DANIIL GRANIN: Lịch sử nhất định chiến thắng

GD&TĐ - Nhà văn Nga Daniil Granin nổi tiếng (1919 - 2017) là tác giả của hơn 30 truyện vừa và tiểu thuyết. Ông đã sống một cuộc đời trường thọ, tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bị thương, là công dân danh dự của thành phố Petersburg.

DANIIL GRANIN: Lịch sử nhất định chiến thắng

 Nhân dịp nước Nga kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn (1/1/1919 -1/1/2019), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số ý kiến của nhà văn rút ra từ các cuộc trò chuyện, trả lời phỏng vấn của ông trong những năm khác nhau.

Về hạnh phúc và điều kỳ diệu

Toàn bộ cuộc đời tôi sau chiến tranh cũng là một cuộc chiến tranh – tôi đánh giá nó như một giải thưởng xổ số, một may mắn khó tưởng tượng.

Nhớ lại chuyến thăm nước Đức lần đầu tiên của tôi năm 1955. Khi đi trên đường phố Berlin, nhìn thấy những người cùng tuổi và già hơn, tôi nghĩ: “Lạy Chúa, đây là cuộc gặp gỡ của những người bị bắn trượt!”.

Hãy coi cuộc sống như một điều kỳ diệu, một quà tặng của Thượng đế, quà tặng của số phận. Vì vậy, cần phải sống như hôm nay là ngày hạnh phúc nhất. Trong chiến tranh điều đó diễn ra hàng giờ. Sau trận đánh, tôi vẫn sống! Sống và hạnh phúc! Về sau – đôi khi khó khăn, đôi khi dễ chịu hơn. Điều đó luôn luôn đem lại niềm an ủi và bắt chúng ta sống hơi khác một chút. Chúng ta đánh giá thấp cuộc sống mà chúng ta được ban tặng.

Tôi đã viết ba chục cuốn sách, nhưng nếu như tôi có tuyển tập tác phẩm 90 tập như Lev Tolstoy, mà không có tình yêu trong cuộc đời mình, thì những tập sách này cũng không mang lại cho tôi niềm vui. Hiện nay, về cuối đời, tôi không nghĩ về những cuốn sách đã viết, và không ân hận vì đã có thể viết nhiều hơn. Tôi nhớ những con người tôi đã yêu, với họ tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Lịch sử là một sản phẩm mau hỏng. Nó bị thối rữa. Nó bị đánh cắp. Nhưng cuối cùng nó nhất định chiến thắng.

Về Stalin và hàng triệu người

Có đúng là chúng ta không còn lại gì từ Stalin? Bạn hiểu rằng, tôi không hề bảo vệ tệ sùng bái cá nhân, tôi không mong nó hồi sinh, nhưng cho dù chúng ta đối xử với Stalin như thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể đốt, xóa trang sử này của chúng ta. Số phận hàng triệu người gắn với nó – nghĩa là họ cũng bị xóa sổ.

Năm 1956, tôi cùng một số bạn bè ra nước ngoài. Chúng tôi đi trên đường phố Paris, mặc những bộ quần áo rộng thùng thình, đầu đội mũ lưỡi trai. Chúng tôi đi với cảm giác về sự ưu việt của mình…

Rồi sau đó những điều cấm kỵ đã tạo ra hiện tượng “trái cấm”. Bạn biết không, một lần tôi đến thăm một gia đình người Gruzia. Chúng tôi ngồi nói chuyện, sau đó chủ nhà mời ra vườn. Ở đấy có một cái chòi lắp động cơ điện. Chủ nhà bật công tắc và từ dưới hố nhô lên… một bức tượng Stalin! Từ dưới đất!

Về sự khác biệt giữa chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản

Suốt thời gian tồn tại của mình, chủ nghĩa phát xít không tạo ra được một cái gì căn bản trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa. Bạn không nhớ một cuốn sách, một bộ phim, một tác phẩm âm nhạc xuất sắc nào. Tại sao chủ nghĩa phát xít lại kém hiệu quả như vậy? Tôi không biết… Tôi có thể đặt ra cho các bạn một câu hỏi khác: Tại sao trong những năm kiểm duyệt khắt khe, chủ nghĩa Stalin lại có thể tạo ra một nền âm nhạc, văn học, thơ ca, điện ảnh, sân khấu tuyệt vời như vậy– tất cả những gì còn lại và hiện nay vẫn phát huy tác dụng?

Dù sao ở đây có một sự khác biệt rất lớn giữa học thuyết căm thù chủng tộc và hệ tư tưởng cộng sản của chúng ta…

Tôi không thể hiểu được Stalin. Stalin đọc Tolstoy, Chekhov, Dostoyevsky, Anatole France, những tác giả không dễ đọc. Đồng thời còn để lại ghi chú bên lề. Thật thú vị: Một người viết bên lề, chính ông ta làm điều đó cho bản thân, chứ không phải cho người khác. Nghĩa là ông ta suy ngẫm về cuốn sách mình đã đọc. Và thật khó hình dung điều này: Sau khi đọc “Phục sinh” của Tolstoy, Stalin đến điện Kremlin và ký duyệt danh sách những kẻ bị xử tử?

Về cuộc phong tỏa Leningrad

Tại sao Hitler không tiến vào Leningrad? Câu hỏi này không có câu trả lời chính xác.

Một trong những giả thuyết chính thức - Hitler hiểu rằng, thực chất y không thể tiêu diệt được thành phố này, nó quá rộng và không thể di chuyển xe tăng trên các đường phố. Nhưng liệu đó có phải là lý do khiến quốc trưởng lưỡng lự không? Và quả thật y đã lưỡng lự, y đã mấy lần đến đây và tỏ ra dao động, đã hứa với các tướng lĩnh của mình rằng “nhất định sau một tuần nữa”. Nhưng rồi vẫn không ra lệnh tấn công.

Tôi cảm thấy có một điều hết sức quan trọng thế này: Tất cả các thành phố ở châu Âu đều đã đầu hàng quân đội Đức. Và Hitler cảm thấy mình là kẻ bất khả chiến bại: Chỉ cần quân đội của y tiến sát thành phố là ngay lập tức thành phố sẽ đầu hàng. Và chính y cũng chờ đợi Leningrad phất cờ trắng…

Về điều kỳ diệu của chiến thắng và Pushkin

Hiện nay, cuộc phong tỏa được khéo léo tô vẽ bằng chủ nghĩa anh hùng, sự hào phóng, lòng trắc ẩn. Tất cả điều đó đã diễn ra, tất nhiên, nhưng nếu chỉ nói về chúng thì sự khủng khiếp của cuộc sống trong những ngày phong tỏa biến mất.

Nhưng thú vị nhất dù sao vẫn là hiện tượng chiến thắng của chúng ta. Liệu có thể hiểu: Làm thế nào chúng ta, những kẻ tưởng chừng không thoát khỏi thất bại, đã chiến thắng? Bởi toàn bộ Ukraine, Belarussia, một phần lớn nước Nga đã bị xâm chiếm, nhiều người đã chết mà không được an ủi, hy vọng rằng cái chết của họ không uổng phí. Nhưng dù sao đất nước đã đứng vững. Tại sao?

Ở Đức, tôi đã gặp Thủ tướng Đức lúc bấy giờ Helmut Schmidt và hỏi ông ta: “Tại sao các ông đã thua trận?”. Ông ta không thể trả lời, ngoài câu nói: “Vì nước Mỹ tham chiến”. Nhưng ai cũng biết nước Mỹ tham chiến sau trận Stalingrad. Vậy thì tìm nguyên nhân ở đâu?

Một lần, tôi đọc được bài báo của đại giáo chủ Ilarion viết rằng, chiến thắng của chúng ta là một phép mầu. Ban đầu điều đó khiến tôi phẫn nộ: “Thế chúng tôi thì sao? Không lẽ phép mầu tự nhiên xuất hiện, không cần sự tham gia của con người. Và rốt cuộc chủ nghĩa anh hùng của nhân dân ở đây không là gì cả hay sao?”.

Nhưng sau đó tôi nhớ tới Pushkin và Cuộc chiến tranh Vệ quốc năm 1812. Pushkin nói rằng, chỉ giải thích chiến thắng của chúng ta bằng lý trí thôi chưa đủ. Vâng, thiên tài Pushkin đã cảm nhận điều đó tốt hơn các nhà sử học.

Về tình yêu trong cuộc đời và trong sách vở

Thời gian gần đây, người ta không chỉ viết về tình yêu mà còn về sự thoái hóa của nó. Tình yêu bị gạt ra, ban đầu là do tiền, sau đấy là do quyền lực, danh vọng…

Mới đây tôi được tặng cuốn tiểu thuyết của nhà văn Yury Polyakov “Tình yêu thời thay đổi”. Viết rất táo bạo, sắc sảo, thú vị. Và dường như về tình yêu. Nhưng nhân vật, biên tập viên một tờ tạp chí nào đó, chỉ làm mỗi việc là yêu hết người này sang người khác. Có kẻ anh ta yêu nhiều, có kẻ anh ta yêu ít, nhưng không vì thế mà nội dung câu chuyện thay đổi. Và hãy tin tôi, cuối cùng bạn mệt mỏi vì sự thay đổi phụ nữ xoành xoạch như vậy!

Tôi hiểu rằng, cuộc sống Moskva vốn như vậy. Rằng đó là sự thật. Nhưng tôi không muốn viết về điều đó. Tôi muốn viết cuốn sách kiểu cũ. Về tình yêu. Về cái tình cảm trong sáng mà một khi được nếm trải, bạn hiểu bạn là ai, bạn có khả năng làm gì, bạn có thể trở thành người như thế nào…

Theo tôi, họa sĩ Shagal đã mô tả tình yêu một cách rõ ràng trong bức tranh “Cuộc dạo chơi” của mình. Khi yêu, con người có khả năng làm tất cả, đối với anh ta không gì là không thể.

Với tình yêu có thể vượt qua tất cả. Bất cứ trở lực nào cũng được khắc phục.

Theo báo Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?