Đánh cược tính mạng với thẩm mỹ 'chui': Tỉnh táo trước những quảng cáo 'có cánh'

GD&TĐ - Những cơ sở làm đẹp không bảo đảm chất lượng 'mọc lên như nấm sau mưa'.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những cơ sở làm đẹp không bảo đảm chất lượng “mọc lên như nấm sau mưa”. Nhân viên không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn cho khách hàng.

Đã có rất nhiều người vì muốn làm đẹp mà “tiền mất, tật mang”. Phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với ThS.BSNT Nguyễn Thị Thu Lan, Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E về vấn đề này.

Thủ thuật nào cũng có nguy cơ gây biến cố

- Nhiều trường hợp gặp biến chứng sau làm đẹp tại những cơ sở không uy tín. Bác sĩ cho biết về một số trường hợp gặp biến chứng gần đây và phải điều trị tại bệnh viện?

- Gần đây, chúng tôi tiếp nhận trường hợp người bệnh nữ (46 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ, men gan tăng và có nguy cơ tử vong… do sử dụng phương pháp truyền chất làm trắng da bằng tế bào noãn thực vật, nhưng không rõ thành phần tại một spa ở Hà Nôi.

Qua khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh có cơ địa dị ứng với mạt bụi nhà và một số loại thức ăn như tôm, cua, cá, khoai tây, lòng trắng trứng… Nhưng lại lựa chọn cách làm đẹp với chất làm trắng không rõ nguồn gốc, thành phần. Hậu quả, bệnh nhân phải đối mặt với nguy cơ tử vong do sốc phản vệ.

Theo người nhà, người bệnh đã được tư vấn sử dụng dịch vụ truyền trắng da bằng tế bào noãn thực vật với liệu trình 10 buổi và tổng số tiền phải chi trả gần 50.000.000 đồng. Người bệnh đã sử dụng dịch vụ được 6 buổi, nhưng chưa xuất hiện triệu chứng khác lạ nào.

Đến buổi thứ 7, khi đang truyền chất làm trắng này được 30 phút, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như khó thở đột ngột, co giật toàn thân, mê man.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ (30 tuổi, ở Quảng Ninh). Sau tiêm filler tạo hình cằm và mũi khoảng 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện mưng mủ, sưng nề, chảy mủ ở vị trí tiêm. Khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe sau tiêm filler.

Bệnh nhân được hội chẩn, tiến hành chích rạch và điều trị kháng sinh. Sau khoảng 1 tuần, tình trạng của người bệnh tương đối ổn định. Đây là hai trường hợp tương đối điển hình về biến chứng do làm đẹp.

- Bác sĩ chia sẻ thêm về một số phương pháp, thủ thuật làm đẹp có nguy cơ dễ gây biến chứng cho bệnh nhân nếu không được thực hiện bởi chuyên gia có tay nghề?

- Không phải mới đây, mà từ rất nhiều năm trước đã có không ít trường hợp gặp biến chứng do thẩm mỹ. Các thủ thuật về làm đẹp, kể cả xâm lấn hay không, đều có nguy cơ gây biến chứng. Những thủ thuật xâm lấn thường có nguy cơ cao hơn gây biến chứng.

Ví dụ, thủ thuật peel da, tiêm truyền chất làm đẹp không rõ thành phần để làm trắng da, trẻ hóa cũng có thể gây biến chứng. Đặc biệt, trường hợp phải phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm filler, botox, nâng ngực, tạo hình khuôn mặt, có trải qua tiếp xúc với thuốc gây mê, gây tê, thì biến cố sau đó có thể nặng nề hơn.

Những biến chứng đáng lo ngại nhất trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ nói chung là tình trạng dị ứng, nặng nhất là sốc phản vệ, nguy cơ tử vong rất cao. Những trường hợp đó nếu không được xử lý và cấp cứu kịp thời, đặc biệt tại cơ sở thẩm mỹ không đủ phương tiện cấp cứu, thì có thể tử vong.

Thực tế, đã có một số trường hợp tử vong tại cơ sở thẩm mỹ. Nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân đa số là sốc phản vệ hoặc ngộ độc thuốc tê. Đó là tình trạng lo ngại hàng đầu.

Một số biến cố khác, với thủ thuật xâm lấn tiêm filler, botox, bệnh nhân có thể gặp biến chứng liên quan đến loét, hoại tử, thậm chí một số trường hợp mù lòa. Một số trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ không đảm bảo, có thể biến dạng, dị dạng, nhiễm trùng nặng, dẫn đến sốc hoặc tử vong. Đó cũng là những trường hợp thường gặp.

Hiện nay, tình trạng người dân truyền tai nhau, nghe quảng cáo phóng đại, cơ sở thẩm mỹ đa phần không được cấp phép, đưa ra dịch vụ tiêm phong thủy, tạo hình khuôn mặt vành tai.

Nhiều người dân lựa chọn hình thức thẩm mỹ với mong muốn cải thiện phong thủy. Tuy nhiên, đa phần họ đến với các cơ sở, phương pháp làm đẹp nhanh, rẻ. Những người này có nguy cơ biến cố về thẩm mỹ cao hơn rất nhiều so với trường hợp có nhu cầu làm đẹp chân chính. Bởi, khi đến với cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp được cấp phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thực hiện, thì sẽ ít nguy cơ biến chứng hơn.

Việc tiến hành bất kỳ thủ thuật, phẫu thuật nào, cũng sẽ có nguy cơ về biến cố nhất định. Tuy nhiên, tại các bệnh viện có phương tiện kỹ thuật cấp cứu tốt, bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt, thì có thể dự phòng và xử lý cấp cứu những trường hợp đó.

Khi có biến cố xảy ra tại bệnh viện, nguy cơ với người bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc thực hiện làm đẹp tại các cơ sở không được cấp phép.

danh cuoc tinh mang voi tham my chui.jpeg
ThS.BSNT Nguyễn Thị Thu Lan - Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E.

Nên làm đẹp một cách thông minh

- Để hạn chế những rủi ro khi làm đẹp, người dân cần làm gì, thưa bác sĩ?

- Tôi tư vấn cho rất nhiều bệnh nhân đến khám rằng, phải làm đẹp một cách thông minh. Phải lựa chọn cơ sở thẩm mỹ có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đảm bảo, cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Phải lựa chọn những bác sĩ có trình độ chuyên môn, bằng cấp, có tay nghề để đảm bảo quá trình làm đẹp tiến hành suôn sẻ, thuận lợi và hạn chế tối đa biến chứng có thể xảy ra.

Trong quá trình làm đẹp, không nên quá tin vào những quảng cáo “có cánh” của các cơ sở thẩm mỹ, mà không xác định được là họ được cấp phép không. Đa phần những cơ sở thẩm mỹ đó đều là vì lợi nhuận, đăng quảng cáo quá lên, hoặc sai sự thật để người “nhẹ dạ cả tin” bị thuyết phục, sau đó truyền tai truyền miệng nhau. Điều đó rất nguy hiểm.

Thường thì những dịch vụ, kỹ thuật, khi được thông báo mức giá quá rẻ so với các bệnh viện công lập, người dân nên đặt dấu hỏi chấm. Chi phí quá rẻ đồng nghĩa với dịch vụ đưa ra có thể không đảm bảo, hoặc sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Khi sử dụng, nguy cơ dị ứng hoặc xảy ra biến cố rất cao. Vì vậy, chị em nên có lựa chọn thông minh để đảm bảo an toàn cho chính mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ