Bài toán quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm

GD&TĐ - Quản lý Nhà nước một cách tập trung đối với chỉ tiêu đào tạo giáo viên hằng năm đảm bảo cung đáp ứng với nhu cầu xã hội. Bộ GD&ĐT cần chủ trì, phân bổ chỉ tiêu cho các trường dựa trên năng lực, điều kiện vùng miền. Đây là một trong những đề xuất của nhóm nghiên cứu đề tài KHCN cấp quốc gia: “Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm (SP) ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” từ bối cảnh Việt Nam và nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên một số nước trên thế giới.  

Sinh viên sư phạm chuyên ngành tiếng Anh trao đổi kinh nghiệm với giảng viên nước ngoài
Sinh viên sư phạm chuyên ngành tiếng Anh trao đổi kinh nghiệm với giảng viên nước ngoài

Bộ GD&ĐT cần chủ trì phân bổ chỉ tiêu sư phạm

Đại diện nhóm nghiên cứu, GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, cần thực hiện quản lý của Nhà nước một cách tập trung đối với chỉ tiêu đào tạo giáo viên hằng năm đảm bảo cung đáp ứng với nhu cầu xã hội. Bộ GD&ĐT cần chủ trì, phân bổ chỉ tiêu cho các trường dựa trên năng lực, nhu cầu của địa phương và điều kiện vùng miền.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa mô hình đào tạo giáo viên, áp dụng mô hình đào tạo giáo viên song song (4 năm) và mô hình đào tạo nối tiếp (mô hình 2 + 2, mô hình 3 + 1, mô hình 3 + 2 lấy bằng thạc sĩ giảng dạy/thạc sĩ khoa học giáo dục). Xu hướng quốc tế là mô hình đào tạo tương đối linh hoạt, tuy nhiên chủ yếu là mô hình nối tiếp, mô hình song song áp dụng cho đào tạo giáo viên tiểu học.

Về chương trình đào tạo giáo viên, đề xuất của nhóm nghiên cứu là thí điểm tăng thời lượng cho đào tạo giáo viên từ 4 lên 5 năm đối với giáo viên trung học; trong đó 3 năm nền tảng kiến thức cơ bản và 2 năm học nghề SP (cấp bằng thạc sĩ theo mô hình 3 + 2).

Chương trình đào tạo các trường cần đáp ứng yêu cầu của xã hội, bám sát chương trình giáo dục phổ thông. Khi xây dựng chương trình cần có sự tham gia đầy đủ của các thành phần trong và ngoài trường, đặc biệt là người sử dụng giáo viên. Đồng thời, tăng thời gian thực tập nghề SP tại trường phổ thông, bởi vì đây là thời gian rất quan trọng đối với người giáo viên trong tương lai. Ngoài ra, cần có chính sách tốt hơn đối với sinh viên SP để cải thiện môi trường SP, tạo sức hút mạnh cho sinh viên, như: Chính sách tuyển dụng tốt, miễn học phí hoặc cấp học bổng, miễn ở kí túc xá, tạo điều kiện làm việc ngay từ khi học trong trường ĐH SP...

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất việc cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên với thời gian đề xuất khoảng 10 năm. Trong thời gian đó giáo viên vừa giảng dạy, vừa bồi dưỡng nâng cao kiến thức và hết thời gian sẽ thi để được cấp lại chứng chỉ hành nghề. Thành lập Hiệp hội Nhà giáo để thực hiện một số nhiệm vụ độc lập với Bộ GD&ĐT: Xây dựng và ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên; tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề giáo viên; kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông...

Nhóm nghiên cứu cho rằng, dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực là cơ sở để các trường SP xác định quy mô đào tạo theo từng giai đoạn, theo từng ngành đào tạo và là căn cứ để các trường SP đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, phát triển chương trình đào tạo và gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động trong triển khai các hoạt động đào tạo của mình.

Do đó, cần đẩy mạnh thành lập các trung tâm nghiên cứu dự báo nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ giáo viên. Cụ thể, cần đánh giá nhu cầu đào tạo giáo viên hằng năm và theo từng giai đoạn làm cơ sở cho việc quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên. Đánh giá nhu cầu về số lượng trẻ trong độ tuổi đi học (bậc mầm non, bậc tiểu học, bậc trung học) làm cơ sở cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường SP hằng năm. Xây dựng Đề án quy hoạch đào tạo nghề gắn với phân luồng học sinh sau THCS.

Cần đánh giá nhu cầu đào tạo giáo viên hằng năm. Ảnh minh hoạ/ Internet
 Cần đánh giá nhu cầu đào tạo giáo viên hằng năm. Ảnh minh hoạ/ Internet

Tái cơ cấu trường SP theo hướng tinh gọn, hiệu quả

Từ kết quả nghiên cứu, đề tài KHCN cấp quốc gia: “Quy hoạch mạng lưới trường SP ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” đưa ra 5 nhóm giải pháp, trong đó có nhóm giải pháp về quản lý Nhà nước, nhóm giải pháp về tổ chức, nhóm giải pháp về tài chính, nhân lực và nhóm giải pháp về tăng cường dự báo nguồn nhân lực.

Chia sẻ cụ thể về các giải pháp này, GS Phạm Hồng Quang nói rõ: Nhóm giải pháp về quản lý Nhà nước bao gồm việc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách đồng bộ, hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên. Xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn trường SP; quy định về xếp hạng, kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo giáo viên làm căn cứ phân loại, hợp nhất, sáp nhập, giải thể các trường SP hoạt động kém hiệu quả. Xác định một số trường ĐH SP trọng điểm.

Tăng cường công tác truyền thông trong triển khai thực hiện và quản lý quy hoạch các cơ sở đào tạo giáo viên. Xây dựng chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện kiểm định chất lượng quốc tế đối với cơ sở và chương trình đào tạo; 100% cơ sở đào tạo giáo viên được đánh giá ngoài theo bộ chỉ số phát triển trường SP (bộ chỉ số TEIDI), trong đó ít nhất 70% đạt chuẩn; ít nhất 30% chương trình đào tạo giáo viên được đánh giá ngoài bởi các tổ chức kiểm định quốc tế hợp pháp, trong đó có ít nhất 15% cơ sở được công nhận đạt chuẩn.

Với nhóm giải pháp về tổ chức, cần rà soát, sắp xếp, tái cơ cấu mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả dựa trên chuẩn chất lượng và phân tầng chất lượng. Khuyến khích sáp nhập những cơ sở đào tạo giáo viên trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố (sáp nhập trường CĐ SP địa phương vào các trường CĐ thuộc tỉnh hoặc trung tâm bồi dưỡng giáo viên). Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các trường ĐH SP trọng điểm (đào tạo chất lượng cao, đào tạo sau ĐH), các trường CĐ SP vệ tinh (đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung tâm bồi dưỡng giáo viên cho địa phương).

Tiến tới thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên

Giải pháp về nhân lực được nhóm nghiên cứu đưa ra là xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý ở tất cả các trường SP đạt chuẩn theo quy định; cần sớm ban hành bộ chuẩn nghề nghiệp giảng viên SP; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên SP chủ chốt ở các nước phát triển. Đẩy mạnh việc phát triển, thu hút đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong nước, chuyên gia nước ngoài tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu, các chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH tại các trường SP.

Về tài chính, cần đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cho đào tạo giáo viên, Tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đang triển khai từ nguồn ngân sách Nhà nước; tập trung đầu tư cho các mục tiêu ưu tiên, cấp thiết; đầu tư cho các trường đại học SP trọng điểm (đang triển khai Chương trình ETEP cho 8 trường SP chủ chốt). Thay đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tiến tới thực hiện phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho các trường SP.

Cuối cùng là nhóm giải pháp về tăng cường dự báo nguồn nhân lực. Theo đó, triển khai nghiên cứu, xây dựng hệ thống thông tin về dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên để gắn kết việc đào tạo với sử dụng đội ngũ, đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Xây dựng hệ thống thông tin phản hồi của thị trường lao động về tình trạng việc làm và mức độ đáp ứng của người học sau tốt nghiệp để thúc đẩy sự so sánh, cạnh tranh về chất lượng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo giáo viên. Nâng cao năng lực của một số trung tâm nghiên cứu hỗ trợ cho công tác khảo sát về xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động và các kỹ năng của lao động trong thị trường lao động tương lai.

Nói về kết quả đạt được về quy hoạch trường SP trong thời gian qua, nhận định của nhóm nghiên cứu, số lượng các trường SP cơ bản đã đáp ứng nhu cầu về cơ cấu vùng, miền, yêu cầu về đào tạo cho giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa và vùng khó khăn. Các trường SP chủ chốt ở khu vực thành thị đã có các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo giáo viên giảng dạy bằng tiếng Anh.

Hầu hết, các trường ĐH SP chủ chốt, các trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên đều được đánh giá ngoài theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ trong trường SP tăng dần theo từng năm. 8 trường ĐHSP chủ chốt được Bộ GD&ĐT hỗ trợ nâng cao năng lực trong đào tạo, bồi dưỡng thông qua Chương trình ETEP với tổng kinh phí 100 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 2017 - 2022.

­­­­­­­­­­­­­­­______________________

Bài 3: Xác định trường ĐHSP trọng điểm và các trường vệ tinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ