Đại sứ Chương trình Điều ước cho em: Vỡ oà cảm xúc khi điều ước thành hiện thực

GD&TĐ - Chương trình hiện thực hoá điều ước của đại diện giáo viên dân tộc thiểu số bắt đầu đi vào đời sống giáo dục.

Cô Lê Thị Thu Trang, (Giáo viên Ngữ văn Trường Tiểu học và THCS EaTrol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cùng học trò.
Cô Lê Thị Thu Trang, (Giáo viên Ngữ văn Trường Tiểu học và THCS EaTrol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) cùng học trò.

Các thầy cô được chọn là đại sứ “3 điều ước” đều tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng thực hiện trọng trách của mình.

Những ước muốn thay học trò

Cô Lê Thị Thu Trang, GV Ngữ văn Trường Tiểu học và THCSEaTrol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên chia sẻ: Đã hơn một tháng trôi qua, kể từ khi chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020” kết thúc, chia tay Hà Nội trở về nơi công tác, tôi vô cùng biết ơn, cảm động khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao cho các thầy cô giáo tham dự chương trình một vinh dự, trách nhiệm lớn lao là trở thành 1 trong 63 đại sứ đầu tiên của phong trào 5 điều ước.

Cô Thu Trang tâm sự: Hơn 17 năm gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi thấy vấn đề giảng dạy của giáo viên và chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số còn nhiều vấn đề đáng suy nghĩ và trăn trở. Bởi giáo viên đứng lớp hầu hết không biết tiếng dân tộc; các em mặc dù biết tiếng phổ thông, đọc được và giao tiếp được nhưng để hiểu sâu và tiếp thu được về văn học, cũng như kiến thức của các bộ môn khác cực kỳ khó khăn.

Có những em do hoàn cảnh gia đình nên đến lớp không đầy đủ, bỏ học giữa chừng. Em khác tập trung cho việc học tập không nhiều vì vậy chất lượng dạy học, kết quả học tập chưa bảo đảm, chất lượng chưa theo kịp đồng bằng và thành phố. Với góc nhìn cá nhân, chất lượng học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương chúng tôi để theo kịp đồng bằng và thành phố cần cả quá trình dài lâu.

Cùng với đó, nhận thức của gia đình và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc học tập còn nhiều hạn chế. Điều kiện sinh hoạt và hạ tầng cơ sở cho giáo dục đối diện vô vàn khó khăn. Câu chuyện về ăn no mặc ấm đã là điều ước xa xỉ với học trò thì vấn đề chất lượng dạy học còn nhiều vất vả, gian nan.

Điều đầu tiên cô Thu Trang ước có nhà vệ sinh cho học sinh; thứ hai có quần áo ấm cho học sinh. Điều ước thứ ba, có đủ sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh.

Có lẽ trăn trở và ước mong của cô Thu Trang cũng chính là mong mỏi của tất cả thầy cô giáo vùng dân tộc thiểu số.

Hơn 10 năm công tác tại 6 điểm trường, thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ nhỏ trên những bản cao, cô Triệu Mùi Viển (Trường Mầm non Bộc Bố, Pác Nặm, Bắc Kạn) chỉ mong sao học trò có được… bữa trưa đủ no.

Cô Viển từng chia sẻ: Không có bữa trưa ở trường, trẻ sẽ phải về nhà, mà đã về là buổi chiều nghỉ luôn chứ không quay lại lớp nữa. Nếu có điều ước, tôi chỉ mong các điểm trường có bếp ăn và bữa trưa đủ no, bảo đảm dinh dưỡng cho các cháu.

“Nếu được ước thêm cho phép tôi tham lam hơn một chút. Đó là, mong Đảng và Nhà nước cũng như các cấp, ban ngành quan gâm hơn nữa tới học sinh vùng cao. Tôi mong các em có đủ áo ấm để mặc, có giày dép để đi trong những ngày đông giá rét… Tất cả những điều này sẽ tạo động lực và niềm vui kéo các em tới trường”, cô Viển tâm sự

Cô Triệu Mùi Viển (GV Trường Mầm non Bộc Bố, Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cùng học trò.
Cô Triệu Mùi Viển (GV Trường Mầm non Bộc Bố, Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn) cùng học trò.

Hạnh phúc khó nói thành lời

Tôi vô cùng biết ơn các cấp ban ngành và toàn xã hội đã dành những điều tốt đẹp nhất cho HS vùng dân tộc; chung tay giúp đỡ các em có được một cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn. Có điều kiện phát triển, được học tập vui chơi, trau dồi kiến thức, nụ cười các em luôn rạng rỡ như đóa hoa mặt trời. Những ánh mắt trong trẻo hồn nhiên của các em luôn ánh lên niềm vui mỗi ngày. Cảm ơn vì đã mang cho chúng tôi cơ hội biến điều ước thành hiện thực. Cô Lê Thị Thu Trang

Chỉ sau hơn 1 tháng từ buổi gặp mặt đầy ân tình và ấm áp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, điểm trường khó khăn của Trường Mầm non Bộc Bố đã đón đoàn công tác của Bộ GD&ĐT về thăm và khảo sát thực tế để sớm biến điều ước của cô Viển về bữa cơm học đường và những điều ước giản dị của các thầy cô nơi đây thành hiện thực.

Cô Triệu Mùi Viển xúc động cho biết: Trở thành đại sứ chương trình “3 điều ước” là vinh dự và may mắn của tôi. Tôi ý thức được trách nhiệm và ý nghĩa kết nối của vai trò này. Bởi hơn mọi lời kể, giáo viên chúng tôi là người thật – việc thật, hàng ngày hàng giờ lăn lộn và cống hiến vì thế hệ trẻ vùng cao, dân tộc thiểu số. Chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ nhưng chúng tôi cần được xã hội chung tay ủng hộ để ngày càng thu hẹp khoảng cách về mọi điều kiện phục vụ nhu cầu chính đáng của học trò.

“Nếu điều ước của bản thân tôi dành cho học trò được trò thành hiện thực, đó là niềm hạnh phúc khó lời nào diễn tả hết. Ông Bụt chẳng ở đâu xa mà đã hiện hữu để biến những ước mơ của các đại sứ điều ước thành sự thật.

Sự động viên, khích lệ kịp thời của Đảng và Nhà nước, Bộ GD&ĐT, mạnh thường quân với những hành động quyết liệt, chóng vánh đã tạo nguồn năng lượng tích cực thúc đẩy sự phát triển chung của giáo dục địa phương. Tôi tin rằng, những điều tốt đẹp sẽ lan toả mạnh mẽ và nhận được đồng thuận lớn của toàn xã hội và tất cả những ai quan tâm đến sự bình đẳng trong giáo dục”, cô Viển trải lòng.

Còn với cô giáo – đại sứ điều ước Lê Thị Thu Trang, trở thành đại sứ là vinh dự tự hào đi kèm với trách nhiệm lớn lao. Nếu điều ước trở thành hiện thực, đó sẽ là niềm vui lớn với cá nhân tôi và các học trò. Tôi hạnh phúc vì học sinh của tôi được sống trong xã hội ấm áp tình người, được sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.