Ngày 23/5, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi báo chí phản ánh những công trình "chui" trên vịnh Hạ Long, tỉnh đã ra công văn yêu cầu UBND TP Hạ Long dừng thi công dự án cải tạo, nâng cấp bến cập tàu hang Tiên Ông và động Mê Cung nằm trong vùng lõi vịnh Hạ Long từ ngày 22/5, để hoàn thiện việc đánh giá tác động môi trường.
Theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, công trình cải tạo, nâng cấp bến cập tàu tại hang Tiên ông và động Mê Cung đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cũng như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phê duyệt đầu tư, cấp phép xây dựng. Hai dự án đều nằm trong quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020, được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, nhưng chưa có đánh giá tác động môi trường.
Lý giải về việc này, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, hồ sơ đánh giá tác động môi trường đã gửi đi, nhưng chưa được phê duyệt. "Do mùa mưa bão sắp đến, công trình đang xuống cấp không an toàn cho du khách nên đơn vị tiến hành thi công. Hai công trình được phê duyệt tháng 12/2018, tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng", ông Huỳnh nói.
Công trình tại động Mê Cung chưa có giấy phép đánh giá tác động môi trường. Ảnh:Minh Cương |
Theo ông Huỳnh, ngoài hai dự án trên, hiện còn một số công trình xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản, như: bến cập tàu tại hang Cỏ và hòn Cây Chanh thuộc vịnh Hạ Long được xây dựng một bờ kè dài 170 m bằng đá, đổ bê tông mặt dày 20 cm, do Công ty cổ phần du thuyền Đông Dương xây dựng.
"Những công trình này được xây dựng từ năm 2016, thành phố đã lập biên bản xử lý và ra quyết định cưỡng chế, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Chúng tôi đang kiến nghị để cưỡng chế dứt điểm", ông Huỳnh nói.
Tại khu vực đền Bà Men, do đền xuống cấp nên ngư dân vùng vịnh Hạ Long và Cát Bà xây dựng lại, tuy nhiên đây cũng là công trình trái phép.
Hệ thống bến cảng trái phép tại hang Cỏ. Ảnh:Minh Cương |
Vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích 1.553 km3 bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của vịnh là 335 km2 quần tụ dày đặc 775 hòn đảo.
Năm 1994, vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ hai với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo vào năm 2000.
Theo quy định, việc xây dựng các công trình ở vùng lõi phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt.