Danh họa Nguyễn Sáng 'lành sạch trong lặng lẽ'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khi nhắc đến Hà Nội và Nguyễn Sáng, tất cả đều khẳng định rằng Hà Nội có Nguyễn Sáng và Nguyễn Sáng có Hà Nội.

Bảo vật quốc gia - tác phẩm 'Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ' của Nguyễn Sáng được trưng bày ở phòng 16, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: Bình Thanh
Bảo vật quốc gia - tác phẩm 'Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ' của Nguyễn Sáng được trưng bày ở phòng 16, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: Bình Thanh

Khi nhớ về danh họa Nguyễn Sáng, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã lặng người trong giây lát cùng cảm xúc trào dâng: “Cuộc đời ông lành sạch trong lặng lẽ và lành sạch cả trong sáng tác nghệ thuật. Đây là điều ông đã để lại những bài học lớn cho thế hệ sau…”.

Không gian trưng bày tranh sơn mài (phòng 16) của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dường như lắng lại trong những ký ức năm xưa mà ngỡ như hôm nay của các họa sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu từng được gặp gỡ, làm việc với Nguyễn Sáng, khi tham dự buổi trò chuyện: “Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng” nhân sinh nhật lần thứ 100 của danh họa.

Mỗi người mỗi kỷ niệm để cùng viết nên câu chuyện xúc động về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Sáng…

Mối duyên đặc biệt

Khi nhắc đến Hà Nội và Nguyễn Sáng, tất cả đều khẳng định rằng: Hà Nội có Nguyễn Sáng và Nguyễn Sáng có Hà Nội.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đây là một cơ duyên đặc biệt, khi đời sống mỹ thuật Hà Nội được đón nhận Nguyễn Sáng để “trong cái lặng lẽ sáng tạo nghệ thuật của danh họa thì dường như Hà Nội cũng cho ông rất nhiều, một phẩm hạnh để ông sống trong im lặng và chỉ vẽ để cất giọng”.

Cho đến khi, những năm tháng cuối đời ông ở TP Hồ Chí Minh thì “Hà Nội nhớ Nguyễn Sáng và Nguyễn Sáng nhớ Hà Nội”.

Ông Đoàn đã có phút giây đứng lặng để hồi tưởng và lắng lại về những tháng năm không thể nào quên khi bậc tiền bối đã âm thầm sống trong căn phòng chừng 13 m2 ở căn nhà tập thể nghệ sĩ 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội và sáng tạo nghệ thuật như thế nào.

Đó là hình ảnh Nguyễn Sáng cứ lùi lũi một mình, lặng lẽ cùng đồng nghiệp nhâm nhi ly rượu ở quán Thủy Hử… Rồi thì, vì gian nhà trên tầng 3 quá hẹp nên ông chỉ dùng phấn vẽ nháp trên sàn và xóa, cứ thế, khi ưng mới chuyển vào mặt vóc.

Hay như, khi Nguyễn Sáng liêu xiêu ở quán Thủy Hử về, ghé vào vòi nước ở sân vã lên mặt và uống vài ngụm thì người duy nhất lúc ấy biết là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đi xuống, dìu ông lên phòng…

“Một không gian đầy kỷ niệm đẹp đẽ của những người bạn đồng nghiệp. Hồi đó các ông quý nhau, nể nhau, trọng nhau trong im lặng. Đấy là những tình bạn đẹp đẽ nhất của các ông mà thế hệ chúng tôi được thừa hưởng, tiếp tục những gì mà các ông để lại…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê đã lý giải thêm về phút lặng đi của họa sĩ Lương Xuân Đoàn còn là niềm xúc động sâu lắng vì ông có lần cuối gặp danh họa ở TP Hồ Chí Minh.

Bà kể, khi lục tìm các văn bản cũ, bà giật mình tìm thấy bài viết của họa sĩ Lương Xuân Đoàn từ năm 1988 về lần cuối gặp Nguyễn Sáng.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê kể chuyện về triển lãm cá nhân đầu tiên của danh họa Nguyễn Sáng. Ảnh: Bình Thanh

Họa sĩ Đặng Thị Khuê kể chuyện về triển lãm cá nhân đầu tiên của danh họa Nguyễn Sáng. Ảnh: Bình Thanh

“Tôi chờ đợi sau con phố mang tên Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… sẽ có một tên phố mang tên Nguyễn Sáng ở Hà Nội. Tôi cũng mong những thước phim 3D được sản xuất, có thể từ sự chung tay của nhiều tấm lòng, để công chúng ở bất cứ nơi đâu cũng có thể biết đến cả một sự nghiệp đồ sộ của danh họa Nguyễn Sáng...”. Họa sĩ Đặng Thị Khuê – Nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam

Từ bài báo, bà cảm nhận, lúc ấy, có lẽ cái đau xót nhất là Nguyễn Sáng nhớ Hà Nội. Một họa sĩ vĩ đại nước mắt lưng tròng, cứ buổi chiều hướng về phía Bắc, về Hà Nội…

Câu cuối cùng danh họa nói về sự vô vọng không còn kịp trở ra Bắc nữa: “Mày có thương tao không? Thương nhiều không? Mày thương tao thì mày làm được gì? Mày nhỏ bé quá, nhỏ bé quá. Ôi khiếp Đoàn ơi, nghèo quá, làm sao mà về được bây giờ?”.

“Tôi cứ đi tìm giây phút cuối của Nguyễn Sáng như thế nào. Giờ đọc bài viết này, tôi hiểu được tâm trạng của ông, phút yếu đuối cuối cùng, bỏ đi tất cả những vinh hoa mà ông có thì cuối cùng nó trần trụi ra một con người đích thực – con người cô đơn dành cả cuộc đời gắn bó với đất nước, cống hiến cho Hà Nội, nỗi nhớ thương vô vọng trong những phút cuối đời của ông về Hà Nội.

Tôi được biết hiện nay người nhà vẫn giữ nguyên gian nhà ở 65 Nguyễn Thái Học. Cảm ơn gia đình đã tôn trọng một họa sĩ, một bậc tài năng để giữ những lưu niệm về ông. Tôi mong gian nhà kỷ niệm ấy sớm mở cửa để công chúng được bước vào…”, họa sĩ Đặng Thị Khuê nói.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Cường (con trai thứ hai của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng) thì nhớ lại năm tháng tuổi thơ theo lời cha mẹ mang quà đến biếu bác Nguyễn Sáng ở 65 Nguyễn Thái Học. Điều ông không quên được là chưa khi nào cậu bé Lê Cường thấy bác họa sĩ rất thân thiết với gia đình mình nở nụ cười.

“Bác Sáng đã vẽ mẹ tôi 3 bức, lấy anh tôi (họa sĩ Lê Lam) làm mẫu trong tranh của mình. Hình như khi ở Hà Nội, bác Sáng thiếu một tình cảm gia đình nên bác đã đến nhà tôi. Có khi bác đến gọi: “Chị Vượng ơi, chị còn cơm không cho em ăn với?”…”, ông Cường kể.

Nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng trở về với ký ức tuổi thơ vì bà được sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học, là con gái họa sĩ Mai Văn Hiến – người bạn cùng quê, cùng năm sinh với Nguyễn Sáng.

Bà Oanh vẫn nhớ, bác Sáng hồi ấy không tự nấu cơm mà toàn ăn cơm đồ ghế (cơm bụi ngoài chợ). Lúc nào cũng thấy bác say, lúc nào cũng đi liêu xiêu, tay chắp sau mông… Gian nhà của bác Sáng rất nhỏ và gần như không có gì, ngoài cái bàn nhỏ tiếp khách.

“Có lần bác Sáng mang tiền mới đổi xuống cho chúng tôi. Bác đếm tiền rất lâu, đếm mãi mới được một đồng, có cảm giác như bác không cầm tiền và tiêu bao giờ vậy trong khi đám trẻ con mong chờ. Cuối cùng bác đã cho chúng tôi mỗi đứa 1.000 đồng – một số tiền không nhỏ”, bà Oanh nhớ lại.

Bài học lớn về lao động nghệ thuật

Danh họa Nguyễn Sáng. Ảnh tư liệu.

Danh họa Nguyễn Sáng. Ảnh tư liệu.

Dịp này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn đặc biệt nhắc nhớ đến bài học lớn về nghệ thuật mà danh họa Nguyễn Sáng đã để lại cho hậu thế. Đó là từ 2 báu vật quốc gia: “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” và “Thành đồng Tổ quốc” mà danh họa để lại không phải là tác phẩm Nhà nước đặt hàng.

Trong đó, “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” được Nguyễn Sáng thực hiện sau chiến thắng Điện Biên Phủ khoảng mười năm (1963). “Lúc đó, ông nói với tôi rằng đây là câu trả lời đẹp đẽ nhất của ông về hình tượng người chiến sĩ, về Điện Biên Phủ. Trước đó, ông cũng bị nhắc nhở “đi Điện Biên mà không ký họa”.

Ông bảo, ông không ký họa mà lặng lẽ nuôi dưỡng hình tượng người chiến sĩ Điện Biên, anh bộ đội cụ Hồ. Và ông cho ra đời tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” mà đến lúc này vẫn là đỉnh cao của nghệ thuật hiện thực Xã hội Chủ nghĩa, chưa có tác phẩm nào vượt được”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê thì đặc biệt nhớ đến lần đầu tiên mà cũng là lần cuối bà tham gia tổ chức triển lãm cá nhân cho danh họa. Khi đó, bà đương nhiệm Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam).

Cầm tấm ảnh được chụp lúc gặp Nguyễn Sáng để nói về triển lãm, bà Khuê kể: Năm 1982, ông bị bạo bệnh, có lẽ do nỗi đau thương về người vợ trẻ sớm rời xa cõi tạm rồi dồn sức cho tác phẩm “Thành đồng Tổ quốc”.

Trước tình hình đó, Hội thấy cần phải giới thiệu sự nghiệp của ông. “Ngày 29/7/1982, khi nghe tôi nói việc để hội làm triển lãm cá nhân, họa sĩ Nguyễn Sáng chỉ nói một câu rất đơn giản: “Anh còn gì đâu để làm triển lãm”. Vậy mà sau 2 năm, chúng tôi đã làm được…”, bà Khuê nói.

Đó là kết quả đẹp của những tấm tình nghệ sĩ khi toàn bộ cán bộ văn phòng Hội, cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam như Đặng Thị Khuê, Lương Xuân Đoàn, Mai Văn Hiến, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Bích, Hoàng Đình Tài, Lê Chấn, Nguyễn Thị Hải Yến… cùng tỏa đi khắp đất nước để mượn được hơn 100 bức tranh của Nguyễn Sáng về thực hiện một triển lãm có “Hàng trăm cuộc đời ùa vào” (góc nhìn của họa sĩ Thái Bá Vân) và tạo thành sự kiện đặc biệt trong đời sống mỹ thuật lúc đó.

“Không hiểu một tinh thần quật cường nào đó mà chúng tôi đồng lòng để làm ra sự kiện này và tôi vinh hạnh được tham dự vào đó. Khí phách thời đó cho chúng tôi vượt lên tất cả… Cũng từ đây, hãy hình dung “xưởng vẽ” của Nguyễn Sáng chỉ có hơn 13 m2, tôi không hiểu làm sao anh ấy vẫn có thể sáng tạo - toàn tranh sơn mài khổ lớn.

Tôi không hiểu trong điều kiện lúc bấy giờ mà ông vẫn có thể cho ra đời những tác phẩm vĩ đại như thế. Những bậc danh họa đã sống, làm việc, yêu cuộc sống và đã vượt qua tất cả như thế”, họa sĩ Đặng Thị Khuê hướng ánh mắt tự hào nói.

Cũng liên quan đến triển lãm này, bà Khuê còn lần đầu kể câu chuyện về bộ áo dài chữ triện bà mặc hôm khai mạc, để không ít người ì xèo “mặc áo dài thời này họa là điên”.

Đó là, sau khi mời Nguyễn Sáng đến duyệt lần cuối chuẩn bị triển lãm, ông mời cả đội đến quán Thủy Hử ăn cơm. Nghe Đặng Thị Khuê nói: “Anh yên tâm nhé, mọi việc đã xong, chỉ đợi khai mạc”, Nguyễn Sáng đang vui, tự nhiên lặng người đi và nói: “Sau triển lãm anh sẽ vào Nam để sống với một người em. Vậy thì em gắng mặc cho anh chiếc áo dài”.

Nghĩ đến việc lúc đó không ai mặc áo dài vì đời sống vô cùng khó khăn, bị cho là xa xỉ, cô Khuê đã lo sợ mà không thể chối từ vì đó là mệnh lệnh về tình cảm của bậc đàn anh đáng kính.

Cô Khuê đến triển lãm muộn cùng con gái 5 tuổi và niềm mong mỏi Nguyễn Sáng quên đề nghị hôm trước. Nhưng họa sĩ Hoàng Đình Tài đã hốt hoảng tìm đến. “Tôi đành lấy bộ áo dài để trong sắc ra mặc rồi cố gắng bước qua biển người để đến bên Nguyễn Sáng. Anh Sáng khoác tay tôi và tuyên bố khai mạc bắt đầu bằng một câu nói đúng Nguyễn Sáng, rất Nam Bộ, rất khảng khái: “Tôi chẳng có gì đâu ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng”.

Triển lãm đã hội tụ giới trí thức ở Hà Nội và như một ngày hội. Nhưng cũng có ý kiến phản bác rằng: “Mặc áo dài thời này họa là điên. Con này nó không điên, mà chắc có ý đồ gì đó. Thực ra tôi không có ý đồ gì mà chỉ từ đề nghị của anh Sáng. Anh ấy sống với người vợ trẻ có 11 tháng, chị rất đẹp và hay mặc áo dài.

Có lẽ chăng những phút long trọng sắp tạm biệt nơi này, anh nhớ đến người vợ chăng, nhớ đến miền Bắc, nhớ Hà Nội. Có lẽ anh nhờ tôi mặc chỉ vì thế, chỉ vì để anh bớt cô đơn, vì bên cạnh anh có một người phụ nữ nên tôi không từ chối”, họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ.

“Để thực hiện triển lãm cá nhân của danh họa Nguyễn Sáng, tôi là thư ký ghi chép những điều anh yêu cầu và viết lời giới thiệu cuốn catalog. Tôi hỏi anh đưa tranh nào ra ngoài bìa cuốn catalog, anh bảo không, chỉ có chữ ký. Tôi mài mực đỏ và đen, chuẩn bị giấy khổ 40 x 40 và nín lặng xem anh ký thế nào. Nội lực của anh thể hiện ở chữ ký đó. Ký đến khoảng chữ thứ 6 - thứ 7, anh dừng lại rồi khoanh lên, trong đó có chữ “HN”.

Dấu son đỏ này sẽ nằm ở góc tranh của Nguyễn Sáng. Đây là điểm mà Bảo tàng Mỹ thuật có thể căn cứ vào đó để làm trung tâm giám định tranh, chữ ký của các họa sĩ, tác giả…” - Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ