Nâng chất giáo dục dân tộc: Đòi hỏi tất yếu từ đội ngũ

GD&TĐ - Việc bồi dưỡng phát triển đội ngũ GV người dân tộc cần được đặt ra như nhiệm vụ trọng tâm để phù hợp với giáo dục vùng miền, đồng thời đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện đại.   

Cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ GV người DTTS.
Cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ GV người DTTS.

Khó bó khôn

Có thể thấy ngoài những đặc điểm chung của đội ngũ GV, giáo viên tiểu học dân tộc thiểu số (GVTH DTTS), mang những đặc điểm khác biệt bởi tính chất đặc thù.

Tại Hội thảo Quốc tế “Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông” do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức, TS Trần Thị Yến – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có tham luận và chỉ ra rằng: Về cơ bản, GVTH người DTTS đạt chuẩn đào tạo theo cấp học nên họ là đội ngũ có tri thức, kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa của dân tộc mình và dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sự hiểu biết này giúp ích cho họ rất nhiều trong chuyên môn và dạy học. Tuy nhiên, trình độ đào tạo ban đầu của GVTH người DTTS với phương thức tuyển sinh sư phạm khác nhau nên kết quả đầu ra thiếu tương đồng về chất lượng.

Mặt khác, những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, để đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ trên toàn quốc, ở vùng DTTS xuất hiện nhiều hình thức đào tạo cấp tốc, “cắm bản” như: Các hệ đào tạo 5+3 tháng; 9+3 tháng; 12+6 tháng… Đây là khó khăn cho việc hoàn thành sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ ở vùng DTTS.

Cùng đó, vùng DTTS và miền núi thường có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, với thiên tai khôn lường… Dân cư thưa thớt khiến các lớp học điểm lẻ quá sâu, quá xa so với điểm trường chính. Các GVTH người DTTS thường đảm trách những lớp học điểm lẻ này và như vậy làm hạn chế việc học hỏi nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ, yêu cầu chuẩn hóa được ngành Giáo dục quan tâm rất nhiều. Song vẫn thật khó để đạt được sự tương ứng giữa chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp. Mặc dù chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước tạo cơ hội và điều kiện để phát triển GVTH người DTTS song sự chênh lệch về kiến thức và năng lực đầu vào (đào tạo) và đầu ra (sau đào tạo trở thành GV) của GV là khác nhau; trình độ đào tạo ban đầu, điều kiện môi trường giáo dục khác nhau sẽ là những thách thức đối với chất lượng GVTH DTTS.

Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet 

Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Hiệu quả tự học phụ thuộc nhiều vào việc tạo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, tài liệu, bầu không khí sư phạm tập thể; đặc biệt là vai trò định hướng về nội dung cần học cho GV người DTTS của CBQL, là nhu cầu tự bồi dưỡng và hình thành động lực tự bồi dưỡng của GV người DTTS… 

Để quá trình đổi mới giáo dục diễn ra hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, việc phát triển đội ngũ GVTH người DTTS đạt chuẩn về chất lượng là đòi hỏi tất yếu. Và chỉ thông qua đào tạo và bồi dưỡng mới có thể nâng cao chất lượng đội ngũ.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Trần Thị Yến đưa ra một số đề xuất. Trước hết, đào tạo GVTH người DTTS cần được nâng chuẩn về nội dung, đồng thời căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp để đào tạo phù hợp, tương xứng. Mặt khác, các trường sư phạm cần nghiên cứu đưa vào nội dung, chương trình đào tạo đặc thù như: Dạy học trong môi trường đa văn hóa; tiếng dân tộc; chuyên đề phương pháp dạy học đặc thù cho HS dân tộc…

Nội dung đào tạo đối với GV dạy ở vùng DTTS trong các trường sư phạm cần phản ánh những vấn đề trên trong mối liên hệ với thực tiễn giáo dục ở từng vùng DTTS.

Người làm công tác đào tạo GV và đội ngũ CBQL cũng cần được đào tạo và cần sự trợ giúp trong cách tiếp cận với những nội dung giáo dục đặc thù.

Phương pháp và hình thức đào tạo cần gắn với nhà trường và tăng tính thực hành trong các nhà trường. Vì đối tượng GV người DTTS được đào tạo là những người đang thực hiện giảng dạy ở các nhà trường tiểu học, do đó thời gian đào tạo cũng được đặc biệt quan tâm. Cần sử dụng các hình thức đào tạo phù hợp.

Theo TS Trần Thị Yến, trong việc bồi dưỡng lĩnh vực kiến thức theo chuẩn nghề nghiệp đáp ứng đủ 5 yêu cầu và 20 tiêu chí được quy định ở lĩnh vực này. Chú trọng bồi dưỡng các kiến thức về dạy học tích hợp ở một số môn học; văn hóa dân tộc; dạy học trong môi trường đa văn hóa; đồng thời bồi dưỡng kiến thức ở một số môn học tự chọn (tiếng Anh, tiếng dân tộc…), bồi dưỡng kiến thức tâm lý sư phạm; quan tâm đến tâm lý HS người DTTS vừa đáp ứng theo chuẩn nghề nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục….

Phương pháp và hình thức bồi dưỡng hiệu quả nhất đối với GVTH người DTTS đó là “nghiên cứu bài học”. Đây là hình thức bồi dưỡng tại chỗ theo đơn vị trường học lấy tập thể sư phạm từng trường TH làm nòng cốt, như là “tế bào” của hoạt động bồi dưỡng GV.

Mặt khác, với những GV mới ra trường và GV còn yếu có thể bồi dưỡng qua kèm cặp, rèn nghề. BGH các nhà trường cùng với tổ/khối trường sẽ phân công GV cốt cán có tay nghề vững vàng, có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn từ soạn bài đến lên lớp.

TS Trần Thị Yến cũng khẳng định: Do yêu cầu đổi mới giáo dục đòi hỏi người GV phải tự bồi dưỡng là chính, tự thân vận động chiếm lĩnh tri thức để có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trong công tác của mình.

Tuy nhiên, với đội ngũ GVTH người DTTS, vấn đề tự bồi dưỡng còn khó khăn. GV còn thiếu thông tin, sách báo và ít có cơ hội giao tiếp với bên ngoài hoặc trong cộng đồng… Do vậy, hình thức GV tự học, tự bồi dưỡng nên bắt đầu từ việc tổ chức giải đáp những thắc mắc qua thực tế dạy học theo nhóm và từng GV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.