Thẩm mỹ “chui” ngày càng tinh vi
Tháng 11/2022, chị N.T.P., 25 tuổi đã tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc gây tê/mê để đốt mỡ cánh tay và ngực trái tại Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (Phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM).
Khi Thanh tra Sở Y tế đến kiểm tra mới phát hiện đó chỉ là một căn nhà 2 tầng cũ kỹ, đang sửa chữa sơn phết. Chủ nhà cho biết những người của cơ sở thẩm mỹ này đã trả nhà, bỏ đi vài ngày sau khi xảy ra vụ chết người.
Đây là một trong những trường hợp thẩm mỹ “chui” gây chết người tại TPHCM trong những năm qua.
Gây chết người hoặc tai biến dẫn đến tàn tật cho khách hàng và sau đó bỏ đi là một trong số những thủ đoạn của các cơ sở thẩm mỹ “chui” né tránh bị xử phạt.
Tại TPHCM còn xuất hiện tình trạng các “thẩm mỹ viện” di động. Đó là đóng vai nhân viên thẩm mỹ đến tận nhà làm đẹp cho khách hàng.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định hoạt động thẩm mỹ “chui” ngày càng tinh vi và có xu hướng chuyển vào các cơ sở có thể né tránh cơ quan quản lý Nhà nước như khách sạn, nhà trọ…
Không chỉ tìm cách để có thể dễ dàng tháo chạy, các cơ sở thẩm mỹ còn luôn tìm cách thực hiện các kỹ thuật chưa được cấp phép.
Thanh tra Sở Y tế TPHCM từng ra rất nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở spa, khi những nơi này chỉ có giấy phép kinh doanh dịch vụ chăm sóc da nhưng lại thực hiện các thủ thuật xâm lấn như tiêm filler, tiêm botox hoặc thậm chí hút mỡ, nâng mũi.
Hậu quả là rất nhiều khách hàng sau khi đến những cơ sở thẩm mỹ “chui” này đã gặp phải nhiều tai biến như hoại tử mũi, mù mắt, lệch mặt...
Hiện nay, dù mức xử phạt vi phạm hành chính có thể lên đến hơn 100 triệu đồng, nhưng nhiều cơ sở thẩm mỹ vẫn bất chấp, tiếp tục vi phạm.
Đơn cử, dù bị đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực y tế của cơ sở trong thời hạn 3 tháng, bị phạt 110 triệu đồng, nhưng Thẩm mỹ viện Pasteur (Pasteur Institule Clinic), địa chỉ số 4-4B Lê Quý Đôn, phường Võ Thị Sáu, quận 3 vẫn lén lút hoạt động.
Vì thế, Thanh tra Sở Y tế TPHCM ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hộ kinh doanh này về hành vi: “Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động” và thêm hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 24 tháng.
Không chỉ chủ cơ sở thẩm mỹ vi phạm pháp luật mà các bác sĩ hành nghề trong lĩnh vực này cũng có hành vi đi ngược lại với đạo đức nghề.
Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã xử phạt 2 bác sĩ thẩm mỹ Triệu Lê Minh và Bùi Xuân Huân của Thẩm mỹ viện Siam Thái Lan (địa chỉ 53-55-57 đường Trường Sơn, phường 15, quận 10), mỗi người bị xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh vì vụ lợi.
Vì sao khó quản lý?
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã phải nói rằng, quản lý các cơ sở thẩm mỹ “chui” là một thách thức lớn của ngành Y tế TPHCM.
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, có đến hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ, trong đó có 598 cơ sở do Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố thẩm định, cấp phép hoạt động. Con số này tính ra chỉ chiếm tỷ lệ chưa tới 10%.
Sở Y tế TPHCM giải thích, những cơ sở thẩm mỹ do ngành Y tế thẩm định, cấp phép là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa (thẩm mỹ da) có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác)….
Những cơ sở này, buộc phải có giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật do Sở Y tế cấp. Cơ sở phải có giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (nếu loại hình hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (nếu loại hình doanh nghiệp).
Như vậy, còn có đến 6.489 cơ sở (chiếm hơn 90% cơ sở thẩm mỹ) bao gồm chăm sóc da, phun xăm thêu thẩm mỹ, dịch vụ gội đầu, làm móng... do UBND quận, huyện, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các cơ sở này hoạt động không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định, cấp phép.
Chiếm đa số các trường hợp bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh là những cơ sở thẩm mỹ này.
Họ có các hành vi như: Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép và khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh…
Rõ ràng đây là một lỗ hổng quá lớn trong quản lý cơ sở thẩm mỹ. Ngoài sự bùng nổ số lượng lớn các cơ sở thẩm mỹ, theo một số bác sĩ, mức xử phạt về quản lý vi phạm trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ còn quá nhẹ, trong khi nguồn lợi từ lĩnh vực này mang lại quá lớn nên đã khiến nhiều cơ sở thẩm mỹ bất chấp.
Theo quan điểm của PGS.TS Lê Hành, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, ngành phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay rất bát nháo, cơ quan quản lý cần bổ sung các quy định tăng nặng trong trường hợp hành nghề thẩm mỹ gây chết người. Cần phải xem đây là hành vi xử lý theo luật hình sự chứ không thể chỉ bồi thường hay thương lượng.
Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng để tăng cường quản lý tại các khách sạn, khu dân cư… nhằm phát hiện kịp thời hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ “chui”. Đơn vị này cũng chủ động phối hợp với Sở KH&CN, Sở TT&TT TPHCM nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ để nhận diện, phân loại và sàng lọc các nội dung quảng cáo liên quan đến hoạt động thẩm mỹ chưa được cấp phép. Khuyến khích người dân khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ về các hoạt động y tế trái phép thì cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý Nhà nước.