Đại sứ “Điều ước cho em” tại Trà Vinh: Mong trò nghèo an tâm đi học

GD&TĐ - Hơn 16 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) luôn mơ ước làm sao để trò nghèo được yên tâm đến lớp…

Thầy Thạch Sa Quên cùng học trò.
Thầy Thạch Sa Quên cùng học trò.

Cảm thông với học trò

Thầy Thạch Sa Quên là giáo viên  người dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh, từng tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 tại Hà Nội, và là một trong những đại sứ của Chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD&ĐT khởi xướng.  

Quê ở ấp Giồng Chanh, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, thầy Sa Quên được phân công giảng dạy tại Trường THPT Cầu Ngang A. Địa điểm trường thuộc ấp Bến Đáy B, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang. Điểm trường thuộc vùng biên giới của tỉnh Trà Vinh. Từ nhà đến trường công tác hơn 20 cây số, vì thế, thầy phải tìm nhà ở trọ gần trường để tiện công tác.

Nhớ lại ký ức cách đây hơn 20 năm, khi còn là học sinh, thầy Sa Quên kể: “Thời kỳ đó cuộc sống rất khó khăn, trường ở xa nhà. Đến cấp 3 tôi phải đạp xe hơn 10 cây số để đi học. Đường đất mùa mưa thì lầy, mùa khô cát bụi nên xe đạp thường xuyên hư hỏng. Vì trường xa nhà, tôi phải đi sớm về trễ, gặp ngày trời mưa thì ướt nhèm. Khi học được 1 năm, tôi xin vào một ngôi chùa gần trường để ở cho tiện đi học, cuối tuần mới về nhà”. 

Trưởng thành trong hoàn cảnh như thế, thầy Sa Quên càng cảm thông, chia sẻ với khó khăn của học trò hơn. Hiện cơ sở vật chất, trường lớp có thể khang trang hơn trước nhưng thực tế vẫn còn không ít học sinh sống trong cảnh khó khăn, cực nhọc, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. 

Trường THPT Cầu Ngang A thuộc biên giới vùng ven biển, có khá nhiều học sinh gặp khó khăn trong quá trình học tập. Nơi đây, người dân chủ yếu làm kinh tế biển, phần lớn cha mẹ đi làm xa, con cái ở nhà với ông bà để đi học. Có gia đình cha mẹ li hôn, cha/mẹ đi bước nữa bỏ lại con cái cho ông bà nuôi. Không chỉ gặp khó khăn về vật chất, nhiều học sinh còn thiếu đi tình thương yêu của cha mẹ. Trong quá trình học tập, các em thiếu thốn đủ thứ, từ quần áo, sách vở, tiền bạc; không ít em nhà xa nhưng không có xe đạp phải nhờ bạn chở đi học.

Thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nên việc học hành đôi khi còn chểnh mảng. Nhiều em hết học kỳ I có ý định nghỉ học, đi làm phụ giúp gia đình. Những em tiếp tục học, chất lượng không cao do gánh nặng kinh tế gia đình cản bước…

Mong ước mơ thành hiện thực

Hơn 16 năm gắn bó với nghề dạy học là từng ấy năm thầy Sa Quên vượt qua bao khó khăn, vất vả đồng hành cùng học trò. Những năm qua, thầy luôn nỗ lực vận động toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy như “muối bỏ biển”, số học sinh khó khăn nhận được sự giúp đỡ chưa nhiều hoặc nhận được không giải quyết tận gốc vấn đề.

Thấu hiểu hoàn cảnh học sinh vùng khó nên thầy luôn có ước mơ làm sao để các em có được sự quan tâm hơn nữa từ thầy cô, bạn bè, từ các mạnh thường quân. Được giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần từ cộng đồng, thầy hy vọng các em sẽ được bù đắp phần nào khó khăn, thiếu thốn, được động viên chia sẻ, để có điều kiện học tập tốt hơn. 

“Các em là học sinh nghèo, học sinh khó khăn, là người dân tộc Khmer, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu rất nhiều thứ. Thiếu áo để mặc, thiếu gạo để ăn, thiếu tiền để trang trải, thiếu xe để đi học. Các trường học vùng dân tộc có học môn Ngữ văn Khmer thì thiếu sách tiếng Khmer… Là Đại sứ của Chương trình “Điều ước cho em”, tôi mong muốn ước mơ sẽ trở thành hiện thực và đó cũng là niềm vui, là ước mơ của hàng nghìn thầy cô giáo và học sinh tỉnh Trà Vinh”, thầy Sa Quên chia sẻ.

Sau khi tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, tôi nhớ mãi chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất phát động phong trào “5 điều ước”. Chúng tôi vô cùng biết ơn, cảm động khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao cho các thầy cô giáo tham dự chương trình một vinh dự, trách nhiệm lớn lao là trở thành 63 đại sứ đầu tiên của phong trào “5 điều ước”. - Thầy Thạch Sa Quên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sự tự đánh giá của một đứa trẻ trước hết xuất phát từ sự đánh giá của người khác về trẻ, và điều quan trọng nhất là sự đánh giá của cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Lý do cha mẹ cần tin tưởng con

GD&TĐ - Để giáo dục và rèn luyện tốt cho trẻ một cách cơ bản, chúng ta nên nuôi dưỡng ý thức về giá trị bản thân của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.

Văn khấn rằm tháng 10 Âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 10 Âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.