Tuyển sinh vào trường THPT dân tộc nội trú tại Nghệ An: Làm sao để công bằng, dân chủ

GD&TĐ - Năm đầu tiên, 2 trường phổ thông dân tộc nội trú THPT của Nghệ An được tuyển sinh chung toàn tỉnh, thay vì phân vùng như các năm trước.

Học sinh tại Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An.
Học sinh tại Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An.

Điều này một mặt tạo thuận lợi, công bằng cho thí sinh trong lựa chọn trường phù hợp với bản thân. Mặt khác thúc đẩy mỗi trường nâng cao chất lượng giáo dục để thu hút người học.

Tạo công bằng trong tuyển sinh

Những năm trước, Trường THPT DTNT tỉnh chỉ được tuyển học sinh các huyện dọc tuyến Quốc lộ 7 gồm: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ và Thanh Chương. Còn Trường PT DTNT THPT số 2 tuyển học sinh dọc Quốc lộ 48 gồm: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, điều này hạn chế nhu cầu lựa chọn môi trường học tập của học sinh. Để các em được lựa chọn ngôi trường THPT DTNT theo mong muốn, Sở GD&ĐT Nghệ An tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định cho phép 2 trường được thu hút học sinh toàn tỉnh.

Qua thống kê của Sở GD&ĐT, số học sinh lớp 9 làm hồ sơ thi vào 2 trường DTNT tỉnh đều tăng. Thầy Nguyễn Đậu Trương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An cho hay: Tổng số thí sinh dự tuyển vào trường năm học 2021 - 2022 là 520/150 chỉ tiêu, tăng hơn 150 em so với những năm trước. Trong đó, huyện biên giới Quế Phong có số thí sinh đăng ký dự thi cao gấp đôi  năm trước, với hơn 200 em.

Theo thầy Nguyễn Đậu Trương, việc cho phép 2 trường THPT DTNT mở rộng phạm vi trên toàn tỉnh là hợp lý, tạo sự công bằng, dân chủ trong tuyển sinh. Đồng thời, tạo thuận lợi cho thí sinh trong lựa chọn ngôi trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng của mình. Điều này được chứng minh bằng số lượng hồ sơ ĐKDT tăng đáng kể.

Trước đó, để học sinh biết được những điều chỉnh, thay đổi trong quy chế, điều kiện dự thi, các trường THPT DTNT chủ động gửi công văn hoặc trực tiếp về từng địa phương thông báo. “Trường mới thành lập hơn 10 năm, nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa chưa biết đến. Hoặc có những em vẫn nghĩ đây là cơ sở 2 của Trường THPT DTNT tỉnh. Vì vậy, việc thông báo giúp các em biết được cơ hội của mình và mỗi trường đều tổ chức tuyển sinh riêng với mức điểm đầu vào khác nhau”, thầy Trương cho hay.

Việc mở rộng phạm vi tuyển sinh tạo cơ hội cho học sinh DTTS lựa chọn ngôi trường phù hợp.
Việc mở rộng phạm vi tuyển sinh tạo cơ hội cho học sinh DTTS lựa chọn ngôi trường phù hợp.

Nâng cao chất lượng giáo dục trường nội trú

Trường THCS Giai Xuân, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) có 80% học sinh là người dân tộc Thổ. Thầy Đinh Bạt Thể - Hiệu trưởng nhà trường nói: Qua tổng hợp, có 8 em lớp 9 đăng ký thi vào trường THPT DTNT. Trước đó, học sinh nhà trường chỉ được thi vào Trường THPT DTNT tỉnh, nhưng năm nay, các em có thể nộp hồ sơ sang trường THPT DTNT số 2. Chúng tôi cũng khuyên học sinh cân nhắc, lựa chọn nguyện vọng, vì điểm tuyển sinh của 2 trường trên chênh lệch nhau. Ngoài ra, nếu không trúng tuyển, các em vẫn có thể xét tuyển vào trường THPT công lập trên địa bàn bình thường.

Với nhu cầu lớn của học sinh nhiều năm qua, 2 trường THPT DTNT của Nghệ An không gặp nhiều khó khăn để tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, khi phạm vi tuyển sinh mở rộng, học sinh được quyền chủ động chọn 1 trong 2 trường. Điều này đặt ra sự cạnh tranh của mỗi trường từ nâng cao chất lượng dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất... để thu hút học sinh có đầu vào tốt vào trường mình.

Thầy Phan Đình Trường – Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An thừa nhận, những năm trước, việc giới hạn phạm vi tuyển sinh khiến chất lượng đầu vào của trường không cao. Lý do các huyện dọc tuyến đường Quốc lộ 7 có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, địa hình cách biệt hơn so với khu vực Quốc lộ 48. Điều kiện học tập của các em ở bậc THCS vì vậy cũng gặp hạn chế, vất vả.

“Vì vậy, khi mở rộng địa bàn và điều chỉnh cơ cấu tuyển sinh, tạo thuận lợi hơn cho chúng tôi trong tuyển đầu vào. Đổi lại, nhà trường cũng phải nỗ lực, đổi mới trước hết trong hoạt động dạy học, chăm sóc, quản lý học sinh. Mỗi cán bộ, giáo viên là tấm gương sáng cho các em. Bởi học sinh dân tộc thiểu số xa gia đình, ăn ở tại trường và được phụ huynh giao phó hoàn toàn cho nhà trường, thầy cô…

Ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng khẳng định: Hai trường THPT DTNT tỉnh là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho vùng cao, dân tộc thiểu số. Vì vậy, ngành Giáo dục và tỉnh luôn quan tâm đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh yên tâm theo học. Mở rộng vùng tuyển sinh, cũng giúp học sinh mỗi trường học tập, rèn luyện với bạn bè của nhiều huyện, dân tộc khác nhau. Qua đó, mở rộng không gian giao lưu, khám phá bản sắc, giao thoa văn hóa các vùng miền trong tỉnh.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tỉnh Nghệ An năm học 2021 – 2022 được tổ chức vào ngày 3 - 4/6. Thí sinh dự thi môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (Tiếng Anh hoặc Tiếng Pháp). Trong đó, Toán và Ngữ văn thi tự luận, điểm nhân hệ số 2. Môn Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, điểm hệ số 1. Thí sinh có nguyện vọng vào Trường Phổ thông DTNT THPT phải thi chung tuyển sinh vào lớp 10 THPT để lấy điểm xét tuyển. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.