Cảnh sát Bỉ tuần tra ở Grand Place, trung tâm lịch sử của thủ đô Brussels. Ảnh: Guardian |
Ngày thứ ba liên tiếp, thủ đô Brussels áp dụng mức độ báo động an ninh cấp độ 4, mức cao chưa từng có ở thủ đô của Bỉ. Annelise Augustyns, một người dân ở Brussels, đã ở tại căn hộ trong 3 ngày theo lệnh giới nghiêm. Văn phòng ở trung tâm thành phố nơi người đàn ông 35 tuổi này làm việc vẫn đóng cửa. “Bạn phải sống như thế nào với những gì đang xảy ra, sự căng thẳng này sẽ kéo dài bao lâu nữa”, ông nói với Guardian.
Đêm 23/11, chính phủ Bỉ hứa sẽ nới lỏng lệnh giới nghiêm trong chiến dịch truy lùng nghi can khủng bố chưa từng có ở Brussels. Những kẻ khủng bố sống ở Bỉ đã gây ra cuộc tắm máu ở Paris và dường như chúng đang chuẩn bị một sự kiện tương tự ở Brussels.
Thủ tướng Charles Michel nhấn mạnh, mối đe dọa vẫn còn rất nghiêm trọng và có thể xảy ra. Xe bọc thép và cảnh sát vũ trang vẫn triển khai ở những khu vực quan trọng. Hầu hết các cửa hàng, quán cafe, ngân hàng, văn phòng chính phủ vẫn đóng cửa. Đặc biệt, các bảo tàng, rạp chiếu bóng và một số hình thức sinh hoạt công cộng khác ngưng hoàn toàn.
Khoảng 300.000 trẻ em, học sinh, sinh viên phải nghỉ học do các nhà trẻ, trường học, đại học đã bị đóng cửa theo lệnh của chính phủ. Hệ thống tàu điện ngầm vẫn dừng hoạt động. Giao thông công cộng tiếp tục nhưng theo lịch trình hạn chế.
Hans Kengen, một người sống ở ngoại ô Woluwe, cảm thấy lo lắng vì vợ của ông phải đi làm vào sáng thứ hai tại Ủy ban châu Âu – cơ quan này vẫn mở cửa với chế độ an ninh tăng cường. Ông chỉ cảm thấy nhẹ nhõm khi vợ gọi điện cho ông đã đến văn phòng an toàn.
“Tôi từng sống ở Ấn Độ và Nam Phi nên khá quen với thủ tục an ninh nghiêm ngặt, nhưng tôi không bao giờ mong đợi bạo lực lại xảy ra ở châu Âu”, ông Kengen nói.
Giống như nhiều người dân Bỉ, ông Kengen đã thảo luận về các mối đe dọa và nguyên nhân của nó với các con của ông ở độ tuổi từ 12 đến 15.
“Tôi đã cố gắng để trấn an những đứa trẻ”, ông nói. Các kênh truyền hình phát sóng liên tục những chương trình cảnh báo nguy cơ khủng bố, hướng dẫn làm thế nào để thoát ra khỏi một cuộc tấn công nếu có.
Xe bọc thép và cảnh sát vũ trang tuần tra khu trung tâm Brussels. Ảnh: Reuters |
Hầu hết người dân Brussels còn lo lắng về nguy cơ khủng bố, nhưng một số khác bắt đầu hoài nghi sự cần thiết của các biện pháp an ninh nghiêm ngặt.
“Nó có vẻ quá quyết liệt, chúng tôi có thể tự đảm bảo an toàn. Vì vậy tôi sẽ đưa các con đi chơi đánh đu, uống cafe với một vài người bạn và trở về nhà”, ông Augustyns nói.
Tình hình an ninh nghiêm ngặt khiến cuộc sống người dân ở thủ đô Brussels gần như đảo lộn. Một số gia đình gặp khó khăn với việc chăm sóc những đứa trẻ do chúng không đến trường như thường lệ.
Siêu thị, trung tâm thương mại bị đóng cửa khiến việc mua nhu yếu phẩm gặp khó khăn. Hệ thống tàu điện ngầm bị đình trệ khiến việc đi lại không thuận lợi như trước.
Charlotte McDonald-Gibson, phóng viên tờ Times, cho biết đến ngày 23/11, một số tuyến xe điện và 15 tuyến xe buýt tạm ngưng hoạt động. Tài xế xe buýt nói với cô rằng, một số lái xe từ chối làm việc vì lo lắng cho sự an toàn của bản thân.
Nữ phóng viên phải mất hơn một giờ đồng hồ để hoàn thành chuyến đi mà thường ngày chỉ mất 30 phút. Một người đàn ông nói với Times rằng, ông không thể đến nơi làm việc vì xe buýt không hoạt động.
Beátrice Delvaux, phóng viên nhật báo Le Soir, Bỉ, nói: “Lệnh giới nghiêm ở Brussels gần như làm tê liệt thành phố trong bầu không khí của sự lo lắng”.
Giới kinh doanh ở Brussels than phiền tình hình an ninh thắt chặt khiến hoạt động kinh doanh của họ gặp nhiều khó khăn. Họ tỏ ra lo sợ vì không biết lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài trong bao lâu.
Trong khi đó, thủ tướng Michel hy vọng các trường học sẽ mở cửa trở lại, hệ thống tàu điện ngầm có thể hoạt động vào ngày 25/11 tùy thuộc vào đánh giá an ninh mới.