Đảm bảo chế độ cho giáo viên 'chạy sô'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong bối cảnh thiếu giáo viên, nhiều thầy cô tại Quảng Trị phải “chạy sô”dạy học các điểm trường trong điều kiện đi lại khó khăn, vất vả.

Cô giáo Nguyễn Thị Tân Diện cũng di chuyển nhiều điểm để dạy học.
Cô giáo Nguyễn Thị Tân Diện cũng di chuyển nhiều điểm để dạy học.

Một vai nhiều gánh

Đầu năm học 2022 - 2023, thầy Đỗ Văn Dũng, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Quyết Thắng (thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh), được tăng cường lên dạy học tại trường cùng huyện là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vĩnh Ô. Dạy học cùng lúc 2 trường, khoảng cách xa nhau ở xã miền núi, khiến thầy Dũng phải thu xếp công việc và lên kế hoạch hợp lý để giảm ảnh hưởng đến chuyên môn, hoạt động dạy học và sức khỏe.

“Khi được phân công tăng cường dạy học cho trường thứ 2 dù vất vả, khó khăn hơn nhưng tôi luôn cố gắng phát huy trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, trong bối cảnh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vĩnh Ô không có giáo viên tiếng Anh nên càng phải nỗ lực để học sinh vùng khó được tiếp cận kiến thức môn học. Tuy nhiên, đường sá khó đi nên luôn phải khắc phục và vượt qua các trở ngại để không ảnh hưởng đến chương trình, việc học tập của học sinh cả 2 trường”, thầy Dũng chia sẻ.

Sau hơn 4 tháng “chạy sô” dạy học 2 trường, sang học kỳ II, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vĩnh Ô đã tuyển thêm được giáo viên môn Tiếng Anh nên thầy Dũng chỉ dạy Trường Tiểu học Quyết Thắng.

Tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) không ít giáo viên phải dạy liên trường như thầy Đỗ Văn Dũng. Do đó, ngành Giáo dục và các trường đang nỗ lực với nhiều giải pháp nhằm tăng cường đội ngũ để đảm bảo triển khai Chương trình GDPT 2018 hiệu quả.

Trường Tiểu học Húc (xã Húc, huyện Hướng Hóa) có 7 điểm trường, với 555 học sinh. Trừ điểm trường chính ở khu trung tâm, 6 điểm lẻ còn lại đều nằm ở địa bàn miền núi và sâu trong thôn Húc Ván, Tà Rùng, Cu Dông, Tà Cu, Húc Thượng, Ho Le, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách giữa các điểm xa. Cô giáo Trần Thị Hà My (sinh năm 1994, gia đình tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) dạy học ở Trường Tiểu học Húc theo diện hợp đồng, thay một giáo viên khác nghỉ chế độ thai sản.

Trường Tiểu học Húc, chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh. Bước vào triển khai Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3. Vì vậy, cô My phải dạy môn học này cho toàn khối 3 và ở các điểm trường lẻ chưa dồn được học sinh lớp 3 về trường chính.

“Trường chỉ có mình tôi là giáo viên môn Tiếng Anh nên việc dạy đủ các điểm trường là đương nhiên. Khó khăn lớn nhất của giáo viên nói chung, đặc biệt giáo viên nữ đó là di chuyển giữa 5 điểm trường với khoảng cách xa nhau, đường đi xấu. Gian nan nhất là quãng đường đến thôn Ho Le. Những khi thời tiết khô ráo thì đi được xe máy, trời mưa phải đi bộ hơn 3 giờ mới tới nơi. Tôi đang rất cố gắng vượt lên khó khăn để đảm bảo việc dạy học đúng đủ chương trình, học trò vùng sâu xa bớt thiệt thòi học tập…”, cô Hà My nói.

Với cô Nguyễn Thị Tân Diện (SN 1991), giáo viên Tin học, năm học này trường có mình cô phụ trách môn học. Vì thế, cô phải tính toán, thu xếp thời gian di chuyển giữa các điểm trường thật khoa học, hợp lý để đảm bảo lên lớp đúng giờ.

Thầy Đoàn Văn Anh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc - chia sẻ, trường chỉ có 1 giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học, nên cô My, cô Diện phải “gánh” cả 5 điểm trường. “Khó khăn, vất vả về điều kiện dạy học, di chuyển… nhưng ngoài lương giáo viên hợp đồng, giáo viên chính không có chế độ hỗ trợ gì thêm. Đồng nghiệp cũng chỉ biết động viên nhau vượt khó để làm tốt công việc…”, thầy Anh nói.

Cô giáo Trần Thị Hà My phải di chuyển quãng đường xa giữa các điểm trường.

Cô giáo Trần Thị Hà My phải di chuyển quãng đường xa giữa các điểm trường.

Giảm bớt khó khăn

Thầy giáo Nguyễn Văn Thông – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vĩnh Ô - cho biết, học kỳ I, trường có 2 giáo viên dạy tiếng Anh và Tin học tăng cường. Đầu tháng 12/2022, trường được tuyển dụng thêm nên giáo viên trường khác không phải tăng cường hỗ trợ. Tuy nhiên, ngoài điểm chính ở trung tâm, trường còn 3 điểm lẻ tại bản 4, bản 7 và bản 8 nên giáo viên phải đi lại vất vả giữa các điểm để dạy học.

“Các thầy cô vì yêu nghề, yêu trò nên cố gắng vượt lên thách thức để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, không thể mãi chỉ động viên tinh thần, giáo viên vùng khó vẫn cần có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp hơn nữa để yên tâm công tác và thu hút giáo viên trẻ lên công tác vùng cao…”, thầy Thông đề xuất.

Ông Lê Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh - cho biết, ngành Giáo dục có hơn 30 giáo viên văn hóa (chủ yếu cấp THCS) đang đảm nhận dạy nhiều trường. Trong số này, có thầy, cô giáo dạy vài tháng sau đó được điều chỉnh, có trường hợp phải dạy hết năm học.

Theo ông Hải, việc giáo viên dạy liên trường là bất khả kháng bởi quy mô mỗi trường khác nhau. Trong khi đó, theo quy định chung (môn học), nếu giáo viên dạy trường mình chưa đủ số tiết theo quy định thì vẫn phải điều tiết sang dạy trường khác. Đội ngũ giáo viên theo môn học được tính chung cho toàn huyện chứ không chỉ riêng 1 trường.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Linh cho biết thêm: “Bản thân từng trực tiếp dạy liên trường vất vả, công tác không ổn định, kéo theo chất lượng chưa cao... Ngành GD-ĐT huyện đã động viên thầy cô bằng nhiều cách nhưng dù sao cũng ảnh hưởng và mong mỏi có chính sách hỗ trợ”. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT Vĩnh Linh đã tham mưu huyện quan tâm, yêu cầu các trường động viên, sắp xếp, bố trí lịch dạy học hợp lý để tạo thuận lợi cho giáo viên, nhưng cũng không thể tháo gỡ hết khó khăn của giáo viên khi điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, đi lại, thiếu giáo viên… còn tồn tại.

Tại tỉnh Quảng Trị, hiện có 368 trường công lập với 894 điểm trường. Đặc biệt, có trường cả chính và lẻ còn 9 điểm, giáo viên để hoàn thành nhiệm vụ không cách nào khác là chấp nhận và tự khắc phục thực tế di chuyển khó khăn. Bên cạnh đó, khi triển khai Chương trình GDPT mới ở các cấp học, có nhiều môn học mới (như nghệ thuật, khoa học kỹ thuật...), học sinh được lựa chọn môn học khi tuyển sinh vào lớp 10, buộc ngành Giáo dục phải bố trí giáo viên, nhân viên làm việc liên trường.

Theo thống kê của ngành Giáo dục Quảng Trị, hiện có hơn 800 giáo viên, nhân viên làm việc tại nhiều điểm trường. Giai đoạn 2021 - 2023, hằng năm có từ 150 đến 170 giáo viên, nhân viên được bố trí làm việc liên trường. Bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị - cho biết, việc giáo viên, nhân viên phải làm việc liên trường hoặc làm việc tại nhiều điểm trường đang gặp nhiều khó khăn, vất vả trong việc di chuyển. Tuy nhiên, hiện Trung ương và địa phương chưa có chính sách hỗ trợ cho đối tượng trên.

“Chúng tôi đề nghị có chế độ hỗ trợ đặc thù như xăng xe cho giáo viên, nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường tại các cơ sở GDMN, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh. Được như vậy, sẽ góp phần giải quyết bớt khó khăn cho giáo viên, ngành Giáo dục…”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Trị đề xuất.

Từ những khó khăn và đề xuất của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Quảng Trị đã đề nghị HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết chính sách hỗ trợ giáo viên và nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường. Nếu được thông qua, mỗi giáo viên, nhân viên làm việc liên trường hoặc nhiều điểm trường sẽ được hỗ trợ tiền xăng xe, với mức cao nhất khoảng 800 nghìn đồng/tháng và thấp nhất không quá 300 nghìn đồng/tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ