Đánh thuế hạn chế đầu cơ bất động sản liệu có khả thi?

GD&TĐ - Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về nguyên nhân bất động sản tăng giá mới đây, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Trong văn bản gửi các địa phương trước đó, Bộ Xây dựng cho biết một số phiên đấu giá đất gần đây có giá trúng cao gấp nhiều lần khởi điểm làm ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Nhấn mạnh thêm điều này, Bộ Xây dựng cho rằng, nhân tố góp phần đẩy giá nhà tăng cao thời gian qua có sự “góp mặt” của một số chủ, nhóm nhà đầu tư, đầu cơ và môi giới bất động sản tham gia đấu giá rồi bán ngay để kiếm lời… Việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến, thậm chí mang tính tổ chức, làm tăng mặt bằng giá đất, nhà ở xung quanh…

Sau khi Bộ Xây dựng đưa ra đề xuất này không lâu, tại cuộc họp báo quý III/2024 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đồng tình với đề xuất này và nhấn mạnh sẽ tiếp thu, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan đến bất động sản…

Đây không phải là vấn đề mới bởi đề xuất đánh thuế nhà từng được Bộ Tài chính nêu tại dự thảo Luật Thuế nhà, đất 2009, trong đó dự kiến mức 0,03% đối với nhà có giá trên 500 triệu đồng. Sau đó khá lâu, khi lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế tài sản có 2 phương án về ngưỡng đánh thuế nhà là trên 700 triệu hoặc 1 tỷ đồng, tương ứng thuế 0,3% hoặc 0,4%.

Tuy nhiên các đề xuất này đều vấp phải phản ứng trái chiều nên phải gác lại. Mới đây nhất vào tháng 9/2023, luật này có tên gọi là Luật Thuế bất động sản… Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất hiện nay là liệu việc đánh thuế có khả thi hay lại chỉ dừng ở mức độ đề xuất như những lần trước?

Thực tế, đã có nhiều nước trên thế giới áp dụng đánh thuế với bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ, điều tiết thu nhập của người mua đi bán lại bất động sản trong thời gian ngắn để kiếm lời, áp thuế với người có từ 2 căn nhà trở lên, đánh thuế với nhà đất bỏ hoang... nhằm góp phần ổn định giá nhà đất. Nhưng với thực tế của nước ta, nhiều ý kiến cho rằng khó khả thi.

Cụ thể, một chuyên gia phân tích, nước ta đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn trong khi nguồn cung nhà ở chưa đáp ứng đủ.

Mặt khác, nước ta mới chuyển đổi sang kinh tế thị trường nên không thể so sánh với các nước, các nền kinh tế đã phát triển từ lâu. Do đó việc đánh thuế bất động sản thứ 2, thứ 3… có thể làm giảm động lực đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Ý kiến khác thì cho rằng, đánh thuế đối với bất động sản thứ 2, thứ 3 có thể là công cụ để kiềm chế giá đất tăng, giảm đầu cơ, ngăn chặn thao túng thị trường, đưa bất động sản về giá trị thực.

Nhưng với cơ chế quản lý thông tin đất đai chưa thực sự rõ ràng như hiện nay, việc đánh thuế không dễ. Bởi để có thể đánh được thuế tài sản cần kiểm soát được giao dịch. Khi tình trạng mua bán không qua ngân hàng, sàn giao dịch bất động sản vẫn diễn ra phổ biến như hiện nay sẽ rất khó vì không thể chứng minh được người đó có bao nhiêu tài sản.

Thị trường bất động sản không chỉ là kênh đầu tư mà còn là nơi giữ tài sản. Do đó, phải nhìn vào bản chất, nguyên nhân khiến giá nhà đất tăng cao. Muốn thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững phải để giá đất tuân theo quy luật thị trường, phải kiểm soát được cả cung và cầu.

Bên cạnh đó các điểm nghẽn về pháp lý cũng cần được khơi thông, từ đó tạo thêm nguồn cung cho thị trường - trước khi sử dụng các công cụ chính sách khác như đánh thuế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ