Tranh của danh họa Lê Thị Lựu trở về quê hương

GD&TĐ - Triển lãm “Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn” trưng bày gần 30 tác phẩm của Giáo sư Mỹ thuật đầu tiên của Việt Nam vừa được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, sau 30 năm ngày bà mất.

Tranh của danh họa Lê Thị Lựu trở về quê hương
“Ba mẹ con trên cỏ” được họa sĩ Lê Thị Lựu sáng tác năm 1960
“Ba mẹ con trên cỏ” được họa sĩ Lê Thị Lựu sáng tác năm 1960 

Họa sĩ Lê Thị Lựu sinh ngày 19/1/1911, tốt nghiệp thủ khoa khóa 1927 - 1932 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bà là người nổi tiếng trong giới mỹ thuật Đông Dương vào những năm 1930. Năm 1940, bà theo chồng sang Pháp định cư nên hầu hết sáng tác của Lê Thị Lựu được lưu giữ tại Pháp.

Từng nhiều lần về Việt Nam khảo sát các bảo tàng để “chọn mặt gửi vàng”, năm 2018, vợ chồng cháu trai của cố danh họa Lê Thị Lựu - ông Lê Tất Luyện và nhà phê bình mỹ thuật Thụy Khuê - quyết định đưa các tác phẩm của bà về tặng bảo tàng Việt Nam.

Bộ sưu tập được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM gồm hai phần, phần một gồm 18 tác phẩm chất liệu lụa, sơn dầu và hai bản sao chụp tác phẩm. Phần hai gồm 9 tác phẩm lụa, sơn dầu, trong đó có một bức do chồng họa sĩ Lê Thị Lựu - ông Ngô Thế Tân sáng tác. Đây là các tác phẩm được bà vẽ trong thời gian 1940 – 1988.

Tranh Lê Thị Lựu có nét tươi sáng mà thoáng buồn. Chủ đề nổi bật trong các bức tranh là vẻ đẹp cổ điển người phụ nữ “khuôn vàng thước ngọc”. Nhân vật mà bà khắc họa là thiếu phụ, thiếu nữ và thiếu nhi…Vẻ đẹp mong manh, tinh tế trong nhiều bức tranh của cố họa sĩ được biểu đạt điêu luyện, giao thoa giữa kỹ thuật vẽ tranh lụa và tranh màu nước.

Ngoài việc trưng bày bộ sưu tập, Bảo tàng Mỹ thuật còn xuất bản cuốn “Lê Thị Lựu - Ấn tượng hoàng hôn”của tác giả Thụy Khuê. Sách cung cấp thêm thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Thị Lựu và một số họa sĩ cùng thời cũng sống và sáng tác ở Pháp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ