“Đãi cát” tìm tư duy tích cực

GD&TĐ - Cuộc sống chẳng phải khi nào cũng suôn sẻ. Nhưng nếu có thái độ và quan điểm sống tích cực, việc giải quyết các vấn đề đơn giản hơn rất nhiều. Hãy dạy con trẻ cách chắt chiuvà nhân lên những điều tốt đẹp...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lạc quan trước mọi khó khăn

Chị Mai Yên (Long Biên, Hà Nội) mở Trung tâm Phát triển kỹ năng cho trẻ từ đầu năm 2020 nhưng gặp đúng năm Covid-19, công việc gặp nhiều khó khăn. Chị tâm sự: “Mười hai tháng thì có bốn tháng nghỉ dịch nên nghĩ nhiều lúc cũng nản lắm. Nhưng dù sao thấy mình vẫn may mắn vì được hỗ trợ rất nhiều từ gia đình và bạn bè. Khởi nghiệp bình thường đã vất vả, khởi nghiệp đúng thời dịch dã càng khó khăn hơn. Thiết nghĩ, mình đã và vẫn duy trì được như bây giờ cũng là quá tốt so với nhiều người khác. Giờ tập trung vào phát triển các sản phẩm chất lượng đang có và chờ dịch ổn định rồi tính tiếp”, chị Mai Yên chia sẻ.

Ai cũng có những cách khác nhau để phản ứng với các sự kiện trong cuộc sống, đặc biệt là trước những khó khăn. Có những người phản ứng với các vấn đề với một thái độ tích cực, lạc quan trong khi một số khác lại phản ứng với một thái độ tiêu cực.

Những người thường xuyên phản ứng tích cực với các vấn đề khó khăn là những người có thái độ sống lạc quan. Sống lạc quan có thể được hiểu là thái độ sống an nhiên, điềm tĩnh trước mọi khó khăn và tình huống trong cuộc sống. Người có thái độ sống lạc quan sẽ luôn cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản.

Theo các nhà tâm lý học, thái độ sống lạc quan trước khó khăn xuất hiện khi một người tin rằng những sự kiện họ đang trải qua sẽ kết thúc tốt đẹp. Người sống lạc quan thường có định kiến tốt, luôn “chụp mũ” tốt cho mọi vấn đề. Ngay cả khi không, họ vẫn tin rằng thất bại và những trải nghiệm tồi tệ đến với họ chỉ là tạm thời và họ nhất định sẽ tìm ra bài học để từ đó vươn tới những thành công. Thực tế cho thấy, sống trong một cuộc sống bận rộn, hối hả và nhiều khó khăn trong thời Covid-19 thì lạc quan là lối sống mà mọi người nên theo đuổi.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người sống lạc quan không bao giờ suy nghĩ tiêu cực. Họ cũng cảm thấy tức giận, buồn bã và thất vọng như những người khác. Chỉ là những người sống lạc quan không chỉ vứt bỏ những suy nghĩ tiêu cực một cách nhanh chóng mà họ còn chọn cách nhìn nhận vấn đề từ một góc độ sáng sủa hơn.

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình (Trung tâm Giáo dục trẻ Hà Đông), sống lạc quan như chị Mai Yên rất hữu ích để có thể nhìn trải nghiệm cuộc sống từ mặt tích cực mà không bỏ qua những cảm xúc tiêu cực. Trẻ lớn lên với suy nghĩ lạc quan sẽ luôn sẵn sàng vượt qua mọi thử thách, khó khăn. Và tất nhiên, những đứa trẻ đó sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn. Thái độ sống lạc quan không phải tính cách, đó là sự rèn luyện từ khi còn bé.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cách giúp con có thái độ sống lạc quan

Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bình, một trong những cách quan trọng để giúp con luôn có thái độ lạc quan với cuộc sống là cho phép con được thừa nhận cảm xúc của mình. Đó có thể niềm vui, hạnh phúc vô tận, hoặc xấu hổ, sợ hãi, lo lắng hay bất kỳ một cảm xúc nào khác. Cha mẹ hãy nói với con rằng, vui, buồn là việc bình thường và ngay cả cha mẹ cũng phải trải qua những cảm xúc ấy mỗi ngày.

Nếu nhận thấy con đang buồn bã hoặc tức giận, hãy hỏi trẻ để biết con đang gặp phải khó khăn gì. Cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn đó là đối diện trực tiếp với nó. Một khi con học được cách chấp nhận những cảm giác không vui thì sẽ chẳng còn chỗ cho buồn phiền nữa. Tất nhiên, cha mẹ nên ở bên cạnh con để cùng đưa ra cách giải quyết vấn đề ấy. Đây là cách giúp trẻ học về kỹ năng giải quyết vấn đề và giữ được thái độ tích cực cho mình.

Chị Lý Phan, đồng sáng lập The Myriad Eyes (Những đôi mắt) cho rằng, bí quyết đầu tiên khi muốn con trở nên sống lạc quan trong cuộc sống đó chính là cha mẹ hãy cho con tiếp xúc và làm quen với những người có tư duy, cách sống tích cực. Bởi vì bên cạnh những người này trẻ sẽ cảm nhận được sự nhiệt huyết, vui vẻ, thái độ sống nhã nhặn và luôn hướng về đích tươi sáng cuối cùng.

TS Minh Nguyễn, lớp nghệ thuật Atelier Minh cũng tán thành quan điểm của chị Lý Phan, đồng thời cho rằng, cha mẹ chính là người mà trẻ học mọi điều. Trẻ sẽ quan sát rất kỹ từ hành vi và cảm xúc của cha mẹ. Dần dần, trẻ sẽ học theo các ứng xử và quan điểm của cha mẹ trước những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, để nuôi dưỡng một đứa con có thái độ sống lạc quan thì cha mẹ hãy luôn làm gương.

Cha mẹ hãy cùng con rèn luyện thái độ sống lạc quan mỗi ngày từ hôm nay. Đại dịch có thể là cơ hội để cha mẹ dạy con thái độ sống lạc quan trong mọi khó khăn đều có thể xảy ra. Lạc quan không phải bỏ qua cảm giác tiêu cực, đó là hy vọng vào tương lai ngay cả khi hoàn cảnh hiện tại dường như không mấy tốt đẹp.

TS Tamar Chansky, nhà tâm lý học trẻ em, tác giả cuốn “Giải phóng con khỏi tư duy tiêu cực” cho rằng: Để trẻ nuôi dưỡng thái độ và “tinh thần lạc quan”, cha mẹ cần trao cho trẻ cơ hội chứng tỏ mình. Giao việc cho con là một cách giúp trẻ thấy chúng có thể làm được mọi thứ và phát triển thái độ lạc quan. 
Tuy nhiên khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ hãy trấn an con bằng những lời nói tích cực nhưng phải luôn thực tế, không để con chờ đợi hay mong mỏi những điều không có thật vì điều này sẽ phản tác dụng, khiến trẻ trở nên ảo tưởng. Sống lạc quan đòi hỏi cách suy nghĩ thực tế nhiều hơn là mơ mộng, vì tư duy thực tế giúp con sẵn sàng hơn với mọi khó khăn con đối mặt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ