giáo sư chỉ dành thời gian để nghiên cứu khoa học thuần túy. Họ có thể đưa vào chương trình đào tạo giáo viên những nội dung khoa học chẳng mấy liên quan gì đến chương trình giảng dạy ở trường phổ thông.

Mối liên hệ giữa những vấn đề khoa học “cao cấp” với những nội dung khoa học mà sinh viên sư phạm sẽ phải đối diện trong việc giảng dạy sau này ở trường phổ thông được dành cho các giáo sư giảng dạy môn phương pháp sư phạm.

Nhưng trong bầu không khí coi trọng các bộ môn khoa học khác hơn là khoa học sư phạm, những người được coi là kém khả năng chuyên môn trong nghiên cứu khoa học sẽ được giao cho giảng dạy bộ môn khoa học sư phạm.

Những giáo sư này không hẳn là kém cỏi hơn, nhưng tâm lý nói trên đã khiến giáo dục sư phạm không được coi là một bộ môn đem lại uy tín cho họ, ngay cả trong phạm vi của trường đại học.

Điều này dẫn tới một cái vòng luẩn quẩn khiến những nghiên cứu về khoa học sư phạm cũng bị coi là ít quan trọng hơn nghiên cứu khoa học cơ bản. Sự sắp xếp đó cũng ngầm mang một ý nghĩa về quan hệ giữa đào tạo về chuyên môn và huấn luyện về sư phạm trong chương trình đào tạo giáo viên.

Singapore: Đơn vị duy nhất có chức năng đào tạo 

Singapore duy trì quản lí tập trung hệ thống đào tạo giáo viên. NIE là một đơn vị thành viên của ĐH Công nghệ Nanyang - NTU (Singapore); là đơn vị tự chủ về tài chính nhưng chịu sự quản lý về mặt chuyên môn của NTU và nhận kinh phí tài trợ chủ yếu từ Bộ Giáo dục Singapore cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; là đơn vị duy nhất ở Singapore có chức năng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

Singapore quản lí tập trung hệ thống sư phạm, đào tạo dựa trên cân bằng cung và cầu. Sinh viên do Bộ Giáo dục tuyển chọn sẽ có sự đảm bảo về việc làm.

Với cách làm này, Singapore tuyển sinh vào sư phạm được sinh viên trong tốp 30% học sinh giỏi nhất. Đào tạo có qui hoạch cân đối cung - cầu là giải pháp để đầu tư kinh phí cao cho đào tạo mỗi sinh viên sư phạm.

Úc: Đào tạo giáo viên sư phạm cũng linh hoạt theo yêu cầu của xã hội 

Đào tạo giáo viên của Úc thay đổi qua nhiều thời kỳ và các chương trình đào tạo giáo viên đa dạng, linh hoạt theo nhu cầu đào tạo và chú trọng nghiên cứu, đổi mới các phương pháp giáo dục và học tập trong đào tạo giáo viên.

Đào tạo giáo viên sư phạm cũng linh hoạt theo yêu cầu của xã hội và dịch chuyển nghề nghiệp. Ví dụ nếu tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học cơ bản có thể học thạc sĩ giáo dục để trở thành giáo viên.

Ở Úc hiện nay có tới 62 trường đại học có khoa ngành đào tạo giáo viên, điểm đầu vào được từng trường quy định thường là điểm kết quả các bài thi năm cuối cấp cộng với điểm đánh giá năng lực.

Các chương trình đào tạo giáo viên của Úc được xây dựng phải có luận chứng để trình duyệt, thẩm định theo quy định. Cấu trúc chương trình gồm kiến thức chuyên ngành, phương pháp giáo dục, kiến thức, kỹ năng sư phạm, thực hành giảng dạy chuyên ngành…

Chương trình đào tạo giáo viên ở Úc có: Chương trình quốc gia, chương trình khu vực và cuối cùng là chương trình nhà trường, có nhiều bộ sách giáo khoa để được lựa chọn, các bộ sách giáo khoa đều được viết dựa vào chương trình quốc gia, chương trình khu vực. Chính vì vậy, có những Bang sẽ sử dụng riêng một bộ sách giáo khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ