Danh thắng Tràng An truyền cảm hứng cho các quốc gia

GD&TĐ - Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng, câu chuyện thành công của Tràng An - Ninh Bình đã truyền cảm hứng cho các quốc gia thành viên.

Ninh Bình là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu danh hiệu 'kép': Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Ảnh: ITN.
Ninh Bình là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu danh hiệu 'kép': Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Ảnh: ITN.

Ngày 3 và 4/7, tại Ninh Bình diễn ra “Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam”, do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức.

Sở hữu giá trị đặc biệt

Tại hội nghị, ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - cho biết, Ninh Bình là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu danh hiệu “kép” của UNESCO: Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Nhờ sở hữu những giá trị riêng biệt về địa lý, sinh thái nhân văn và lịch sử mà Ninh Bình “gánh vác” những sứ mệnh đặc biệt trong tiến trình dựng nước và giữ nước.

Cùng với những giá trị đã được UNESCO vinh danh, cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với cốt cách riêng có. Đó là gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần.

Ninh Bình đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản Thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Ông Phạm Quang Ngọc cho rằng, việc phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đồng chủ trì tổ chức “Hội nghị quốc tế phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” là dịp để địa phương giới thiệu về vùng đất giàu giá trị văn hóa, tự nhiên và truyền thống cố đô.

Từ thế mạnh là nơi có Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới với giá trị đặc sắc, tiêu biểu toàn cầu, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch - Ninh Bình mong hội nghị là “không gian mở” cho các thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tầm nhìn đối với vấn đề phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Kể từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới năm 2014, đến nay Quần thể Danh thắng Tràng An luôn được đánh giá kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Tràng An có tổng diện tích khoảng 12.000 ha trên địa bàn 20 xã, phường.

Sau 9 năm kể từ ngày được ghi danh, danh thắng Tràng An đặt các mục tiêu phát triển bền vững và đặt con người là trung tâm, đã tổ chức 65 lớp tập huấn cho gần 9.000 người dân trong khu di sản. Số lao động trực tiếp tại khu vực Quần thể Danh thắng Tràng An đạt trên 10.000 người, lao động gián tiếp đạt hơn 20.000 người, tập trung vào một số nhóm nghề như:Chèo đò, bán hàng, bảo vệ, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, vận hành các cơ sở lưu trú du lịch.

Truyền cảm hứng từ bảo tồn di sản

Ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu tại hội nghị.

Ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, phát triển bền vững và sáng tạo đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Việt Nam là một trong những quốc gia tổ chức nhiều hoạt động, tham gia nhiều sự kiện quan trọng quốc tế và được UNESCO bầu cử giữ các chức vụ lãnh đạo.

Trong suốt 47 năm kể từ khi chính thức là thành viên của UNESCO từ năm 1976, Việt Nam đã phát huy tâm thế và mang nhận thức đó vào trong tất cả các hoạt động, hợp tác với các đối tác.

Với nguồn tài nguyên văn hóa và thiên nhiên đồ sộ, phong phú, đặc sắc, đến nay Việt Nam đã được UNESCO ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Có thể nói, các di sản đã giúp khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích cộng đồng tự nguyện và chủ động tham gia, đóng góp bảo vệ di sản…

Việc tổ chức “Hội nghị quốc tế phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” thể hiện sự đồng hành một cách tích cực nhất về trách nhiệm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được UNESCO ghi danh vì sự phát triển bền vững. Đó là đảm bảo sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai.

Ông Hà Kim Ngọc - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Firmin Edouard Matoko - Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại thống nhất quan điểm cho rằng, Quần thể Danh thắng Tràng An - một di sản văn hóa và thiên nhiên có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững với bảo tồn thiên nhiên, gắn kết vai trò của phụ nữ vào di sản, tìm ra sinh kế cho người dân từ di sản.

Theo lời khẳng định của bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam được tổ chức tại Ninh Bình vào ngày 6/9/2022: Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên.

Nơi đây đã trở thành hình mẫu, câu chuyện thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản.Câu chuyện thành công của Tràng An - Ninh Bình đã truyền cảm hứng cho các quốc gia thành viên.

“Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” tập trung thảo luận 3 phiên chuyên đề trọng tâm: Thực tiễn phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát huy danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững; Giải pháp huy động nguồn lực trong bảo tồn và phát huy giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững. Bên cạnh đó là chương trình tham quan thực địa tại Tràng An, phố cổ Hoa Lư, gặp gỡ cộng đồng cư dân địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ