Thiếu là căn bản…
Năm học 2021 - 2022, huyện Tuần Giáo có 38 trường phổ thông với 586 lớp và 16.731 học sinh. Tính đến 10/8, ngành GD&ĐT huyện này có 1.211 cán bộ, giáo viên và nhân viên.
Theo ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện, so với định mức quy định tại Thông tư số 16/2017 của Bộ GD&ĐT thì số giáo viên hiện có so với số định mức quy định còn thiếu là 31 giáo viên, chủ yếu ở môn Tiếng Anh và Tin học. Trong đó, cấp tiểu học thiếu 19 người và cấp THCS là 12.
“Chúng tôi vẫn còn thiếu song không đáng kể. Nguyên nhân thiếu do thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021 toàn ngành thực hiện đạt 10,72%, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Bên cạnh đó, một số giáo viên chuyển ngành, chuyển vùng cũng khiến cho đội ngũ nhà giáo bị thiếu hụt so với trước đây”, ông Đỗ Văn Sơn nói.
Theo tính toán của ông Sơn, năm học 2021- 2022 với những yêu cầu của Chương trình GDPT mới, số lượng giáo viên của huyện có thể đảm bảo cho việc dạy học ở các môn: Mỹ thuật, Âm nhạc. Riêng môn Tin học, Tiếng Anh dù vẫn còn thiếu song cơ bản đáp ứng.
Đối với cấp Tiểu học, toàn huyện có 25 giáo viên Tiếng Anh. Những người này được phân công đủ ở 21 trường. 19 giáo viên Tin học cũng được bố trí ở 19 trường. Còn 2 trường quy mô nhỏ chưa có giáo viên Tin học. Phòng GD&ĐT huyện đang tiếp tục tham mưu theo phương án phân công giáo viên dạy kiêm nhiệm ở hai đơn vị trường (đảm bảo định mức giảng dạy) để đảm bảo tất cả các trường đều đủ điều kiện thực hiện theo chương trình GDPT mới 2018.
Ở cấp THCS, huyện có 33 giáo viên Tiếng Anh. Số người này được phân công đủ ở 17 trường. Ở môn Tin học có 12 giáo viên được bố trí ở 12 trường. 7 trường còn lại bố trí mỗi trường 1 giáo viên được đào tạo ngành Toán Tin thực hiện giảng dạy. Một số trường thiếu so với định mức vài tiết dạy thì Phòng tiếp tục tham mưu theo phương án phân công giáo viên dạy kiêm nhiệm ở hai đơn vị trường để đảm bảo tất cả các trường đều đủ điều kiện.
Trường giúp trường…
Trước tình trạng thiếu giáo viên ở những môn đặc thù, hàng năm ngành GD&ĐT huyện Tuần Giáo phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện giao số lượng người làm việc cho các trường đảm bảo cân bằng theo tỷ lệ giáo viên chung của toàn cấp học. Bố trí, sử dụng có hiệu quả số lượng người làm việc trên cơ sở hiện có.
Việc bố trí giáo viên phù hợp với quy mô của từng cơ sở giáo dục. Trong đó, tính toán đảm bảo hợp lý nhất về cơ cấu giáo viên theo môn học. Đối với những môn chuyên, năng khiếu, do đang thiếu giáo viên nên phòng đã sử dụng phương án phân công giáo viên làm thêm nhiệm vụ giảng dạy tại hai Hội đồng giáo dục. Số tiết dạy của những người này đảm bảo theo đúng định mức quy định.
Trong năm học 2020-2021, Tuần Giáo có 14 giáo viên chuyên giảng dạy tại 2 Hội đồng giáo dục. Trong đó, 8 giáo viên Tiếng Anh và 6 giáo viên Tin học. Hầu hết các giáo viên này đều được bố trí ở 2 trường trong cùng địa bàn xã để thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chỉ tiêu tuyển dụng hạn chế nên vẫn chưa thể có đủ giáo viên theo quy định. Vì vậy, năm học tới một số trường trên địa bàn còn thiếu giáo viên dạy các môn chuyên, ngành xác định sẽ tiếp tục sử dụng giải pháp “kiêm nhiệm” để triển khai thực hiện đảm bảo cơ cấu và định mức giảng dạy.
Giáo viên đồng tình chia sẻ
Trường THCS Nà Sáy (xã Nà Sáy) có 2 giáo viên dạy Tiếng Anh, trong khi ngôi Trường “láng giềng” là THCS Mường Thín (xã Mường Thín) lại chẳng có ai. Vì vậy, trên cơ sở định hướng của Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu (BGH) hai trường đã thống nhất phân công một giáo viên dạy kiêm nhiệm.
“Để thuận lợi cho giáo viên, BGH hai trường chúng tôi đã thống nhất lịch giảng dạy phù hợp. Cả hai bên sẽ tổ chức dạy Tiếng Anh so le nhau để giáo viên có thể hỗ trợ trường bạn được. Mục tiêu là đảm bảo kế hoạch chung của ngành, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Đặc biệt là không áp đặt cho giáo viên dạy quá số tiết theo quy định. Giáo viên được tăng cường cũng rất thoải mái về tư tưởng và sẵn sàng chia sẻ với khó khăn của ngành”, thầy giáo Trần Quang Điệp - Hiệu trưởng Trường THCS Nà Sáy cho biết.
Năm học 2020 - 2021, cô giáo Đỗ Phương Loan (Trường THCS Nà Sáy) chính thức đảm nhiệm việc dạy Tiếng Anh cho cả hai trường nói trên. Trường THCS Mường Thín cách nơi cô Loan công tác chừng 6km. Việc đi lại, giảng dạy với cô cũng không gặp nhiều khó khăn dù có chút xáo trộn về công việc.
“BGH hai trường cũng tạo điều kiện, họ thống nhất kế hoạch theo hướng thuận lợi cho giáo viên chúng tôi. Ở trường chính, tôi đang đảm nhiệm 2 khối lớp 7- 8. Khi sang trường phụ, bên đó họ bố trí cho dạy 2 lớp của khối 8. Đó là việc rất thuận lợi khi giáo viên chuẩn bị bài giảng. Hai bên cũng thống nhất, 3 ngày đầu thì tôi dạy ở trường chính, 2 ngày sau dạy ở trường tăng cường. Như vậy, công việc không bị chồng chéo”, cô Loan cho biết.
Trên thực tế, không ít giáo viên gặp khó khi phải dạy kiêm nhiệm cả hai trường và hai cấp học.
“Với giáo viên đang giảng dạy ở cấp THCS mà phải kiêm nhiệm thêm Tiểu học thì sẽ gặp khó khăn hơn tôi nhiều, bởi: giáo án, giáo trình hai cấp khác nhau. Ngoài ra, chương trình học ở 2 nơi cũng riêng biệt. Vì thế, việc tổ chức lớp học, chuẩn bị bài soạn giảng đều sẽ khác. Nghĩa là giáo viên cùng lúc phải thực hiện hai công việc khác nhau, sẽ rất mất thời gian”, cô Loan nói thêm.
Ông Đỗ Văn Sơn cho biết, cùng với những giải pháp như trên, ngành GD&ĐT Tuần Giáo sẽ tiếp tục rà soát mạng lưới trường lớp học theo hướng tinh gọn, tăng số học sinh trên lớp. Ngành cũng tham mưu cho các cấp bổ sung cơ sở vật chất tại các điểm trung tâm để đưa số học sinh từ lớp 3 còn lại về trung tâm học tập. Xây dựng đề án sáp nhập các đơn vị trường giai đoạn 2021 - 2026. Đây được coi là giải pháp căn cơ cho việc sử dụng hiệu qủa đội ngũ giáo viên hiện có.
Song song với đó là việc tiếp tục thực hiện việc tinh giảm biên chế làm cơ sở sắp xếp lại đội ngũ cán bộ giáo viên. Trên cơ sở đó tham mưu cho cấp có thẩm quyền tuyển dụng bổ sung loại hình giáo viên còn thiếu.
Theo ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo:
“Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018:
Các cấp thẩm quyền đánh giá tổng thể việc thực hiện sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, việc tinh giảm biên chế đối với ngành giáo dục giai đoạn 2016-2021 làm cơ sở giao biên chế đảm bảo tỷ lệ, định mức giáo viên trên lớp theo quy định.
Tiếp tục triển khai các Chương trình, dự án đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho ngành giáo dục, đặc biệt giáo dục miền núi như: đề án kiên cố hóa, trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; Dự án giáo dục Trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, Chương trình dự án vùng Dân tộc thiểu số ….
Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86 về quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021, làm cơ sở thực hiện chính sách cho học sinh trong năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo”.