Đại gia sữa, bất động sản… nhảy vào bán thuốc

GD&TĐ - Đang có một cơn sốt đầu tư vào ngành dược từ các đại gia công nghệ, nhà đất, thực phẩm. Tuy nhiên, liệu “cơn say” bán thuốc này có đem lại thành công như kỳ vọng hay trở thành một khoản đầu tư đốt tiền vẫn đang là một dấu chấm hỏi lớn.

Chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt ngày càng tăng cao. Trong ảnh: Người dân đang mua thuốc tại một cửa hàng. Ảnh: HTD
Chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt ngày càng tăng cao. Trong ảnh: Người dân đang mua thuốc tại một cửa hàng. Ảnh: HTD

Ngã rẽ của các ông lớn

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018 diễn ra mới đây, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết Vinamilk sẽ hợp tác với Dược Hậu Giang để phát triển các loại thực phẩm chức năng đầy đủ chất dinh dưỡng và hợp khẩu vị với người Việt.

Không chỉ đại gia sữa Vinamilk mà sức hút của miếng bánh ngành dược còn lan truyền đến các công ty công nghệ vốn chẳng có “dính dáng” gì đến dược. Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), cho hay công ty đã mua lại nhà thuốc Long Châu. Bà Điệp giải thích việc một công ty công nghệ dấn thân vào lĩnh vực dược vì đây được xem là ngành hàng rất tiềm năng, mức độ lợi nhuận cao hơn các ngành điện thoại, điện máy hay máy tính vốn đang bị cạnh tranh khốc liệt và đang dần bão hòa với biên lợi nhuận ngày càng giảm.

Nói cụ thể hơn về việc chọn nhà thuốc Long Châu để đầu tư, bà Điệp cho biết: “Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy doanh thu bình quân của một cửa hàng Long Châu vào khoảng 134.000 USD/tháng. Trong khi đó, Phúc An Khang, nhà thuốc mà Thế Giới Di Động đang đầu tư, là 32.000 USD mỗi tháng; hay Pharmacity và Phano lần lượt có doanh thu là 11.000 và 18.000 USD/tháng”.

Bà Điệp cũng cho biết hiện FPT Retail đã mở được 10 cửa hàng thuốc và dự kiến trong bốn năm tiếp theo, mỗi năm hệ thống nhà thuốc Long Châu sẽ được mở 100 cửa hàng để đạt con số là 400 cửa hàng.

Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld) vốn được xem là nhà phân phối lớn cho các hãng điện thoại lớn trên thế giới. Doanh thu từ mảng phân phối điện thoại của Digiworld không hề tệ nhưng công ty này cũng bất ngờ nhảy vào thị trường dược.

Ông Đoàn Hồng Việt, Tổng Giám đốc Digiworld, cho biết công ty chọn thực phẩm chức năng và thuốc không kê đơn để tiếp cận ngành dược vì đây là ngành còn nhiều tiềm năng, quy mô thị trường này hiện ước đạt khoảng 7 tỉ USD/năm. Ở các nước phát triển, thực phẩm chức năng, thuốc không kê đơn luôn có mức doanh thu rất tốt. Còn tại Việt Nam, thị trường này đang khá phân mảnh, các công ty trong ngành cũng chưa làm tốt các vấn đề về hệ thống phân phối, hậu mãi.

“Trong khi đó Digiworld là nhà phân phối điện thoại nên có thế mạnh từ phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cần, hậu mãi nên việc kinh doanh thêm mảng dược không hề khó. Chúng tôi chỉ cần chọn loại sản phẩm tốt và sau đó tiến hành làm thương hiệu, truyền thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng nên kỳ vọng 10 năm tới công ty sẽ trở thành nhà phân phối lớn trong mảng dược” - ông Việt tự tin nói.

Miếng bánh ngon nhưng không dễ ăn

Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định ngành dược đang rất hấp dẫn tại Việt Nam vì trong 10-30 năm tới, với dân số già hóa thì nhu cầu về dược phẩm rất lớn. Cơ hội tăng trưởng cũng rất cao vì thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng cũng như tỉ lệ người trong độ tuổi tiêu thụ dược phẩm lớn.

Hơn nữa, nếu nhìn cách các công ty ngoài ngành tham gia vào ngành dược thì thấy họ thường chỉ chọn hệ thống phân phối và các loại thuốc không cần kê toa bác sĩ để đầu tư. Đây là một chiến lược khá hợp lý.

Cũng theo TS Hiển, hiện nay hệ thống phân phối chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu nên mức độ cạnh tranh còn thấp. Trong khi đó các công ty công nghệ, thực phẩm vốn có thế mạnh về bán hàng, phân phối nên việc chuyển hóa năng lực này vào mảng dược sẽ tạo thế cạnh tranh lớn.

“Ngoài ra, chiến lược sản phẩm chỉ tập trung vào các loại thực phẩm chức năng, thuốc không kê đơn nên dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Ai làm tốt thị trường, thương hiệu thì sản phẩm sẽ bán chạy” - ông Hiển nhận định.

Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco, một công ty rất mạnh trên thị trường dược về thuốc không kê đơn, nhận xét mảng dược cũng cạnh tranh rất khốc liệt. Riêng với các sản phẩm chức năng hay thuốc không kê đơn chịu tác động mạnh của giảm phát.

Đặc thù của các sản phẩm này là phòng bệnh và nâng cao sức khỏe là chính, do vậy không được ưu tiên ngay lập tức như kháng sinh. Ví dụ khi kinh tế khó khăn, người dân có thể giãn ra, ngừng sử dụng thuốc một thời gian.

“Đây cũng là loại sản phẩm dễ bắt chước, chỉ cần một mặt hàng bán mạnh thì các công ty khác sẽ tung ra đúng loại sản phẩm đó với giá rẻ hơn để cạnh tranh là lợi nhuận tan biến” - bà Thuận nói.

Thực tế các công ty công nghệ, thực phẩm, bất động sản… cũng chỉ mới manh nha kinh doanh mảng dược nên khó có thể nói đã đạt tính hiệu quả hay chưa. Có thể nhìn cách Thế Giới Di Động phải chuyển chiến lược trong ngành dược để thấy cuộc chơi này không hề đơn giản, mặc dù họ là người phát pháo đầu tiên, một công ty ngoài ngành tham gia vào mảng dược.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (MWG), thừa nhận trước đây công ty mua nhà thuốc Phúc An Khang với tỉ lệ sở hữu trên 51% để nắm quyền chi phối nhằm biến chuỗi này thành công ty con của MWG. Tuy nhiên, sau khi đánh giá các rủi ro có thể gặp phải nên MWG thương lượng lại và quyết định giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 49%. Như vậy, MWG không phải là người quyết định kế hoạch kinh doanh của chuỗi này mà chỉ đứng sau để hỗ trợ và đồng hành.

Một số chuyên gia am hiểu lĩnh vực dược cũng cảnh báo dù miếng bánh ngành này rất hấp dẫn nhưng không dễ ăn với những công ty tay ngang, không am hiểu về dược vốn mang tính đặc thù cao. Thực tế thị trường dược đã chứng kiến sự thất bại của nhiều công ty khi thiếu nền quản trị tốt, thiếu kiến thức chuyên môn về dược vì bán thuốc khác với bán chiếc máy lạnh hay điện thoại.

Miếng bánh còn rất lớn

Theo hãng nghiên cứu thị trường IMS Health, quy mô thị trường dược Việt Nam vào khoảng 5-7 tỉ USD/năm. Dự báo đến năm 2021, con số này đạt 7,7 tỉ USD và tăng lên 16,1 tỉ USD vào năm 2026, tương ứng tốc độ tăng trưởng 11%/năm.

Nếu như năm 2011, chi tiêu bình quân cho thuốc của người Việt là 27,1 USD/người/năm thì hiện đã tăng lên 45,8 USD, con số này mới chỉ bằng một nửa các nước trong khu vực. Dự báo mức chi tiêu của người Việt cho việc mua thuốc sẽ tăng lên 85 USD/người vào năm 2020. Khi dân số càng tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, dân trí được cải thiện, nhu cầu sử dụng thuốc của người dân sẽ ngày càng lớn.

Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất lớn, được xem là “miếng bánh béo bở” trên thị trường. Điều này khiến nhiều ông lớn nhảy vào bán dược phẩm khi mảng kinh doanh chủ chốt của họ có dấu hiệu đang đi vào thời kỳ bão hòa.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ