Nâng chất giáo dục dân tộc: Đâu là thách thức?

Nâng chất giáo dục dân tộc: Đâu là thách thức?

Đặc biệt trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và thay sách giáo khoa càng đòi hỏi nhiều hơn các giải pháp để thúc đẩy và phát huy vai trò đội ngũ giáo viên.

 Băn khoăn nhìn từ đội ngũ

Khi nghiên cứu về đội ngũ giáo viên tiểu học (GVTH) người dân tộc thiểu số (DTTS), TS Trần Thị Yên - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chỉ ra: Ngoài những nét chung, do tính chất đặc thù của vùng DTTS, GVTH người DTTS có những đặc điểm khác biệt khiến ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục dân tộc nói riêng.

Trước hết, vấn đề ngôn ngữ, văn hóa là những thách thức lớn đối với GVTH người DTTS. Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai (không phải là tiếng mẹ đẻ), tiếng dân tộc (tiếng mẹ đẻ) mới chỉ dừng lại ở mức độ nghe, nói và ở một bộ phận GV biết đọc, viết.

Một vấn đề đáng quan tâm khác khi giáo dục dân tộc Việt Nam những năm 80, 90 của thế kỷ trước, để đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ trên toàn quốc thì ở vùng DTTS đã xuất hiện nhiều hình thức đào tạo cấp tốc, cắm bản như các hệ đào tạo 5+3 tháng; 9+3 tháng; 12+6 tháng… Đây là khó khăn cho việc hoàn thành sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ ở vùng DTTS khi trình độ năng lực, kỹ năng hướng dẫn giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học của không ít GV chưa đạt yêu cầu.

GVTH người DTTS là trí thức DTTS, có hiểu biết sâu sắc về truyền thống, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa vùng DTTS… song trình độ đào tạo ban đầu của GVTH người DTTS với phương thức tuyển sinh sư phạm khác nhau (một số HS chính quy theo điểm chuẩn của trường sư phạm, một số lại trúng tuyển, có điểm thi cộng điểm ưu tiên DTTS và khu vực đủ điểm chuẩn của trường, một số khác được tuyển vào trường sư phạm theo hệ cử tuyển…) để lại hạn chế chung về trình độ đào tạo ban đầu.

Mặt khác, về cơ bản vùng DTTS và miền núi có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai khôn lường, dân cư thưa thớt, HS đi học quá xa… GVTH người DTTS thường đảm trách những lớp học điểm lẻ, điều này làm hạn chế đến việc học hỏi nâng cao năng lực nghề nghiệp của họ. GV dân tộc về cơ bản vẫn khó khăn để đạt được sự tương ứng giữa chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp.

Nâng chất giáo dục dân tộc: Đâu là thách thức? ảnh 1
Ảnh minh họa/ INT

Để đáp ứng yêu cầu

Theo ThS Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, muốn phát triển đội ngũ GV vùng DTTS đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc… thì cần thiết triển khai thực hiện 5 giải pháp căn bản.

Trước hết cần xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ GV THPT vùng DTTS. Chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ; Thực hiện tốt các chính sách; Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của GV THPT vùng DTTS theo chuẩn nghề nghiệp. Xây dựng môi trường giáo dục đa văn hóa phù hợp với sự phát triển của đội ngũ GV.

Đội ngũ GV THPT đang dạy học vùng DTTS là một trong những nội lực quan trọng quyết định sự thành công của đổi mới GD-ĐT. Trong bối cảnh đổi mới, việc phát triển đội ngũ GV THPT vùng DTTS theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng dạy học… vô cùng cần thiết. Đặc biệt các địa phương, nhà trường cũng cần chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của GV để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Phát triển đội ngũ GV người dân tộc và dạy học vùng dân tộc chính là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc và miền núi.

Dưới góc nhìn về đội ngũ GVTH người DTTS, TS Trần Thị Yên cũng cho rằng GVTH người DTTS là lực lượng quan trọng trong việc thực hiện nội dung, chương trình ở vùng DTTS; góp phần bảo đảm cho giáo dục ở vùng DTTS phát triển bền vững. Vì vậy, một trong những vấn đề cần quan tâm là xây dựng và phát triển GVTH người DTTS đạt chuẩn về chất lượng đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục vùng DTTS nhằm phát triển giáo dục vùng DTTS hiện tại và tương lai.

TS Trần Thị Yên nhấn mạnh: Với nội dung bồi dưỡng cần lưu ý trong việc bồi dưỡng lĩnh vực kiến thức theo chuẩn nghề nghiệp đáp ứng đủ 5 yêu cầu và 20 tiêu chí được quy định ở lĩnh vực này. Chú trọng bồi dưỡng các kiến thức về dạy học tích hợp ở một số môn học: Tiếng Việt; tiếng dân tộc; văn hóa dân tộc, dạy học trong môi trường đa văn hóa.

Bên cạnh đó, bồi dưỡng kiến thức ở một số môn học tự chọn; bồi dưỡng kiến thức về tâm lý học sư phạm, chú trọng tâm lý lứa tuổi trong đó quan tâm đến tâm lý của HS người DTTS vừa đáp ứng theo chuẩn nghề nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục… Đối với phương pháp, hình thức bồi dưỡng hiệu quả cho GVTH người DTTS, GV dạy học vùng DTTS cần lưu tâm tới “nghiên cứu bài học”. Đây là hình thức bồi dưỡng tại chỗ theo đơn vị trường học lấy đơn vị tập thể sư phạm từng trường làm nòng cốt như tế bào đơn vị thao tác của hoạt động bồi dưỡng GV. 

“Yêu cầu đổi mới giáo dục đòi hỏi GV phải tự bồi dưỡng, tự thân vận động chiếm lĩnh tri thức để có thể giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra trong công tác của mình. Vì vậy, hình thức tự học, tự bồi dưỡng vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, với đội ngũ GVTH người DTTS thì vấn đề tự bồi dưỡng còn khó khăn. Hiệu quả tự học phụ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, tài liệu, bầu không khí sư phạm tập thể”.  - TS Trần Thị Yên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ