Đánh giá tình hình thực hiện GD song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ

GD&TĐ - Ngày 28/1 tại trụ sở Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội thảo tham vấn, vận động chính sách tái khởi động giáo dục song ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ.

Phó Chủ tịch Giàng A Chu phát biểu tại Hội thảo.
Phó Chủ tịch Giàng A Chu phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu, Thường trực Hội đồng Dân tộc chủ trì, tham dự có đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef), đại diện các vụ chức năng của Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nêu rõ, nghiên cứu tình hình thực hiện GD song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một trong những nội dung chương trình giám sát về giáo dục dân tộc của Hội đồng Dân tộc. Trên cơ sở kết quả giám sát, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá đúng tình hình thực hiện về giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; làm rõ mặt được, chưa được, tìm ra giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả chính sách GD-ĐT vùng dân tộc.

Ông Giàng A Chu nhấn mạnh, trên cơ sở nghiên cứu, Hội đồng sẽ khuyến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương tiếp tục có chính sách, giải pháp thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ từ bậc mầm non đến tiểu học, trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới, góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa nâng cao chất lượng học tập, vừa góp phần bảo tồn tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số.

Tham luận của đại biểu đã làm rõ các nội dung giám sát thực hiện song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại Lào Cai và An Giang. Kết quả giám sát cho thấy, giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một giải pháp khoa học và khả thi để cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số. Thông qua thực hiện GD song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, giáo viên cũng được nâng cao không chỉ về trình độ đào tạo mà còn được nâng cao năng lực nghề nghiệp. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là chưa có sách giáo khoa song ngữ, tài liệu tham khảo dạy học song ngữ cho người học.

Hội nghị đã đồng tình với kiến nghị trong Báo cáo giám sát, đề xuất Chính phủ cần sớm xem xét, sửa đổi Nghị định số 82/NĐ – CP quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở GD phổ thông và trung tâm GD thường xuyên. Bổ sung quy định về nội dung, phương pháp, kế hoạch dạy học song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại các nơi có điều kiện tại Điều 5, Nghị định 82. Đây cũng là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện dạy song ngữ theo chương trình, sách giáo khoa mới.

Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về chính sách phụ cấp cho giáo viên dạy song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, hỗ trợ kinh phí công tác quản lý cho các Sở, trường tham gia thực hiện GD song ngữ vào khoản 1, Điều 9; Bổ sung quy định về việc Nhà nước bảo đảm sách giáo khoa song ngữ, tài liệu tham khảo dạy học cho người học tham gia học tập giáo dục song ngữ tại Khoản 2, Điều 9, Nghị định 82 của Chính phủ...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ