Đằng sau chuyến thăm Mỹ bị Bộ trưởng Gallant hủy đột ngột

GD&TĐ - Việc Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đột ngột hủy chuyến thăm Mỹ có thể liên quan đến mối quan hệ của ông với Thủ tướng Netanyahu.

Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.
Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.

Hãng thông tấn RIA dẫn nhận định của Tiến sĩ Simon Tsipis, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Tel Aviv cho biết, ông Netanyahu lo sợ Bộ trưởng Gallant có thể đang nhắm vào mình và sẽ ngay lập tức bắt đầu âm mưu đối phó với ông Gallant khi đến Mỹ.

"ông Netanyahu là người mắc hội chứng vua chúa, mặc cảm thần thánh. Ông ấy liên tục lo sợ rằng ai đó có thể lật đổ hoặc thay thế ông ấy.

Sự lo lắng thái quá của ông ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn theo từng ngày trôi qua. Ông ấy nhìn thấy những kẻ phản bội ở khắp mọi nơi, ông ta nhìn thấy kẻ thù bên trong vòng tròn thân cận của mình", Tsipis nói.

Học giả Tsipis lập luận rằng khi thấy cuộc tấn công tiềm tàng của Israel vào Iran chính là vấn đề mà Gallant và người đồng cấp Mỹ Austin được cho là sẽ thảo luận tại Mỹ, ông Netanyahu về cơ bản đã "bắt toàn bộ Trung Đông, bao gồm cả người dân Israel và Iran làm con tin".

Chuyên gia này nói thêm rằng tình hình càng trở nên phức tạp hơn vì Thủ tướng Netanyahu về cơ bản đang cố gắng đe dọa sẽ bắt đầu một cuộc xung đột lớn ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

"Mối quan hệ giữa Mỹ và Thủ tướng Netanyahu khá căng thẳng. Cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều không thể tổ chức bầu cử bình thường nếu có một cuộc chiến tranh lớn đang diễn ra ở Trung Đông", Tsipis giải thích.

"Đây là đòn bẩy lớn nhất của Thủ tướng Netanyahu và là công cụ chính của Israel với Mỹ lúc này", Tsipis nhấn mạnh.

Học giả Tsipis lưu ý rằng cuộc bầu cử ở Mỹ càng đến gần, thủ tướng Netanyahu càng mất kiểm soát và thực hiện nhiều "hành động vô lý" hơn.

Ông cũng gợi ý rằng cuộc điện đàm sắp tới giữa ông Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ liên quan đến tình hình an ninh ở Trung Đông:

Cụ thể là, Thủ tướng Netanyahu có thể sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Iran, trong khi ông Biden có thể sẽ yêu cầu Netanyahu không phát động một cuộc chiến tranh như vậy ngay từ đầu.

Cuối cùng, học giả Tsipis chỉ ra rằng chúng ta không nhất thiết phải đánh đồng Thủ tướng Benjamin Netanyahu với Israel.

"Ông Netanyahu không đại diện cho toàn bộ Israel", ông nhấn mạnh.

Cùng với đó, tờ Jerusalem Post dẫn lời ông Elijah Magnier (nhà phân tích quân sự và chính trị chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột ở Trung Đông), cho biết vị trí của ông Netanyahu đang gặp rắc rối thực sự.

"Hiện tại, ông Netanyahu thực sự đang gặp rắc rối. Đầu tiên, ông ấy bị tấn công bởi chính liên minh của mình trong chính phủ như bộ trưởng tài chính Smotrich.

Bộ trưởng an ninh Ben-Gvir đã cảnh báo Netanyahu nếu ông ấy dừng cuộc tấn công vào Gaza và muốn những người định cư Israel trở lại Gaza sau khi họ được người tiền nhiệm là Thủ tướng Ariel Sharon yêu cầu rời đi vào năm 2005", Elijah Magnier nói.

Chuyên gia Magnier cho biết thêm: "Mục tiêu này mâu thuẫn với thông báo của Mỹ rằng người Palestine sẽ không đi đâu và sẽ ở lại Gaza, đồng thời không được phép thực hiện bất kỳ hoạt động thanh lọc sắc tộc nào. Điều đó có nghĩa là liên minh và chính phủ của ông Netanyahu sẽ không giữ vững".

Chính quyền Mỹ phần lớn bảo vệ hoạt động quân sự của ông Netanyahu ở Gaza, nơi đã khiến ít nhất 1% dân số của vùng đất này thiệt mạng trong những tháng trước. Cả Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đều có lịch sử lâu dài ủng hộ mạnh mẽ Israel.

Tuy nhiên, theo Magnier, chính sách và quyết tâm ủng hộ Israel trong cuộc chiến tại Gaza của chính phủ Mỹ đã bị chính người dân Mỹ và cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ đã khiến ông Biden buộc phải đưa ra những phản đối kiểu khoa trương.

Nhà phân tích cho biết: "Ông ấy (Netanyahu) cần tiếp tục tham gia cuộc chiến này, trước tiên là tránh sự sụp đổ của liên minh và để cuộc chiến kéo dài càng lâu càng tốt, chờ đợi với hy vọng ông Donald Trump sẽ lên nắm quyền".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ