Bộ GD&ĐT khởi động Chương trình “Điều ước cho em”

GD&TĐ - Sáng 24/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm và tặng quà một số trường học khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng áo ấm cho học sinh tại điểm trường Slam Vè, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Nhạn Môn (Pác Nậm)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng áo ấm cho học sinh tại điểm trường Slam Vè, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Nhạn Môn (Pác Nậm)

Đây là hoạt động khởi động Chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan triển khai, thực hiện.

Đến thăm và tặng quà tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Nhạn Môn (Pác Nậm), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, nhất là giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, điều kiện dạy - học trong các nhà trường từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, so với yêu cầu và nhu cầu thực tế của thầy  - trò thì điều kiện dạy – học vẫn còn nhiều khó khăn.

Học sinh vùng cao ấm áp với những chiếc áo nghĩa tình.
Học sinh vùng cao ấm áp với những chiếc áo nghĩa tình.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc huy động các nguồn lực nhằm chung tay xây dựng nâng cao chất lượng GD-ĐT, nhất là giáo dục vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đoàn công tác của Bộ GD&ĐT và các nhà tài trợ đã triển khai thực hiện chương trình “Điều ước cho em” tại tỉnh Bắc Kạn, trước mắt là tại điểm trường Slam Vè thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Nhạn Môn (Pác Nậm) và điểm trường Nậm Lẩu, xã Sĩ Bình (Bạch Thông).

Theo Bộ trưởng, điều ước có nhiều nhưng có những điều rất giản dị, thiết thực mà có thể hiện thực hóa được ngay. Trước hết là, điều kiện dạy – học của thầy – trò được tốt hơn; các điều kiện sinh hoạt như: ăn ở, điện nước, nhà vệ sinh…, thậm chí là sóng điện thoại để thầy – trò có thể kết nối trong hệ thông tin toàn cầu.

“Trên tinh thầy đó, Bộ GD&ĐT cùng các nhà tài trợ sẽ góp phần thực hiện điều ước ấy. Trước mắt, thực hiện điều ước để em đến trường với bữa ăn bán trú đầy đủ, áo mặc đủ ấm, mùa đông được có giày ấm đến trường. Đây là những nhu cầu thiết yếu và có ý nghĩa sâu sắc” – Bộ trưởng nói, đồng thời ghi nhận và gửi lời cảm ơn đến các Bộ, ban, ngành, các nhà hảo tâm đã quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Qua đó, kết nối giữa những người có nhu cầu thiện nguyện với những nơi cần được hỗ trợ.

Các trường học, nhà hảo tâm nhiệt tình hỗ trợ thực hiện "Điều ước cho em"
Các trường học, nhà hảo tâm nhiệt tình hỗ trợ thực hiện "Điều ước cho em"

Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ triển khai sâu rộng hơn Chương trình “Điều ước cho em” để thầy – trò vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vơi bớt khó khăn, nâng bước chân các em đến trường, góp phần nâng cao chất lượng dạy – học.

Hưởng ứng Chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện, thầy Hà Xuân Nhâm – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, nhà trường hỗ trợ đợt 1 cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Nhạn Môn toàn bộ dầu ăn, gạo đến hết năm học; qua đó, góp phần hỗ trợ thầy – trò vơi bớt khó khăn; đồng thời giáo dục học sinh tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.

Bộ trưởng ân cần trao áo ấm tặng học sinh tại khu nhà bán trú trường học
Bộ trưởng ân cần trao áo ấm tặng học sinh tại khu nhà bán trú trường học

Vinh dự được chọn là đại sứ của “Điều ước cho em” tỉnh Bắc Kạn, cô giáo Triệu Mùi Viển – giáo viên Trường mầm non Bộc Bố (Pác Nặm, Bắc Kạn) nhấn mạnh: Đây là chương trình thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm chia sẻ  với thầy – trò vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với tư cách là đại sứ, cô mong muốn kêu gọi được nhiều tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm cùng chung tay, chăm lo cho giáo dục vùng khó nói chung và thầy  - trò vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Trước mắt là có đủ áo ấm, chăn bông cho học sinh bán trú; gạo nước, giày dép cho học sinh đến trường. Tin rằng, những hoạt động ý nghĩa từ chương trình “Điều ước cho em” tại Pắc Nậm sẽ lan tỏa đến toàn ngành Giáo dục tỉnh Bắc Kạn và đến với mọi miền của Tổ quốc.

Ngày 23, 24/12, tại điểm trường Slam Vè, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học & THCS Nhạn Môn (Pác Nậm) đã khởi công xây dựng bếp ăn, sân trường, nhà vệ sinh. Chiều 24/12 đã khởi xây dựng ăn bếp ăn, nhà vệ sinh cho điểm trường Nậm Lẩu, xã Sĩ Bình (Bạch Thông). Ngoài ra, Bộ trưởng và đoàn công tác đã hỗ trợ: gạo, máy lọc nước, quần áo ấm… cho học sinh tại hai điểm trường trên; tổng trị giá gần 500 triệu đồng. Đây là những hoạt động đầu tiên của Chương trình “Điều ước cho em” tại tỉnh Bắc Kạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...