Đắm say vẻ đẹp Tây Nguyên qua Rừng xà nu

GD&TĐ - Tây Nguyên đẹp với những cao nguyên lộng gió, thác Yali huyền thoại, âm thanh cồng chiêng vang vọng núi rừng.

Rừng xà nu Tây Nguyên. Ảnh minh họa
Rừng xà nu Tây Nguyên. Ảnh minh họa

Tây Nguyên bất khuất, anh hùng giữa những năm tháng thương đau hiển hiện trong thiên sử thi thời chống Mĩ “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Say mê trang viết về “những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”, người ta càng yêu mến, tự hào, gắn bó với đất và người nơi đây.

Đại ngàn hùng vĩ

Truyện ngắn “Rừng xà nu” được viết vào mùa hè năm 1965, giữa những ngày tháng cam go của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Khúc sử thi về cuộc đời bi tráng của người anh hùng Tnú, lịch sử đánh giặc của dân làng Xô Man được kể lại qua giọng điệu “ồ ồ, dội vang lồng ngực” của già làng Mết trong đêm Tnú được về thăm làng gợi nhớ cách kể sử thi ngày nào.

Trong nhà Ưng, bên bếp lửa hồng, người người tề tựu, nghệ nhân râu dài, tóc bạc say sưa kể lại những sự tích anh hùng Đam Săn, Xinh Nhã, Ba chàng dũng sĩ... Màu sắc Tây Nguyên đậm đặc ngay trong cách kể chuyện trang trọng và vô cùng hấp dẫn này. Sức hấp dẫn của thiên truyện, trước hết là vẻ đẹp hình tượng cây xà nu vươn mình trong bom đạn với sức sống bất diệt.

Tây Nguyên hùng vĩ bởi đại ngàn xanh bất tận. Tây Nguyên chứa đựng nhiều vẻ đẹp và huyền bí. Nhưng có lẽ, Tây Nguyên phải thầm mang ơn Nguyên Ngọc bởi nhờ có ngòi bút tài hoa của ông mà cây xà nu vươn xa khỏi một vùng đất, mang lại cảm xúc dạt dào cho bao trái tim bạn đọc khắp chốn muôn nơi. Bao bọc cả thiên sử thi anh hùng của Tây Nguyên thời đánh Mĩ là những cánh rừng xà nu bạt ngàn, tít tắp.

Ấn tượng đậm sâu nhất về loài cây này là tiềm ẩn một sức sống bất diệt, không bom đạn đại bác nào tàn phá nổi. “Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Câu văn miêu tả tuyệt hay bằng một nguồn cảm hứng dạt dào.

Có lẽ nhà văn đã “phải lòng” cây xà nu lắm lắm mới viết được lời văn hào hứng đến vậy. Một trường động từ được nhà văn kết hợp để miêu tả: Ngã gục, sinh sôi, mọc lên, lao thẳng. Phép tiểu đối: Một cây ngã gục, bốn năm cây con mọc lên được sử dụng tài tình. Thì ra, mầm sống vẫn nhiều hơn muôn ngàn sự chết. Quả là một loài cây có sức sống bất diệt, vượt lên cả những thương đau. Đạn đại bác làm sao mà giết nổi. Cây xà nu cứ dẻo dai, bền bỉ như những người dân nơi đây bất khuất, kiên trung.

Không chỉ có vậy, cây xà nu còn rất ham ánh sáng Mặt trời như người Tây Nguyên say mê lí tưởng, một lòng một dạ đi theo Đảng. Thật thú vị khi say sưa trong những câu văn Nguyễn Trung Thành viết về cây xà nu của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.

Sẽ cảm thấy thiêu thiếu khi chưa kịp nói đến mấy câu văn mở đầu truyện: “Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng hàng vạn cây, không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”.

Trước đó, Nguyễn Đình Thi trong cảm hứng về Đất nước đã viết những câu thơ đau nhói về làng quê dưới họng súng kẻ thù: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu. Dây thép gai đâm nát trời chiều”. Nguyễn Trung Thành tiếp nối cảm xúc ấy khi tái hiện hình ảnh làng Xô Man đau thương trong tầm đại bác của đồn giặc. Sự bình yên đặt trong chết chóc.

Sự sống cận kề bên cái chết. Cây xà nu cũng vậy, phải hứng chịu bao nỗi đau bởi đại bác quân thù. Cách đếm số, lối viết phủ định để khẳng định giúp nhà văn khắc họa đậm nét nỗi đau thương. Cả vạn cây bị thương, có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình. Dường như, nhà văn viết về cây xà nu như viết về nỗi đau của người dân làng Xô Man.

Cảm hứng bi tráng bao trùm tất cả. Nhưng thật kì lạ, càng hứng chịu đạn bom, cây xà nu càng bền bỉ, và hơn thế “ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng”. Nghệ thuật nhân hóa đặc sắc đã biến cây xà nu của núi rừng như một chàng khổng lồ chở che buôn làng trong bão đạn, mưa bom.

Cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống dân làng Xô Man. Đồng hành cùng Nguyên Ngọc, người ta như được hòa mình vào đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ với những cánh rừng xà nu nối tiếp cuối chân trời, người ta thêm đắm say vùng cao nguyên lộng gió với những cây xà nu vươn mình trong bon đạn tàn khốc thương đau.

Tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.
Tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.

Bất khuất anh hùng

Bức tranh về Tây Nguyên được nhà văn phác họa trên cái nền của màu xanh cây lá, của “những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Nhưng tâm điểm của bức họa ấy phải kể đến người dân Tây Nguyên anh hùng, vượt đau thương cầm súng chiến đấu.

Đọc “Rừng xà nu”, dễ nhận biết một điều, lối kết cấu truyện lồng trong truyện. Chuyện Tnú về thăm làng sau ba năm xa cách nhớ thương, chuyện cụ Mết kể cho dân làng nghe về cuộc đời Tnú và con đường đấu tranh của dân làng Xô Man từ bóng tối đau thương đến ánh sáng chiến thắng. Lừng lững hiện lên trong lời kể đó là hình ảnh người dân Tây Nguyên yêu nước, yêu làng, thế hệ tiếp nối thế hệ cùng làm nên chiến thắng.

Trong truyện, nhân vật ông cụ Mết giữ vai trò là người truyền lửa, một già làng yêu nước, thương yêu gắn bó với buôn làng. Ta nhớ như in lời cụ căn dặn: “Nhớ lấy, ghi lấy, sau này tau chết rồi hãy kể cho con cháu nghe, chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Lời dặn trang trọng, thiêng liêng kia là chân lí cách mạng của cả một thời đại. Không thể bảo vệ, giải phóng quê hương nếu không cầm vũ khí chiến đấu. Phải dùng bạo lực để chống lại bạo lực phản cách mạng.

Lời của cụ Mết cũng chính là thông điệp nhà văn truyền đi qua tác phẩm. Thế hệ cha ông vẫn còn đó, cụ Mết là điểm tựa tinh thần cho thế hệ cháu con cầm súng đánh giặc. Mai hi sinh, Dít thay thế làm bí thư chi bộ, anh quyết hi sinh, Tnú thay anh làm cách mạng lãnh đạo dân làng. Và còn đó thằng bé Heng ngày một chững chạc hơn của thế hệ tương lai. Ấn tượng đậm sâu nhất về những người dân Tây Nguyên trong thiên truyện chính là sự bất khuất, kiên cường như những cây xà nu cứng cỏi trong tầm đại bác.

Rừng xà nu hàng vạn cây, có lẽ Tnú là một cây xà nu sức vóc nhất, dẻo dai nhất mà cũng đau thương nhất. Mồ côi cha mẹ, được dân làng nuôi lớn, làm liên lạc bị giặc bắt, tra tấn tù đày, cuộc đời Tnú là những bất hạnh khổ đau. Tột cùng đau khổ ấy là cảnh Tnú không thể bảo vệ được vợ con trước làn roi sắt của bọn thằng Dục.

Một bi kịch thấm đẫm nước mắt, người anh hùng mà chẳng thể giữ được hạnh phúc của bản thân. Xót xa hơn, hạnh phúc ấy mới chớm nở đã vụt tắt như ngọn đèn trước gió. Vì sao vậy? Bởi khi đó Tnú chỉ có hai bàn tay không. Thế đấy, khi chỉ có hai bàn tay không, khi chưa cầm vũ khí, Tnú gạn dạ, dũng cảm cũng thất bại, bản thân anh còn bị giặc bắt đốt mười đầu ngón tay đau nhói. Số phận bi thương của Tnú tiêu biểu cho số phận đau thương của người dân Tây Nguyên thời đánh Mĩ.

Sáng lên trong vẻ đẹp của Tnú là phẩm chất của người anh hùng. Cảm hứng sử thi giúp nhà văn khắc họa thành công cốt cách anh hùng của Tnú. Ngay từ nhỏ, cậu bé mồ côi đã tỏ ra là một người có tính cách gan góc, mạnh mẽ, táo bạo, đầy cá tính. Học chữ kém hơn Mai, sẵn sàng đập bể cái bảng, dùng đá đập vào đầu mình chảy máu để tự trừng phạt.

Đi làm liên lạc, xé rừng mà đi, đè chỗ nước sâu mà lội. Dường như thấp thoáng ở Tnú là một chút hoang dại của núi rừng Tây Nguyên dữ dội. Tôn cao phẩm chất anh hùng của Tnú là một ý chí sắt đá, một tấm lòng kiên trung với cách mạng. Bị giặc bắt, tra tấn, đánh đập dã man, Tnú nuốt vội lá thư vào bụng cùng lời thề sắc son khi đặt tay lên bụng mình:

Cộng sản ở đây. Tiếp bước cha anh, Tnú lãnh đạo dân làng chuẩn bị vũ khí đánh giặc. Trong đêm cả làng đồng khởi, sự dũng cảm của Tnú được bộc lộ đậm nét. Không thể cứu được vợ con, bản thân bị giặc bắt trói, mười ngón tay bị đốt bởi giẻ tẩm nhựa xà nu. Nhưng kì lạ, Tnú không một lời kêu la. “Trời ơi! Cháy, cháy cả ruột gan đây rồi! Anh Quyết ơi! Cháy! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!”. Dứt khoát và kiên quyết, đó là cốt cách anh hùng.

Tiếng thét “giết” vang dội khắp núi rừng, tất cả dân làng vùng lên cầm vũ khí. Thế là “Đồng khởi”, thế là lũ giặc tàn bạo bị tiêu diệt. Chiến thắng ấy mở đường cho Tnú đi kháng chiến, dùng đôi bàn tay tật nguyền cầm súng đánh giặc. Có thể nói, phẩm chất của người anh hùng đã tiếp thêm sức mạnh để Tnú vượt lên thương đau, trở thành người con quả cảm, ưu tú của buôn làng. Nhà văn rất tài năng khi xuyên suốt cả câu chuyện về cuộc đời bi thương, anh hùng của Tnú là hình ảnh đôi bàn tay với nhiều lớp nghĩa. Đôi bàn tay trung thành, trung thực; đôi bàn tay nghĩa tình; đôi bàn tay dũng cảm, kìm nén đau thương cầm súng đánh giặc...

Nét đằm sâu trong phẩm chất Tnú là một trái tim nồng ấm yêu thương. Hãy lắng sâu trong cảm xúc bồi hồi của anh khi sắp về đến làng sau ba năn xa cách, nhớ mong: “Anh lẳng lặng đi cho đến khi nhận ra tiếng chày dồn dập của làng anh. Bây giờ, anh mới chợt hiểu ra rằng hình như cái mà anh nhớ nhất ở làng, nỗi nhớ day dứt lòng anh suốt ba năm nay chính là tiếng chày đó, tiếng chày chuyên cần rộn rã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của mẹ anh ngày xa xưa, của Mai, của Dít, từ ngày lọt lòng anh đã nghe thấy tiếng chày ấy rồi”.

Có lẽ, đây là đoạn văn mang giai điệu trữ tình nhất trong khúc sử thi hùng tráng về cuộc đời Tnú. Câu văn chan chứa một tình quê đong đầy. Một trái tim nặng tình với buôn làng. Vậy là, hòa cùng bản lĩnh người anh hùng là một trái tim yêu thương rất cuộc đời. Cứ nhìn cảnh Tnú đứng cạnh gốc cây vả chứng kiến cảnh vợ con bị tra tấn thì rõ, yêu thương kết thành căm phẫn, căm phẫn bùng lên bởi ngọn lửa yêu thương. Vậy nên, anh đã bóp nát cả chục trái vả mà không hay biết.

Hình ảnh Tnú xông ra cứu vợ con là sự hội tụ của tình yêu thương cao cả. Trong giờ phút sinh tử ấy, sức mạnh tình thương đã thắng nỗi khiếp sợ lũ giặc bạo tàn. Thằng lính to béo lăn quay ra đất, đôi cánh tay chắc như lim của Tnú dang rộng bảo vệ chở che cho vợ con. Có thể nói, ở nhân vật Tnú có một trái tim yêu thương bên cạnh bản lĩnh gan dạ của một người anh hùng.

Thuở xưa, Uy-lít-xơ vào sinh ra tử, mấy mươi năm vẫn khao khát về quê hương, bọn cầu hôn tàn ác cũng thất bại bởi trí dũng của người anh hùng, ấy thế mà khi đoàn tụ với gia đình, người đàn ông ấy đã ôm vợ mà khóc dầm dề, giọt nước mắt yêu thương sau bao năm xa cách. Hai nhân vật, xa nhau về thời đại mà cùng gặp nhau ở một tấm chân tình.

Đọc “Rừng xà nu”, ta hiểu được một điều lí thú: Lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu, tất cả đều được hiển hiện ở một bản làng xa xôi hẻo lánh của núi rừng Tây Nguyên, nơi mà rất hiếm người giám nghĩ tới. Vậy nên, dõi theo truyện của Nguyên Ngọc, ta tự hào về một vùng đất anh hùng, tự hào về những người con sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hình tượng Tnú yêu nước, thương nhà là hình ảnh của người dân Tây Nguyên bất khuất, anh hùng thời đánh Mĩ.

Cái duyên trong cuộc đời nhiều khi ngẫm cũng lạ, người con của đất Quảng Nam nặng lòng với Tây Nguyên từ đó viết nên những trang văn hay nhất trong nghiệp cầm bút của mình. Trang viết hấp dẫn đó đưa ta khám phá vẻ đẹp của Đất và Người Tây Nguyên, để rồi mến yêu hơn một miền quê đất nước, gắn bó nặng sâu hơn với non sông đất nước Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ