Bà H Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk,Trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Đắk Lắk cùng Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc.
Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc
Tại buổi làm việc, một số vướng mắc trong công tác tổ chức được hai cụm thi gửi đến Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, như việc hỗ trợ đơn vị cán bộ chấm thi môn ngoại ngữ hiếm, mà cụ thể là 6 thí sinh dự thi tiếng Nhật tại hai cụm vì Đắk Lắk chưa có đơn vị nào dạy tiếng Nhật.
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, trước mắt trường sẽ nhờ Trường Đại học Sư phạm TPHCM chấm 6 bài thi này.
Bên cạnh đó, mong Bộ GD&ĐT thống nhất phần mềm chấm thi trắc nghiệm trong cả nước; những vấn đề có liên quan đến kinh phí bổ sung cần có chỉ đạo sớm hơn để các cơ sở có kế hoạch, tránh tình trạng Công văn về việc hướng dẫn định mức chi cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 đối với các trường ĐH-CĐ đến làm nhiệm vụ tại Cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì quá chậm, khiến kinh phí phát sinh lớn nên để tỉnh duyệt chi đợi lâu.
Về công tác bố trí cán bộ coi thi, PGS.TS Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - đề nghị Sở GD&ĐT Đắk Lắk cần có ngay phương án bố trí thêm số lượng cán bộ coi thi hoặc phương án dự phòng. Cần có 612 cán bộ coi thi/306 phòng thi mới đủ theo quy định.
Với cụm thi đại học, lực lượng cán bộ chấm thi cần phải đảm bảo tỉ lệ 50% cán bộ của Sở GD&ĐT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hiện các con số theo báo cáo từ hai cụm thi của tỉnh Đắk Lắk là chưa đạt.
Bà H Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - thông tin công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại địa phương |
Tập trung nguồn lực, tiếp sức thí sinh
Thông tin đến Thứ trưởng, bà H Yim Kđoh cho biết: Đến nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2016 của tỉnh đã hoàn tất. Dù số lượng thí sinh tăng hơn năm trước 2.000 em, nhưng với quyết tâm chuẩn bị một cách tốt nhất cho kỳ thi, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc.
“Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 là một kỳ thi hết sức quan trọng. Chúng tôi không chỉ xem đây là trách nhiệm riêng của địa phương, mà còn xem đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của cả nước. Với tinh thần đó, Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã thực hiện rất nghiêm túc trong công tác chuẩn bị, công tác hỗ trợ thí sinh”- bà H Yim Kđoh nói.
Hiện lực lượng thanh niên tình nguyện do tỉnh Đoàn Đắk Lắk phối hợp với các huyện, thị đoàn và đoàn Thanh niên TP, Đoàn thanh niên các trường đã bố trí trên 1.000 thanh niên tình nguyện; huy động hơn 10.000 suất ăn và 500 chỗ trọ miễn phí cho thí sinh gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức đội xe miễn phí với 50 chiếc và 6.000 chỗ trọ giá rẻ hỗ trợ thí sinh.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng trao đổi, lưu ý một số điểm với Ban chỉ đạo thi tỉnh Đắk Lắk |
Đánh giá công tác tổ chức của tỉnh Đắk Lắk, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhận định: Đắk Lắk đã tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2015 hết sức thành công khi số lượng thí sinh dự thi khá đông. Điều đó cho thấy công tác chuẩn bị của tỉnh hết sức kỹ lưỡng, khoa học và thận trọng.
Năm nay, với thuận lợi khi có được kinh nghiệm tổ chức, số lượng thí sinh cụm thi đại học giảm so với năm 2015, cùng với sự chủ động trong phối hợp, chuẩn bị, tin rằng Đắk Lắk sẽ tổ chức thành công kỳ thi năm 2016.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh: Trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016, nhiệm vụ của chúng ta là phải tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Không thể để bất cứ một thí sinh nào phải bỏ thi vì lý do điều kiện gia đình khó khăn.
Cần lấy Quy chế Kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ GD&ĐT làm chuẩn mực trong công tác tổ chức, điều hành kỳ thi; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh về giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, nơi ăn chốn ở...
Cụm thi do Trường Đại học Tây Nguyên chủ trì có 18 điểm thi, 539 phòngthi với 16.833 thí sinh đăng ký. Tổng số cán bộ coi thi là 1.400 người, số cán bộ chấm thi là 176 cán bộ.