Thế nhưng ít ai biết Công ty TNHH Vinaca từng được trao chứng nhận Top 10 “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam”, trong khi kết luận sơ bộ của cơ quan điều tra cho thấy hành vi làm giả biệt dược đã kéo dài từ lâu. Con đường nào để doanh nghiệp này lọt vào “bảng vàng” thương hiệu như vậy?
Phong danh hiệu thông qua… báo cáo?
Như đã nói ở trên, trước khi bị phát hiện sản xuất sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư chỉ bằng nguyên liệu than tre, Công ty TNHH Vinaca đã được Viện Công nghệ chống làm giả, Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (thuộc Viện Công nghệ chống làm giả) trao “Chứng nhận thương hiệu: Vinaca - Công ty TNHH Vinaca - Đạt Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam - 2017”. Đó thực sự là một sự bảo lãnh không thể tốt hơn cho bất cứ doanh nghiệp nào về chất lượng kinh doanh sản xuất; trên thực tế mỗi khi tuyên bố trước truyền thông, ban tổ chức cũng như đơn vị được ghi nhận đều quảng bá rất rõ là việc chứng nhận chỉ có được sau thời gian khảo sát kỹ càng, kiểm tra nghiêm túc, với nhóm hàng đầu (Top 10) thì lại càng kỹ lưỡng hơn nữa.
Khi được hỏi về tiêu chí để doanh nghiệp đạt chứng nhận “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam”, ông Lê Trọng Anh - quyền Giám đốc Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu, Thường trực Ban tổ chức Chương trình Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam - cho biết, đây là đánh giá “thương hiệu”, chứ không đánh giá về “sản phẩm” và cũng không có tiêu chí gì. Trung tâm chỉ hỗ trợ để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới, có điều kiện phát triển.
Cũng theo ông Lê Trọng Anh, ngày 9/8/2017, ông Nguyễn Xuân Thu, Tổng Giám đốc và là người đại diện hợp pháp của Công ty TNHH Vinaca (có trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã nộp hồ sơ để được xét duyệt chứng nhận của Chương trình “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam”. Hồ sơ bao gồm đăng ký kinh doanh, phần doanh nghiệp tự giới thiệu. Sau đó, Ban tổ chức đã đi tìm hiểu, đánh giá và nhận thấy tại thời điểm đó, Vinaca có trụ sở, văn phòng, có giấy đăng ký kinh doanh. Đặc biệt, thời điểm kiểm tra, công ty có rất nhiều đại lý phân phối và hỗ trợ khởi nghiệp miễn phí cho nhiều người.
“Lúc đó Vinaca đăng ký thương hiệu Vinaca chứ không phải đăng ký sản phẩm Vinaca nên Ban tổ chức cũng không kiểm tra về sản phẩm và cơ sở sản xuất mà tin vào cam kết và sự trung thực của công ty (!?)”, đại diện Ban tổ chức chương trình cho hay.
Trước thông tin về việc Vinaca có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngày 16/4, Ban tổ chức Chương trình đã vội vàng phát đi thông báo gửi các cơ quan báo đài, trong đó cho biết chứng nhận chỉ có giá trị trong vòng một năm; nếu đến trước thời điểm 31/12/2017 mà Vinaca và Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Xuân Thu vi phạm kỷ luật thì “sẽ thu hồi đánh giá về Thương hiệu Công ty TNHH Vinaca”.
Có hay không việc “bỏ tiền mua chứng nhận”?
Bê bối của Vinaca bị cơ quan chức năng phát giác, kèm theo ngay cái “Chứng nhận thương hiệu” mà họ từng được trao, dư luận không khỏi đặt nghi vấn về việc để được nhận chứng nhận, doanh nghiệp chỉ cần bỏ tiền ra là có. Trước vấn đề này, ông Lê Trọng Anh khẳng định không có chuyện đó. Tuy nhiên, quyền Giám đốc Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu cũng giải thích, đây không phải là chương trình của Nhà nước mà là xã hội hoá nên các doanh nghiệp tự nguyện, thoả thuận đóng góp. Về câu hỏi số tiền mà một đơn vị như Vinaca đã đóng góp cho chương trình là bao nhiêu, vị này từ chối cung cấp thông tin.
Có một điều khó hiểu là, theo hồ sơ của cơ quan công an, Công ty TNHH Vinaca đã “mượn” giấy phép của Công ty TNHH An Hồng Phong (Hải Phòng), trong đó có nội dung là sản xuất, cung cấp các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Trong khi đó, theo lời ông Lê Trọng Anh, nội dung giấy phép kinh doanh của Vinaca là sản xuất các loại xà phòng, nước tẩy rửa… Ấy vậy mà, Vinaca vẫn được vinh danh và trao Chứng nhận đạt Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam - 2017?
Hơn nữa, trong buổi làm việc với phóng viên, dù ông Lê Trọng Anh nhiều lần khẳng định “chỉ chứng nhận về thương hiệu”, chứ không “chứng nhận về sản phẩm”; tuy nhiên, trong Giấy chứng nhận mà Vinaca nhận được ghi rõ: “Chứng nhận thương hiệu: Vinaca - Công ty TNHH Vinaca - Đạt Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam - 2017”. Chính ông Lê Trọng Anh cũng không giải thích được điều này.
Hiểu một cách đơn giản, sản phẩm được khách hàng công nhận thì mới trở thành thương hiệu. Vậy mà Ban tổ chức “Chương trình Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam” lại lý giải chứng nhận “thương hiệu” chứ không liên quan gì đến sản phẩm. Nhưng giấy chứng nhận mà Ban tổ chức đã trao cho Vinaca lại thể hiện điều ngược lại.
Được biết năm 2017 là năm đầu tiên Chương trình “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam” được tổ chức, với hơn 100 doanh nghiệp được trao chứng nhận; trong đó Công ty TNHH Vinaca được trao chứng nhận “Đạt Top 10 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam”.
Với những bê bối hiện nay của doanh nghiệp này cũng như những giải thích thiếu tính thuyết phục của đơn vị tổ chức, người tiêu dùng có quyền nghi vấn về tính đảm bảo của giấy chứng nhận nói trên, đồng thời đặt câu hỏi không biết còn bao nhiêu trong số các doanh nghiệp được chương trình tôn vinh cũng “khuất tất” (ít nhất về thủ tục để được chứng nhận) như Vinaca.