Phòng hơn chống
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, chống lãng phí không phải đợi để bắt, xét xử, cho vào tù đối tượng gây lãng phí, mà trước hết phải là thực hành tiết kiệm, ngăn chặn việc gây lãng phí.
Cũng theo Đại biểu Nguyễn Anh Trí, để hạn chế tình trạng lãng phí này phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông, coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức để sống, quản lý xã hội.
Hay như việc tổ chức làm đường, nhất là làm đường ở các thành phố lớn nằm trong nội đô. Đơn vị thực hiện có thể đo đếm được sắt thép, kinh phí đầu tư là bao nhiêu nhưng không đo đếm được, làm chậm trễ vài ngày, vài tuần, vài tháng thì có thể làm hàng vạn người chậm trễ đi 5 - 10 phút buổi sáng giờ làm việc.
“Như vậy đã vô cùng lãng phí. Điều này là không thể đo đếm được và điều này lại là thực tế rất phổ biến ở Việt Nam. Tham nhũng đáng lên án, phê phán, nghiêm trị. Lãng phí còn hơn thế nữa bởi lãng phí là mất”, đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Cùng phát biểu về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, điều khiến cử tri bức xúc là lãng phí trong đầu tư công. Khi công trình chậm tiến độ vốn huy động vẫn phải trả lãi, kéo theo các lãng phí khác có liên quan. Bên cạnh đó, có dự án đầu tư xong không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao, nhiều con đường đào lên lấp xuống nhiều lần cũng gây lãng phí không nhỏ.
Một trong những lãng phí gây bức xúc trong nhân dân là lãng phí trong sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc. Nhiều cơ quan có trụ sở nằm trên “đất vàng” nhưng sử dụng không hiệu quả. Có cơ quan đã xây dựng nơi mới nhưng không trả trụ sở cũ gây lãng phí tài nguyên.
Về lãng phí trong sử dụng cán bộ, theo đại biểu đoàn Hà Nội, Báo cáo đã nêu rõ về cải cách bộ máy. Song trong lực lượng còn lại có bao nhiêu phần trăm cán bộ công chức làm việc có hiệu quả?
Do đó, cần có tiêu chuẩn cán bộ phải thực hiện thế nào để tránh lãng phí. Hiện có quy định cán bộ phải có các chứng chỉ loại chứng chỉ để chuẩn bị bổ nhiệm, gây lãng phí trong đào tạo.
Tiết kiệm phải trở thành quốc sách
Cơ bản tán thành với Báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chống lãng phí phải bền vững lâu dài và mọi nơi, mọi lúc. Ở góc độ quốc gia, tiết kiệm phải trở thành thói quen của từng cá nhân, phải trở thành quốc sách, phải bắt đầu từ giáo dục.
Còn theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội), cần đánh giá mức độ thực hành tiết kiệm chống lãng phí và dự báo trong năm tiếp theo bởi có đánh giá, dự bảo đúng tình hình mới có cơ sở để tập trung, khai thác các nguồn lực trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm 2 hạn chế trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đó là: Lãng phí diễn ra trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cần đánh giá thêm cơ cấu lãng phí trong từng lĩnh vực để có giải pháp đặc thù. Bên cạnh đó, cần nêu rõ tỷ lệ thu hồi tài sản do thất thoát lãng phí.
Theo báo cáo, tỷ lệ này tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của Nhà nước, nhân dân. Chống lãng phí so với chống tham nhũng còn kém hơn nhiều.
“Trong các vụ án, việc người phạm tội bỏ trốn gây khó khăn cho giải quyết vụ án, dẫn đến tài sản thất thoát do phạm tội không được thu hồi như vụ đối tượng Bùi Quang Huy – Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường” – Đại biểu Hà nêu ví dụ.