Mối quan hệ bình đẳng
Theo chuyên gia, suy nghĩ độc lập không phải là lập dị, khác người. Mà đó là chính kiến, ý tưởng, là sự sáng tạo cần được bày tỏ dù chưa biết đúng hay sai. Vì vậy, trong bất kỳ mối quan hệ nào, cha mẹ hãy chú ý xem con mình có đang bị phụ thuộc vào ý kiến của số đông hay của “thủ lĩnh” trong nhóm hay không. Bởi, tình bạn của con nên được phát triển trên mối quan hệ bình đẳng.
Bà Nguyễn Thái Linh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ kỹ năng sống trẻ vị thành niên cho rằng, tình bạn của trẻ sẽ phát triển lành mạnh và lâu dài khi các em được đối xử bình đẳng với nhau. Không trẻ nào nổi trội hơn và cũng không trẻ nào có thể quyết định tất cả mọi hoạt động. Các trẻ nên chia sẻ và cố gắng nỗ lực giải quyết mọi hoạt động được giao để cùng làm hài lòng nhau.
Bên cạnh đó, trẻ cũng cần có khả năng giải quyết vấn đề riêng tư. Chẳng hạn nếu muốn chơi một món đồ chơi đặc biệt của người bạn thân, trẻ có thể lập ra lịch trình để đều có thể chơi ở các thời điểm khác nhau, hoặc đưa ra các hoạt động có thể chơi cùng nhau.
Bà Nguyễn Thái Linh cũng cho hay, nhiều cha mẹ than phiền, khi chơi với một nhóm bạn, con dễ bị ảnh hưởng bởi quyết định mang tính đám đông. Đó là khi hầu hết các bạn đều đồng tình với một quan điểm nào đó, những đứa trẻ còn lại thường nhanh chóng nghe theo.
Có nhiều đứa trẻ dù không muốn làm theo nhưng lại không dám bày tỏ ý kiến của mình, chỉ sợ bạn không chơi với mình nữa. Lâu dần, trẻ không còn khả năng sáng tạo, sức ỳ lớn và thường xuyên làm theo lời người khác dù bản thân không muốn. Thậm chí lâu ngày lười suy nghĩ, không cần quyết đoán mà chỉ cần nghe theo lời bạn. Đến khi mối quan hệ tình bạn này không bền lâu, trẻ sẽ bị tổn thương lớn.
Theo bà Linh, trẻ có thể đang gặp vấn đề về hiệu ứng đám đông. Điều này có nghĩa, những suy nghĩ hoặc hành vi của con người thường xuyên chịu ảnh hưởng của những người khác.
Người ta thường chạy theo những điều mà số đông cho là hay, đúng và sáng suốt, nhưng bản thân lại không suy nghĩ về ý nghĩa của sự việc. Đây là trạng thái tâm lý khá phổ biến ở mọi lứa tuổi trong xã hội. Như tất cả yếu tố khác thuộc về cuộc sống, xã hội, hiệu ứng đám đông cũng ẩn chứa trong nó 2 khía cạnh: Tích cực và tiêu cực.
Nhìn từ góc độ đánh giá con người, hiệu ứng đám đông có thể tạo ra tác dụng tích cực như động viên, khích lệ con người vươn lên, đạt được những kết quả tốt đẹp hơn. Khi sự ghi nhận, sự tin tưởng không chỉ đến từ một cá nhân mà từ cả tập thể, nó sẽ có sức mạnh liên kết thực sự, thôi thúc con người. Thậm chí tạo ra áp lực buộc con người phải không ngừng nỗ lực để xứng đáng với sự đánh giá, được là thành viên của tập thể đó.
Ở khía cạnh tiêu cực, hiệu ứng đám đông có thể tạo ra phản ứng dây chuyền của những nội dung đánh giá phiến diện, thiếu khách quan đối với mỗi người. Một khi bị chi phối bởi sự sai lệch, “số đông” không còn đứng về phía lẽ phải, thì những nhận định, đánh giá của số đông về một cá nhân, hành động sẽ gây nên những hậu quả lớn. Nó có thể “dập tắt” mọi niềm tin, sự say mê, cố gắng, những mong muốn được cống hiến, đóng góp của con người.
Vì thế, cha mẹ hãy luôn là người bạn của con để trẻ sẵn sàng chia sẻ khó khăn, suy nghĩ của mình. Phụ huynh nên tâm sự và hướng dẫn con rằng trong gia đình, mọi thành viên không đối xử với nhau như thế và các bạn đồng trang lứa cũng cần được quan tâm như người một nhà vậy.
Điều này không có nghĩa là cha mẹ sẽ giải quyết hết mọi rắc rối cho trẻ. Phụ huynh nên phân tích và chỉ ra hai mặt của một vấn đề để con tập nhìn nhận theo nhiều khía cạnh khác nhau. Cùng với đó, nên định hướng giúp con tự tin, tự lập trong tình bạn, tránh những lệ thuộc mà sau này có thể là tổn thương cho trẻ.
Chấp nhận cách kết bạn của con
Trong các mối quan hệ bạn bè, thông thường trẻ sẽ cảm thấy bản thân mình phù hợp với một người bạn nào đó, người mà trẻ cảm thấy hoàn toàn thích hợp. Đây có thể là tình bạn tuyệt vời, nếu như trẻ cố gắng giữ gìn thì có thể tình bạn này sẽ gắn liền với trẻ suốt cuộc đời.
Theo cô giáo Lê Thu Trang, giảng viên Trường ĐH Lao động Xã hội, cha mẹ cần phải nhớ rằng, không nhất thiết trẻ phải thể hiện tình bạn với tất cả mối quan hệ của bé. Ban đầu, đó có thể là một hoặc hai người bạn thật sự tốt. Mỗi trẻ em khác nhau có những tính cách khác nhau.
Là cha mẹ, chỉ nên hướng dẫn, đưa ra lời khuyên và chỉ can thiệp vào việc kết bạn của con khi thật sự cần thiết. Bởi thực tế, trẻ phải học cách tự mình kết bạn vì đó là bài học quan trọng về giao tiếp của trẻ để có thể bước vững trên đường đời sau này.
Bố mẹ sẽ cảm thấy thật tuyệt vời khi bé hòa hợp với một nhóm bạn nhưng cũng đừng buồn nếu con cảm thấy tốt hơn khi chỉ cần từ một đến hai người bạn.
Cũng theo cô Trang, tình bạn giúp trẻ mở rộng tầm nhìn về thế giới. Điều đó có nghĩa là bố mẹ nên khuyến khích cho trẻ kết bạn với nhiều bé có sự khác nhau về giới tính, tôn giáo cũng như dân tộc… để con mở rộng thêm nhiều kiến thức thông qua những mối quan hệ bạn bè hằng ngày.