Đánh cược tính mạng với thẩm mỹ 'chui': Bất chấp sức khỏe, tính mạng

GD&TĐ - Dù các ca tai biến, tử vong thương tâm do thẩm mỹ 'chui' liên tục xảy ra, nhưng dường như điều đó chưa đủ để cảnh báo người dân có nhu cầu làm đẹp.

Bệnh nhân gặp biến chứng sau tiêm filler. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân gặp biến chứng sau tiêm filler. Ảnh: BVCC

Dù các ca tai biến, tử vong thương tâm do thẩm mỹ “chui” liên tục xảy ra, nhưng dường như điều đó là chưa đủ để cảnh báo người dân có nhu cầu làm đẹp. Họ bất chấp sức khỏe, đánh cược cả tính mạng bản thân để làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ không bảo đảm.

Khi tính mạng nhẹ hơn nhan sắc

Ngày 11/7, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) thông tin về trường hợp nữ bệnh nhân tiêm filler, bị tai biến dẫn đến mù mắt. PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mắt phải phù nề căng tím đỏ, thị lực gần như mất hoàn toàn, chỉ còn phân biệt được sáng tối một cách khó khăn, sụp mi rõ, cơ vận nhãn trong liệt hoàn toàn.

Bệnh nhân là chị Đ.T.N. (30 tuổi, quê ở Hà Tĩnh). Chị N. làm việc và sinh sống tại Nhật Bản. Tại đây, chị N. đi tiêm filler làm đẹp tại một cơ sở spa làm đẹp da và móng.

Bệnh nhân kể, khi mới tiêm 0,5cc vào giữa trán chị đã cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn. Ngay khi có triệu chứng này, nhân viên ở spa đã tiêm thuốc giải cho chị N., nhưng tình trạng không cải thiện. Chiều cùng ngày, bệnh nhân đến một bệnh viện để kiểm tra, được bác sĩ khám, không can thiệp gì và dặn về nhà theo dõi thêm tình hình sẽ ổn hơn sau 1 tháng.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, chị N. thấy mắt đỏ lên nhiều, tiếp tục đến bệnh viện để cấp cứu. Khi ấy, mắt đã phù nề áp lực cao và không còn nhìn thấy rõ. Ngoài không nhìn thấy, chị N. còn bị đau tức vùng mắt, kết giác mạc phù nề, ngấm máu khắp nơi. Mắt chị N. lúc đó gần như mù toàn bộ và dường như chỉ muốn rơi ra ngoài. Lo sợ tai biến nghiêm trọng, chị N. về Việt Nam điều trị.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân được tiêm ngay các loại thuốc giảm áp lực ổ mắt, thuốc giãn mạch và tăng cường tuần hoàn tổ chức, thở oxy liều cao, 2 loại kháng sinh toàn thân phối hợp.

Các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho thấy, võng mạc bệnh nhân phù nề gấp 2 - 3 lần bình thường, khối cơ vận nhãn trong và tổ chức mỡ cạnh nhãn cầu có dấu hiệu thiếu máu, phù nề nguy cơ hoại tử toàn bộ. Lưu lượng máu động mạch đến ổ mắt bên phải giảm rất nhiều so với bên lành. Các bác sĩ quyết định triển khai kỹ thuật chụp mạch và thông mạch máu bằng thuốc giải vào trực tiếp động mạch mắt.

Trước đó, sáng 29/6, nữ bệnh nhân V.T.H. (SN 1977, ở Khánh Hòa) đến khám tại Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam Sài Gòn với ý muốn được giảm mỡ và da thừa vùng bụng. Lúc 12 giờ cùng ngày, bệnh nhân được bác sĩ gây mê nội khí quản và thực hiện phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn phần kết hợp hút mỡ bụng. Sau hơn 4 giờ thực hiện phẫu thuật, đến 17 giờ ngày 29/6, bệnh nhân được rút nội khí quản, chuyển sang Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ để điều trị tiếp.

Hơn 1 ngày sau mổ, bệnh nhân mệt, khó thở, diễn tiến nặng dần. Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Sau khi được can thiệp cấp cứu tại đây, bệnh nhân đã tạm ổn định trở lại.

Không “tùy tiện” làm đẹp

Theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm, nước ta có khoảng 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, khoảng 30.000 ca biến chứng, chiếm tỉ lệ hơn 10%. Tại Hà Nội, có khoảng 90 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế thành phố cấp phép. Trong đó, một số bệnh viện ngoài công lập được Bộ Y tế cấp phép có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn đang hoạt động “chui”.

Một trường hợp khác gặp biến chứng do làm đẹp là bệnh nhân nữ (37 tuổi). Bệnh nhân bị biến chứng sau khi tiêm filler vùng mũi má tại một cơ sở “người quen”. Một giờ sau khi tiêm, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau vùng tiêm kèm dấu hiệu thiểu dưỡng xung quanh vùng cánh mũi, sống mũi, lan ra quanh miệng bên trái và một phần vùng trán. Sau đó, bệnh nhân tự tiêm thuốc tan tại spa. Song, tình trạng này không được cải thiện mà còn xuất hiện thêm mụn nước xung quanh vị trí tiêm.

Theo ThS.BS Tạ Thị Hà Phương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân đã đến khám sau khi các biểu hiện nặng lên, được chẩn đoán biến chứng tắc mạch sau tiêm filler do kỹ thuật tiêm không đúng kỹ thuật bởi người không có chuyên môn.

Đây là biến chứng hay gặp gần đây với những người tiêm filler ở cơ sở không uy tín. Các bác sĩ tại khoa đã điều trị kháng sinh, chăm sóc tại chỗ cùng hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.

Thực tế cho thấy, trước nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng tăng ở cả phái nữ và nam, các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện “mọc lên như nấm”. Sự phát triển của nhiều loại hình quảng cáo khiến nhiều người “hoa mắt” và cuối cùng mất tiền oan.

Những cơ sở thẩm mỹ không đạt chuẩn hoặc thậm chí không được cấp phép thường quảng cáo với hình ảnh, video sống động, những lời có cánh như “rót mật” vào tai.

Kèm theo đó là nhiều lời cam kết ảo, phản hồi ảo, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đưa ra những “nhân chứng sống” là những người nổi tiếng đã làm đẹp tại đây, đánh vào tâm lý người làm đẹp, thôi thúc họ đóng tiền cọc để giữ chỗ, giữ suất ưu đãi. Trước “ma trận” làm đẹp này, nhiều người đã trót tin tưởng lựa chọn.

Tại Hội nghị da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 7 do Bệnh viện Da liễu Trung ương, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa tổ chức ngày 31/5 - 1/6, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, nhu cầu làm đẹp của mọi người là chính đáng. Tuy nhiên, để làm đẹp an toàn, cần đến bệnh viện, cơ sở làm đẹp được cấp phép thực hiện, có bác sĩ chuyên khoa thực hiện.

Các chuyên gia cho biết, việc tiêm bất cứ chất gì lên mặt, cơ thể, hay thực hiện thủ thuật làm đẹp nào có xâm lấn đều phải do bác sĩ chuyên khoa, được cấp phép thực hiện. Người dân không nên tùy tiện làm đẹp ở cơ sở không được cấp phép để phòng những tai biến đáng tiếc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ