Đại biểu Quốc hội đề xuất giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội

GD&TĐ - Theo ĐBQH, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có tính ưu việt khi giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An).
Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An).

Quan tâm đến đối tượng được hưởng trợ cấp hữu trí xã hội, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đồng tình với việc quy định trong dự thảo để thể chế hóa Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị.

Trong đó, dự thảo luật kế thừa và phát triển một phần quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi đang được quy định tại Luật Người cao tuổi. So với quy định tại Luật Người cao tuổi, dự thảo có tính ưu việt hơn khi giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và giảm xuống 70 tuổi đối với những người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Về vấn đề này, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị nghiên cứu bổ sung trường hợp giảm độ tuổi xuống 70 tuổi đối với những người đã tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Những trường hợp này chưa được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo Luật Bảo hiểm xã hội, cũng như chưa được hưởng trợ cấp, phụ cấp của người có công hàng tháng theo pháp lệnh Ưu đãi người có công.

Việc bổ sung đối tượng này thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và sự tiếp nối tri ân đối với những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã đóng góp sức lực tuổi trẻ để mang lại hòa bình và độc lập cho dân tộc; đồng thời, việc bổ sung đối tượng này cũng góp phần mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội như mục tiêu dự thảo Luật đã đề ra.

Về mức trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình giao Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 21 lại quy định định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội khi trình kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm.

Theo đại biểu, quy định như vậy chưa đảm bảo tính thống nhất về thẩm quyền là Chính phủ hay Quốc hội. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn).

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn).

Cũng quan tâm vấn đề này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu ý kiến, dự thảo Luật có quy định ngoại lệ đối với đối tượng được ưu tiên.

Người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì chỉ cần “từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi” sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Tuy nhiên, đối với quy định về giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì lại chỉ đối với điểm a khoản 1 là trường hợp “Đủ 75 tuổi trở lên”.

Để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị theo hướng: Khi giảm dần độ tuổi ở điểm a khoản 1 thì đồng thời độ tuổi đối với trường hợp ở khoản 2 cũng sẽ giảm tương ứng, nếu không có thể sẽ dẫn đến trường hợp khi giảm độ tuổi nhiều lần ở điểm a khoản 1 sẽ về bằng với độ tuổi tại khoản 2.

“Lúc này sẽ không còn là quy định ưu tiên nữa và trường hợp này người hưởng bình thường với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn độ tuổi lại là như nhau”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ