Danh thắng Tràng An - Hoa Lư, Ninh Bình: Dự án sai phép “ăn thịt” lõi di sản

GD&TĐ - Danh thắng Tràng An - Ninh Bình bị công trình sai phép của Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Du lịch Doanh Sinh làm cho nham nhở, tan hoang.

Công trình xây dựng sai phép của Công ty Doanh Sinh
Công trình xây dựng sai phép của Công ty Doanh Sinh

Chủ tịch xã: Sai phạm là có thật

Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Du lịch Doanh Sinh (Công ty Doanh Sinh) đang xây dựng loạt công trình tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham thuộc xã Ninh Hải (Hoa Lư).

Theo phản ánh, việc xây dựng này không đúng giấy phép. Được biết, vị trí sai phạm thuộc vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An cần được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt.

Sai phạm này được chính quyền xác nhận qua Báo cáo số 443/BC – UBND ngày 22/11/2019 của UBND huyện Hoa Lư, về việc vi phạm trật tự xây dựng tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham của Công ty Doanh Sinh.

Báo cáo nêu, tại thời điểm kiểm tra, công ty đang có hoạt động xây dựng cụ thể. Nhà dịch vụ xông hơi Massages có ký hiệu số 24 trên tổng mặt bằng. Diện tích xây dựng thực tế 18m x 40m = 720m2 (đã đổ xong móng bê tông cốt thép, đang lắp dựng cốt théo cột). Diện tích xây dựng theo giấy phép được cấp là 480 m2.

Cụm nhà nghỉ 2 tầng có ký hiệu số 25 trên tổng mặt bằng: Diện tích xây dựng thực tế 99,5m x 20m = 1.990m2 (đã xây dựng xong tầng hầm, đang làm thép sàn mái tầng 1). Diện tích xây dựng theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp là 600m2, diện tích sàn 1.200m2.

Nhà nghỉ dưỡng loại 1 có ký hiệu số 18** trên tổng mặt bằng. Diện tích xây dựng thực tế 13,5m x 23m = 310,5m2 (đã đổ xong mái bê tông cốt thép tầng 2). Diện tích xây dựng theo giấy phép được cấp là 130 m2.

Toàn bộ các công trình xây dựng nêu trên có quy mô lớn hơn cấp phép. Riêng Cụm nhà nghỉ 2 tầng có ký hiệu số 25 còn xây sai vị trí so với cấp phép.

Trao đổi với GD&TĐ trưa 16/12, ông Nguyễn Văn Hoạt – Chủ tịch UBND xã Ninh Hải (Hoa Lư), cho biết: “Việc sai phạm do Công ty Doanh Sinh gây ra tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham là có thật. Hiện, chính quyền địa phương đã đình chỉ các hoạt động, hoàn thiện các thủ tục yêu cầu đơn vị này phá dỡ các hạng mục sai phép”.

Hàng chục sai phạm xây dựng “ăn thịt” lõi di sản

Từ tháng 1/2019, Sở Du lịch Ninh Bình đã thông báo, trong vùng lõi di sản thế giới Tràng An có 20 cơ sở tự ý xây dựng và kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn trái phép, vi phạm Quyết định 230 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó Quy hoạch chung, khu danh thắng Tràng An được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 không cho phép kinh doanh lưu trú trong vùng lõi di sản.

Theo quy định thì trách nhiệm xử phạt và tháo dỡ các công trình này thuộc về chính quyền huyện, xã. Thế nhưng cho đến nay, sau gần một năm trôi qua, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trái phép trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An vẫn không hề suy suyển, thậm chí không có động thái dừng hoạt động kinh doanh.

Tại xã Ninh Hải thời gian qua, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính 33 homestay vì “hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch sau khi đã thông báo, đồng thời yêu cầu chấm dứt hoạt động”. Nhưng sau xử phạt “đâu lại vào đấy”. Các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch trái phép hằng ngày vẫn mở cửa đón khách tham quan, nghỉ dưỡng, ăn uống…

Năm 2020, Ninh Bình được chọn là địa điểm tổ chức năm Du lịch Quốc gia với chủ đề: Hoa Lư - Cố đô ngàn năm. Mới đây, vào ngày 10/12 tại Hà Nội, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức Họp báo thông tin về Năm Du Lịch quốc gia 2020 – Hoa Lư, Ninh Bình với chủ đề “Hoa Lư – Cố đô ngàn năm”.

Ông Phạm Quang Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: Đây là sự kiện kinh tế - văn hóa - xã hội có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với tỉnh Ninh Bình cũng như ngành Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, những sai phạm đã và đang xảy ra tại vùng lõi Di sản văn hoá và thiên nhiên Thế giới Tràng An có khiến cho vẻ đẹp thiên nhiên quý giá của “Cố đô ngàn năm” mất đi niềm tự hào?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.