Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: Mơ cải lương hưng thịnh như xưa

Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai: Mơ cải lương hưng thịnh như xưa

(GD&TĐ) - Là một trong số đạo diễn trẻ nổi bật của sân khấu phía Bắc nửa thập kỉ qua, Hoàng Quỳnh Mai còn gây ấn tượng bởi chị là người phụ nữ hiếm hoi dấn thân vào cái nghiệp thường mặc định cho nam giới. Nghề đạo diễn mang lại cho chị cảm giác vinh quanh, thành công khác với công việc diễn viên mà lúc trước chị từng đảm nhiệm. Nhưng đằng sau những tia hào quang óng ả, ít ai biết còn vô vàn khó khăn, vất vả, mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Chị đã chia sẻ với báo GD&TĐ những trăn trở của người đạo diễn khi gắn bó với sân khấu cải lương.

PV: Trong gia đình chị, có ai hoạt động về nghệ thuật sân khấu hay không? Tại sao chị lại chọn sân khấu cải lương?

- Sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng từ bé tôi rất thích nghe cải lương. Thời ấy cải lương đang ở thời kì hưng thịnh nhất (1985). Hàng ngày tôi vẫn thường được nghe đài catset nhà hàng xóm mở từ sáng đến tối những vở cải lương kinh điển như Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Phạm Công Cúc Hoa… do các nghệ sĩ Lệ Thủy, Minh Vương, Ngọc Giàu… Từ bao giờ cải lương đã thấm đẫm trong tâm hồn tôi. Chất lãng mạn của cải lương rất mạnh cộng với sự lãng mạn của cô gái học văn khiến tôi càng mê nghệ thuật cải lương. Mê vậy thôi, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ có ngày mình sẽ đi theo nghiệp tổ sân khấu.

Vốn là học sinh chuyên văn trường Phan Bội Châu, từng đoạt giải Nhất văn của tỉnh Nghệ Tĩnh, ước mơ mà Mai ấp ủ là trở thành một nhà báo, nhưng tôi không gặp may vì kỳ thi ĐH Tổng hợp Văn năm đó tôi bị thiếu nửa điểm. Tôi đành thi vào lớp diễn viên của Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Năm thứ 2, được chọn làm vai chính vở nhạc kịch “Cô gái Phù Tang” tôi bắt đầu trở thành gương mặt nổi bật của Nhà hát cải lương Trung ương. Được vào vai chính trong hàng loạt vở diễn: Nhâm (Điều không thể mất), Phượng (Lôi Vũ), Quỳnh (Nỗi đau tình mẹ), Diễm (Thời con gái đã xa)…

Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai

Kỉ niệm lần đầu tiên bước chân lên sân khấu khiến chị nhớ mãi? 

- Kỉ niệm lần đầu bước chân lên sân khấu chính là khán giả. Khán giả xem và khán giả lưu luyến chờ nghệ sĩ tẩy trang, thay hóa trang để gặp mặt. Lúc đó tôi đóng vai một bà mẹ trẻ. Khi khán giả nhìn thấy tôi họ ồ lên: “ôi, diễn viên này là trẻ con”. Vai diễn ấy đã để lại nhiều ấn tượng trong cuộc đời tôi. 

Chia tay sàn diễn khi đang ở độ chín của nghề và khá thành công trong vai trò mới là đạo diễn, chị đã thu hút sự chú ý của công chúng khắp trong Nam ngoài Bắc với “Cung phi Điểm Bích”, “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”…Theo chị với một đạo diễn sân khấu điều gì quan trọng nhất?

- Theo tôi, một đạo diễn sân khấu điều quan trọng nhất là phông văn hóa và sự hiểu biết, sự tìm tòi sáng tạo học hỏi. Chính điều ấy giúp tôi định hướng trong quá trình sáng tạo, nhận thấy được những điều tốt đẹp trong tác phẩm mình lựa chọn. Đạo diễn nào cũng cần phải học, điều quan trọng là thực hành nghề nghiệp của mình như thế nào.

Có 4 điều tạo nên thành công của người đạo diễn trẻ ở môn nghệ thuật này: học nhiều, đọc nhiều, làm nhiều, “lắng nghe nhiều” (câu nói của NSND Đình Quang)… Người đạo diễn trẻ luôn phải  khẳng định mình và tạo dựng niềm tin với các nhà quản lý và bạn bè đồng nghiệp mới có cơ hội làm nghề. 

Chuyển từ diễn viên sang đạo diễn, khó khăn và thuận lợi như thế nào?

Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai, Trưởng đoàn 2, Nhà hát cải lương Việt Nam là một đạo diễn sân khấu trẻ gây tiếng vang lớn:  Giải Nhất Liên hoan Tài năng đạo diễn trẻ, giải A vở diễn “Cung phi Điểm Bích”, được trao HCB “Bến nước Ngũ Bồ”; Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 được trao giải Đạo diễn xuất sắc với vở “Trọn đời trung hiếu” với Thăng Long…

- Một người diễn viên giỏi chưa chắc đã là đạo diễn giỏi. Người diễn viên có bề dày kinh nghiệm trong nghề nghiệp khi chuyển sang nghề đạo diễn, rất có lợi trong xử lý diễn xuất của người nghệ sĩ trong tác phẩm. Đạo diễn là người tổng chỉ huy, là người chịu trách nhiệm chỉ đạo quá trình thực hiện một tác phẩm.

Đạo diễn là tấm gương cho diễn viên, cương vị đạo diễn lớn hơn rất nhiều và khó khăn hơn rất nhiều. Đạo diễn phải thực hiện rất nhiều vai diễn khác nhau trong một vở diễn. Chưa kể phải xử lý rất nhiều bộ phận khác cùng một lúc như chỉ đạo họa sỹ, âm thanh, ánh sáng...v.v. Tôi đang ở trên cương vị của một người huấn luyện viên trên sân cỏ. Điều này quả là vô cùng khó khăn và khắc nghiệt đối với một người phụ nữ. Khi chuyển sang làm đạo diễn  tôi có điều kiện mở rộng được tầm nhìn, thỏa mãn sự khát khao trong sáng tạo, thực hiện được nhiều ý tưởng, tha hồ  bay bổng với sự tưởng tượng của mình.

Với tình trạng hiện nay, chị có tin vào sức sống lâu dài về sau của cải lương? Trẻ con hôm nay có phim ảnh kỹ thuật số tân tiến, có thể xem dễ dàng bằng tivi, vi tính ở nhà, cải lương liệu đủ hấp dẫn khán giả cả người lớn lẫn trẻ nhỏ?

 - Với tình yêu nghề nghiệp tôi mãi tin vào sức sống lâu dài của cải lương. 

Cải lương là sức sống của người dân Nam Bộ, là loại hình nghệ thuật dân tộc có sức lan tỏa rộng từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Đã là nghệ thuật dân tộc thì nó mãi mãi không bao giờ mất đi.

Điều quan trọng là người đạo diễn phải làm điều gì để hấp dẫn khán giả đặc biệt là khán giả trẻ yêu mến môn nghệ thuật này. Đây là thách thức đối với người sáng tạo.

Để cải lương lại được sống trong lòng khán giả, điều chị trăn trở hiện nay là gì?

- Để cải lương luôn hấp dẫn, người đạo diễn phải luôn tìm tòi, đổi mới tạo nên những tác phẩm hay, hấp dẫn, thật và đẹp đáp ứng được mong mỏi của khán giả. 

Tôi mong muốn với những cố gắng của những người tâm huyết với nghệ thuật này, cải lương sẽ hưng thịnh như xưa và tôi tin cải lương sẽ còn sống mãi.

Trịnh Huyền  (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ