Bí ẩn "dòng sông chết" khiến người dân Nghệ An khiếp sợ

GD&TĐ - Hàng chục năm nay, sông Nậm Tôn (ở huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) luôn trong tình trạng bị ô nhiễm, nước đỏ ngầu, đặc quánh khiến các loài hải sản như tôm, cá... không thể sinh sống.

Ngược "dòng sông chết"

Nậm Tôn từng là con sông có nguồn lợi thủy sản phong phú, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn người dân 5 xã và thị trấn thuộc địa bàn huyện miền núi Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An).

Tuy nhiên, hàng chục năm trở lại đây, sông Nậm Tôn bị ô nhiễm nặng, dòng nước trong xanh bỗng chuyển sang màu đỏ gạch, đục ngầu, không có bất kỳ loài tôm, cá nào sinh sống. Chính vì thế, người dân thường ví Nậm Tôn là “dòng sông chết”.

Tôm, cá không thể sinh sống trên sông Nậm Tôn. Ảnh: Phạm Tâm
Tôm, cá không thể sinh sống trên sông Nậm Tôn. Ảnh: Phạm Tâm

Ông Nguyễn Viết Xuân (trú tại xóm bản Ca, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) cho biết, sông Nậm Tôn bắt nguồn từ các xã Châu Tiến, Châu Hồng chảy về. Trước đây, nước sông rất sạch, người dân địa phương thường sử dụng để uống, đun nấu, sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp.

Tuy nhiên, từ những năm 80 của thế kỷ trước, Nậm Tôn bắt đầu bị ô nhiễm. Đây cũng chính là thời điểm nhiều mỏ khai thác quặng ở Quỳ Hợp đi vào hoạt động. Dòng nước Nậm Tôn trong xanh bỗng nhiên bị ô nhiễm, đục ngầu, các loài tôm, cá cũng dần dần biến mất từ đó. 

Để có nguồn nước sinh hoạt, hầu như gia đình nào cũng phải thuê người đào giếng sâu vài chục mét, rất tốn kém. Bản thân gia đình ông Xuân cũng phải bỏ ra hơn 8 triệu đồng đào giếng sâu 20m để lấy nước. Người đàn ông này cho rằng, việc sông Nậm Tôn ô nhiễm là do hoạt động khai thác khoáng sản (quặng) ở vùng thượng nguồn.

Hang động tại bản Giuộc, xã Liên Hợp là nơi dòng sông Nậm Tôn phát lộ. Ảnh: Phạm Tâm
Hang động tại bản Giuộc, xã Liên Hợp là nơi dòng sông Nậm Tôn phát lộ. Ảnh: Phạm Tâm
Sông Nậm Tôn chảy ngầm qua nhiều dãy núi, hang karst ở xã Châu Hồng, Châu Tiến trước khi đến xã Liên Hợp. Ảnh: Phạm Tâm
Sông Nậm Tôn chảy ngầm qua nhiều dãy núi, hang karst ở xã Châu Hồng, Châu Tiến trước khi đến xã Liên Hợp. Ảnh: Phạm Tâm 
Một lớp bùn đỏ đặc quánh, sâu cả mét ở cửa động. Ảnh: Phạm Tâm
Một lớp bùn đỏ đặc quánh, sâu cả mét ở cửa động. Ảnh: Phạm Tâm

Theo tìm hiểu của PV, sông Nậm Tôn không lộ thiên hoàn toàn mà nhiều đoạn chảy ngầm qua các hang karst, luồn sâu dưới các dãy núi. Đi ngược về phía thượng nguồn, nước sông Nậm Tôn càng đục hơn, lượng bùn đỏ lắng đọng cũng dày đặc hơn.

Tại bản bản Giuộc (xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp), nước sông Nậm Tôn chảy ra từ một hang động lớn có chiều rộng hơn 10m. Tại khu vực cửa động, nước chảy ra có màu đỏ, bùn đặc quánh. Ra xa khỏi cửa động vài chục mét bùn đỏ tích tụ thành từng lớp, có khu vực bùn sâu hơn 1m.

Nước sông bị ô nhiễm khiến người dân không thể lấy để sinh hoạt và tưới tiêu. Ảnh: Phạm Tâm
Nước sông bị ô nhiễm khiến người dân không thể lấy để sinh hoạt và tưới tiêu. Ảnh: Phạm Tâm
Một phụ lưu có dòng nước trong xanh giao nhau với sông Nậm Tôn tại bản Giuộc, xã Liên Hợp. Ảnh: Phạm Tâm
Một phụ lưu có dòng nước trong xanh giao nhau với sông Nậm Tôn tại bản Giuộc, xã Liên Hợp. Ảnh: Phạm Tâm

Ông Lô Viết Quý (trú tại bản Giuộc, xã Liên Hợp) cho biết, nguồn nước từ sông Nậm Tôn bị ô nhiễm hàng chục năm nay, người dân trong xã không thể dùng để sản xuất hay sinh hoạt. Thậm chí trâu bò thả rông nếu vô tình uống nước sông cũng dần còi cọc rồi chết. Năm 2021, trong bản đã có 3 con bò bị chết, mổ thịt ra thấy gan, lách nổi u cục, ruột nhiều cát nên người dân phải vứt bỏ.

Điều đáng nói, mặc dù tình trạng ô nhiễm trên sông Nâm Tôn đã xảy ra từ lâu nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, người dân địa phương cũng không được cung cấp các chỉ số ô nhiễm của nguồn nước.

Nghi vấn do khai thác quặng?

Theo tìm hiểu, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) có một điểm quan trắc nguồn nước tự động tại cầu Nậm Tôn (thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp). Hằng năm, đơn vị này sẽ thực hiện quan trắc nước mặt 6 lần, riêng trầm tích quan trắc 2 lần/năm (từ năm 2021).

Theo số liệu, trong 5 năm trở lại đây, mẫu nước lấy từ sông Nậm Tôn có chỉ số TSS (hàm lượng chất rắn lơ lửng) luôn vượt Quy chuẩn Việt Nam và có xu hướng ngày càng tăng.

Cụ thể năm 2017 chỉ số TSS vượt quy chuẩn từ 2,4-3,3 lần; năm 2018 vượt từ 1,63-4,73 lần; năm 2019 vượt từ 1,43-10,86 lần; đặc biệt năm 2020, chỉ số TSS xuất hiện trong đợt quan trắc lần 3 đạt 808mg/l, vượt tới 26,93 lần.

Ngoài ra, trong mẫu trầm tích lấy lần đầu tiên trong năm 2021, hàm lượng Asen (hay còn gọi là thạch tín, một chất hóa học cực độc gây nguy hiểm cho con người) là hơn 157mg/kg trong khi theo Quy chuẩn Việt Nam là 17mg/kg (vượt 9,28 lần), chỉ số thủy ngân Hg vượt 1,01 lần.

Sông Nậm Tôn từng là nơi có nguồn lợi thủy sản phong phú. Ảnh: Phạm Tâm
Sông Nậm Tôn từng là nơi có nguồn lợi thủy sản phong phú. Ảnh: Phạm Tâm
Dòng sông đỏ ngầu quanh năm. Ảnh Phạm Tâm
Dòng sông đỏ ngầu quanh năm. Ảnh Phạm Tâm
Đất bùn chứa nhiều chất động hại khiến tôm, cá không sống nổi. Ảnh: Phạm Tâm
Đất bùn chứa nhiều chất động hại khiến tôm, cá không sống nổi. Ảnh: Phạm Tâm

Liên quan đến việc sông Nậm Tôn bị ô nhiễm, ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, UBND huyện đã yêu cầu chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước này.

Theo ông Hào, để làm rõ nguyên nhân ô nhiễm trên sông Nậm Tôn, UBND huyện đã nhiều lần xuống làm việc tại các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành, Liên Hợp. Tuy nhiên, qua kiểm tra các đơn vị khai thác quặng thiếc theo hình thức lộ thiên không phát hiện tình trạng xả nước thải đục ra sông.

Đối với các đơn vị khai thác quặng thiếc theo hình thức hầm lò, báo cáo đánh giá tác động môi trường có nhiều nội dung phức tạp, UBND huyện không có đủ phương tiện kỹ thuật và chuyên môn để kiểm tra các tổ chức khai thác quặng thiếc hầm lò.

Mặt khác, các vị trí khai thác thiếc hầm lò có các hang karst chảy xuyên qua nhiều dãy núi đá sau đó mới chảy ra sông Nậm Tôn nên rất khó khăn trong việc xác định nguồn thải gây ô nhiễm.

Ông Trần Đức Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, mặc dù địa phương từng thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra, nhưng do hạn chế về con người và phương tiện kỹ thuật nên chưa xác định được nguyên nhân ô nhiễm trên sông Nậm Tôn.

Theo ông Lợi, hiện nay trên địa bàn 2 xã Châu Tiến và Châu Hồng có một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng. Việc ô nhiễm trên sông Nậm Tôn không loại trừ khả năng có doanh nghiệp xả thải trong quá trình khai thác quặng.

Vừa qua, huyện Quỳ Hợp đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT thành lập Đoàn công tác xuống kiểm tra việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ khai thác quặng, đặc biệt là khai thác hầm lò; đồng thời, điều tra nguyên nhân và đánh giá mức độ ô nhiễm của nước sông Nậm Tôn, qua đó có phương án xử lý, trả lại môi trường trong sạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...