“Gỡ nút thắt” để thu hồi tài sản tham nhũng

GD&TĐ - Gần 80.000 tỷ đồng là số tài sản tham nhũng được thu hồi những năm vừa qua. Tới đây, sẽ có thêm nhiều biện pháp được đưa ra để triệt để thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Ông Trần Văn Nam - Bí thư tỉnh ủy Bình Dương.
Ông Trần Văn Nam - Bí thư tỉnh ủy Bình Dương.

Thu hồi tài sản không thông qua kết tội

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Thời gian qua, tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên…

Tuy nhiên, nhận thức và trách nhiệm về công tác này còn hạn chế. Quy định pháp luật liên quan còn bất cập. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ làm công tác thi hành án dân sự chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ…

Ban Bí thư yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu đối với công tác này. Cần xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt.

Nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ. Hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng...

Liên quan biện pháp thu hồi tài sản bất minh, Viện KSND tối cao đã có văn bản trả lời cử tri và khẳng định, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác trong việc báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội.

Buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc tài sản. Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đưa ra các phương án, kiến nghị sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác liên quan.

Viện KSND tối cao cũng có chỉ thị xử lý trách nhiệm những người để xảy ra sai phạm trong việc thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; cần thiết phải chuyển cơ quan điều tra xem xét.

Chủ động nộp tài sản tham nhũng

Những năm qua, nhiều “đại án” kinh tế, tham nhũng được đưa ra xử lý giúp thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng.
Những năm qua, nhiều “đại án” kinh tế, tham nhũng được đưa ra xử lý giúp thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đây là hiện tượng xuất hiện nhiều trong những “đại án” kinh tế, tham nhũng những năm gần đây. Điển hình, trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG một cách trái pháp luật, ông Phạm Nhật Vũ – nguyên Chủ tịch AVG đã chủ động nộp lại 8.800 tỷ đồng gồm tiền nhận chuyển nhượng và cả lãi phát sinh.

Nhóm những người nhận tiền “lại quả” từ ông Vũ cũng “nhả” khoản hưởng lợi bất chính như ông Lê Nam Trà – nguyên Chủ tịch Mobifone nộp 2,5 triệu USD; Cao Duy Hải – nguyên Tổng Giám đốc Mobifone nộp 11 tỷ đồng; ông Trương Minh Tuấn nộp hơn 4,1 tỷ đồng…

Những khoản tiền này được thu hồi từ trước khi vụ án được xét xử. Riêng cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son được gia đình nộp 3 triệu USD nhận hối lộ ngay trước khi tòa tuyên án sơ thẩm.

Ngày 18/6 vừa qua, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020 bằng hình thức cảnh cáo. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021 bằng hình thức cảnh cáo.

Bộ Chính trị cũng báo cáo và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương do có những sai phạm liên quan khu đất 43ha và 145ha của Tổng Công ty 3/2 (doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương).

Liên quan 2 khu đất này, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã thông báo một số giải pháp, phương hướng khắc phục hậu quả vụ việc. Đối với khu đất 43 ha, Tổng công ty 3/2 và Công ty Âu Lạc đã chủ động nộp đủ số tiền cho cơ quan chức năng, khắc phục triệt để thất thoát đã gây ra.

Trước đó, 2 công ty này lập liên doanh là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú với mục đích đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43ha thuộc Tổng Công ty 3/2. Năm 2016, Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng sai quy định khu đất này cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng dù đây là tài sản Nhà nước.

Khi sai phạm bị phát hiện, năm 2019, Tổng Công ty 3/2 đã nộp hơn 125 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.

Đây là phần chênh lệch giá trị của khu đất 43ha tính theo giá UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2016 so với giá chuyển nhượng.

Năm 2020, Công ty Âu Lạc đưa cho Tổng Công ty 3/2 hơn 126 tỷ đồng để nộp cho Công an tỉnh Bình Dương. Như vậy, các doanh nghiệp đã nộp hơn 252 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Đối với khu đất 145ha, được biết Tổng Công ty 3/2 đã mang bất động sản này đi góp vốn vào liên doanh là Công ty Tân Thành một cách trái quy định.

Đến năm 2019, các cổ đông của Công ty Tân Thành đã tự nguyện có văn bản đề nghị được chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn góp cho Công ty Impco (doanh nghiệp 100% vốn của Đảng) bằng giá trị ban đầu theo sổ sách kế toán trước đây.

Như vậy, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển giao 100% vốn góp của các cổ đông trong Công ty Tân Thành, Công ty Impco sẽ thu hồi toàn bộ khu đất 145ha.

80.000 tỷ được thu hồi

Số liệu từ các cơ quan tư pháp thể hiện, năm 2020, các cơ quan điều tra thuộc công an đã thụ lý điều tra 508 vụ án với 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng, chức vụ; Viện KSND các cấp đã truy tố 218 vụ với 577 bị can.

Tòa án cả nước đã xét xử 269 vụ với 645 bị cáo phạm tội tham nhũng, kinh tế trong đó, các cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân và tử hình với 8 người; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 44 bị cáo; tù trên 7 năm đến 15 năm đối với 86 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 131 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống đối với 363 bị cáo…

Ngoài ra, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 62 người, bao gồm 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách.

Cùng với đó, các cơ quan thi hành án giải quyết xong hơn 3.600 việc liên quan thu hồi tài sản tham nhũng nói chung với hơn 15.000 tỷ đồng được hoàn trả Nhà nước, nhân dân. Tính chung nhiệm kỳ 2016 - 2021, tổng số tài sản được thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.