Đảm bảo giấc ngủ ngon cho trẻ

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ nhỏ. Vì vậy cần đảm bảo trẻ ngủ ngon giấc.

Chất lượng giấc ngủ quyết định quá trình phát triển ở trẻ nhỏ
Chất lượng giấc ngủ quyết định quá trình phát triển ở trẻ nhỏ

Bạn biết gì về giấc ngủ ở trẻ

Ở trẻ em, nhu cầu ngủ rất cao, cứ 1 giờ hoạt động phải bù lại bằng 2 giờ ngủ, tức là gấp 4 lần người lớn.

Tuổi càng nhỏ, nhu cầu ngủ càng cao: Mỗi ngày trẻ sơ sinh ngủ từ 16-18 giờ, ngủ cả ban ngày và ban đêm. Khi 1 tuổi, trẻ ngủ đêm nhiều hơn ngủ ngày và thường có 2 giấc ngủ về ban ngày với tổng số giờ ngủ từ khoảng 15 giờ/ngày.

2 tuổi, trẻ ngủ 14 giờ/ngày và 3 tuổi là 13 giờ/ngày. Khi 16 tuổi, trẻ chỉ còn ngủ 8 giờ/ngày giống như người lớn.

Chất lượng giấc ngủ quyết định quá trình phát triển ở trẻ nhỏ

Giấc ngủ được cấu thành bởi nhiều chu kỳ với hai trạng thái chậm và nhanh. Giấc ngủ chậm chiếm khoảng 80% thời gian ngủ ở trẻ em.

Trong giấc ngủ chậm, tuyến tiền yên ở não sẽ tiết ra kích thích tố tăng trưởng. Kích thích tố này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hồi phục sức khỏe và thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cơ thể trẻ. Khi trẻ hoạt động thể lực nhiều thì giấc ngủ chậm sẽ gia tăng, giúp trẻ dễ ngủ và ngủ sâu hơn.

Giấc ngủ nhanh chỉ chiếm 20% khoảng thời gian ngủ của trẻ nhưng nó lại giúp trẻ hồi phục nhanh hơn sự mệt mỏi về tâm thần (như làm việc, học tập, các chấn thương tâm lý) và tác động lên sự phát triển của hệ thần kinh.

Giấc ngủ nhanh có tác dụng củng cố trí nhớ, giúp trẻ nhớ lâu và nhớ vững chắc hơn những thông tin ghi nhận được. Giấc ngủ nhanh sẽ gia tăng khi trẻ được luyện tập một môn nào đó như múa, hát.

Nếu ngăn cản hay đánh thức giai đoạn này, trẻ sẽ dễ quên, tinh thần căng thẳng, hay cáu gắt, khó chịu, quấy khóc, đầu óc không minh mẫn khi học tập.

Bí quyết giúp trẻ ngủ ngon giấc

Tập cho trẻ thói quen ngủ-thức đúng giờ ngay từ khi còn nhỏ. Việc này không chỉ giúp trẻ có một phản xạ nghỉ ngơi mà còn giúp trẻ có thể ngủ dễ dàng trong mọi hoàn cảnh, điều kiện.

Cắt giảm thời gian ngủ ngày vì ngủ ngày quá nhiều sẽ khiến trẻ quấy khóc và khó ngủ vào ban đêm.

Không gian ngủ của trẻ không những phải thoáng mát mà còn phải đảm bảo giảm thiểu tối đa ánh sáng và tiếng ồn. Tiếng ồn và ánh sáng là thủ phạm kích thích lên hệ thần kinh trẻ trong lúc ngủ, khiến giấc ngủ của trẻ không sâu, trẻ dễ bị giật mình và thức giấc.

Không cho trẻ xem tivi, chơi trò chơi điện tử hay chơi máy vi tính quá 2 giờ mỗi ngày vì đây là yếu tố khiến trẻ ngủ ít hơn, ngủ không ngon giấc, ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất, thành tích học tập và sức khỏe tâm thần.

Người lớn hãy tắt tivi, máy vi tính trước giờ ngủ của trẻ ít nhất 1 giờ đồng hồ để giúp bé có được khoảng tĩnh trước khi đi vào giấc ngủ. Tuyệt đối không để các thiết bị điện tử trong phòng ngủ của trẻ.

Cần dành một khoảng thời gian tối thiểu là 15 phút để kể hay đọc cho trẻ một câu chuyện cổ tích nhẹ nhàng để bé có những khoảnh khắc êm đềm trước khi đi vào giấc ngủ.

Trước khi trẻ đi ngủ, không nên quát mắng, hay vui đùa với trẻ quá mức để tránh trẻ bị ức chế và kích thích thần kinh quá mức trước khi ngủ.

Lưu ý rằng, các chất kích thích chính là thủ phạm gây rối loạn giấc ngủ của bé, vì thế bạn tuyệt đối không cho bé sử dụng đồ uống có ga hoặc có chứa caffein trước khi ngủ ít nhất 4-6 giờ.

Trước khi đi ngủ, không được để trẻ đói hoặc ăn quá no; không vệ sinh thân thể; quần áo quá chật, nằm sai tư thế; nơi ngủ bẩn chật và không thông thoáng… tất cả đều gây tác hại xấu đến giấc ngủ.

Trong trường hợp trẻ có rối loạn giấc ngủ (như mất ngủ liên tiếp vài đêm), cần đưa đi khám bệnh, vì có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ.

Ở trẻ em, cần lưu ý đến các rối loạn giấc ngủ có liên quan đến tình trạng thiếu dinh dưỡng, thường đi kèm với tình trạng chán ăn, giảm ăn, giảm bú, nôn ói, chậm lớn...

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ