Thị trường tồn tại nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui”. Các nạn nhân hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo “ngọt ngào” trên mạng để rồi “tiền mất tật mang”. Trong bối cảnh này, điều người dân cần làm là lên án, tẩy chay, thông báo kịp thời các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý.
Cẩn trọng trước “chiêu trò” quảng cáo
Tại Đại hội thường niên và hội nghị khoa học của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, GS.TS.BS Trần Thiết Sơn - nguyên Trưởng Bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Đại học Y Hà Nội), Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời gian qua Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội chưa có tiếng nói chính thống mạnh mẽ trong hệ thống quản lý về mặt chuyên môn.
Đồng thời, chưa có thẩm quyền và quyền hạn về mặt quản lý hành nghề nên còn nhiều cơ sở hoạt động vượt phép. Tuy nhiên, tới đây, hội sẽ quản lý, giám sát hoạt động của các thành viên cũng như cơ sở làm đẹp. Từ đó, giúp xây dựng hình ảnh ngành phẫu thuật thẩm mỹ.
GS.TS.BS Trần Thiết Sơn khuyến cáo, những khách hàng có nhu cầu làm đẹp có thể chọn cơ sở uy tín, đã được thẩm định và cấp phép bởi các cơ quan có thẩm quyền. Qua đó, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình và nhất là sức khỏe, tính mạng.
Đồng thời, khách hàng cũng cần cẩn trọng trước những chiêu trò quảng cáo hoa mỹ kiểu đẹp nhanh chóng, trắng sáng nhanh chóng... của các cơ sở thẩm mỹ trên các trang mạng xã hội hay các loại hình khác. Bởi, thực tế, làm đẹp cần phải có một liệu trình điều trị nhất định chứ không thể làm đẹp ngay và luôn được.
ThS.BSNT Nguyễn Thị Thu Lan - Khoa Dị ứng miễn dịch và da liễu, Bệnh viện E cho rằng, không phải chỉ hiện tại, mà trước đây, các cơ quan quản lý cũng đã có rất nhiều hình thức để quản lý cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp.
Cụ thể, đó là quản lý thường xuyên về việc cơ sở được cấp phép không, hoặc những bác sĩ tại đó có bằng cấp chuyên môn không. Tuy nhiên, do nhu cầu thẩm mỹ của chị em quá cao, sau khi bị kiểm tra và đóng cửa, các cơ sở không bảo đảm lại tiếp tục mở lại với tên gọi khác. Đó là lý do việc quản lý hiện tại chưa có hiệu quả nhất định.
“Thời gian tới, tôi cho rằng, cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp để quản lý siết chặt hơn. Song, gốc rễ vẫn là bản thân người dân, phải lựa chọn cơ sở làm đẹp một cách thông minh. Điều đó cũng góp phần hạn chế việc các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp không có phép “mọc lên”” - bác sĩ Lan chia sẻ.
Khó đưa ra giải pháp triệt để
Về vấn đề thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp “chui” xuất hiện nhan nhản, gây hệ quả xã hội, theo luật sư Lại Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty TNHH LLA Legal, đây là một vấn đề “nhức nhối”.
“Dựa trên theo dõi của cá nhân tôi, dưới tư cách là một người dân bình thường cũng như một luật sư, tôi nghĩ vấn đề này là một vấn đề khá nhức nhối và cũng không dễ để tìm lời giải hay một giải pháp triệt để, toàn diện”, ông Thanh chia sẻ.
Cụ thể, luật sư Thanh cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, công nghệ, y học ngày càng tân tiến. Trong bối cảnh đó, con người ngày càng có điều kiện để chăm sóc và đầu tư cho bản thân nhiều hơn cả về sức khỏe lẫn dáng vẻ bên ngoài. Nhu cầu làm đẹp hay thẩm mỹ cũng hoàn toàn là chính đáng.
Thậm chí, đối với một số người, đó là nhu cầu khá bức bối, quan trọng hơn cả các nhu cầu khác. Có nhu cầu thì theo quy luật của thị trường sẽ có nguồn cung cấp các dịch vụ này. Đó là một lẽ tất yếu, nhất là khi nguồn lợi đem lại từ ngành này là rất lớn.
Bên cạnh những bệnh viện, phòng khám, cơ sở thẩm mỹ được cấp phép hoạt động, có đầy đủ điều kiện để hành nghề, thì cũng sẽ có những phòng khám, cơ sở hoạt động “chui”, bất chấp những quy định của pháp luật về điều kiện thành lập, điều kiện hoạt động. Những cơ sở này tiến hành các dịch vụ thẩm mỹ “chui” không phép hoặc không đúng giấy phép.
Luật sư Lại Ngọc Thanh cho biết, đã có đủ các quy định của pháp luật hiện hành để quản lý và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. “Để kiểm soát tình trạng nêu trên, theo tôi, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và kiên quyết xử lý nghiêm nếu có hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống thông tin điện tử cung cấp danh sách các cơ sở thẩm mỹ đã được cấp phép, các cơ sở có vi phạm. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, khuyến cáo người dân lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ đủ điều kiện, có uy tín”, chuyên gia pháp lý nhấn mạnh.
Ông Thanh cho rằng, giải pháp cuối cùng và hữu hiệu nhất chính là mỗi cá nhân phải tự trang bị kiến thức cho chính mình. Người sử dụng dịch vụ thẩm mỹ trước hết và trên hết phải tự tìm hiểu, tìm kiếm cũng như sử dụng các phương pháp thẩm mỹ phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của bản thân.
Đặc biệt, nên lựa chọn cơ sở có uy tín, bác sĩ, nhân viên có tay nghề, có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ đào tạo phù hợp, trang thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế hiện đại, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và an toàn. Người dân cũng cần chấp hành không lôi kéo, dụ dỗ việc sử dụng dịch vụ tại các cơ sở không uy tín. Thậm chí, cần lên án, tẩy chay, thông báo kịp thời các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý.
Thay vì nâng cao chất lượng chuyên môn và dịch vụ, một số cá nhân và cơ sở thẩm mỹ đã dùng chiêu bài “thần thánh hóa” phương pháp làm đẹp, nhằm lôi kéo những khách hàng nhẹ dạ vì mục đích lợi nhuận.
Theo quy định tại Điều 8 của Luật Quảng cáo năm 2012, một trong những hành vi bị cấm khi thực hiện hoạt động quảng cáo là: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
“Nếu các cơ sở thẩm mỹ quảng cáo trên phương tiện truyền thống như báo, đài, website, bảng, biển… quảng cáo – thì phần nào là dễ quản lý cho cơ quan chức năng (vì là thực tế, dễ xác định, truy xuất nguồn gốc).
Song, hiện tại, với việc bùng nổ các trang mạng, tiện ích mạng xã hội, thì đúng là quản lý và kiểm soát vấn đề này quá khó. Đó là khó trong việc quản lý nội dụng trên các mạng xã hội, khó trong việc truy xuất nội dung quảng cáo đến từ cơ sở nào và khó trong việc lưu giữ chứng cứ chứng minh vi phạm để xử lý (vì họ có thể xóa bài, ẩn bài, thậm chí xóa luôn tài khoản mạng xã hội)...”, luật sư Thanh nhận định.
Tuy nhiên, theo chuyên gia pháp lý này, dù khó nhưng vẫn phải làm, phải quản lý. Giải pháp đưa ra là nên tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực thi quy định theo hướng yêu cầu các trang mạng xã hội phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm.
Luật sư Lại Ngọc Thanh cho biết: “Cần đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hành vi quảng cáo sai sự thật và thiết lập các kênh tiếp nhận thông tin. Từ đó, để người dân có thể báo cáo các nội dung vi phạm. Đó cũng là một phương thức giúp cơ quan Nhà nước dễ dàng kiểm soát và xử lý vi phạm hơn”.