Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nghe đại diện UBND Thị xã Vĩnh Châu trình bày công tác thực hiện Kế hoạch số 29 ngày 11/1/2021 của Bộ GD&ĐT về Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo bà Phạm Thị Cẩm Tú, Trưởng Phòng GD&ĐT Thị xã Vĩnh Châu, Thị xã có 10 đơn vị hành chính, trong đó có 9/10 xã, phường thuộc vùng khó khăn (2 xã đặc biệt khó khăn; 2 xã bãi ngang ven biển); số hộ nghèo hơn 5,37%.
Dù được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở vật chất, trường lớp trên địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. UBND huyện đề xuất tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho ngành giáo dục, chú trọng đầu tư thỏa đáng cho trường chuẩn Quốc gia.
Quan tâm cấp mới bàn ghế học sinh. Xây dựng và nâng cấp các phòng chức năng, phòng học bộ môn và trang thiết bị dạy học theo quy định hiện hành. Hỗ trợ thêm máy tính cho phòng tin học, sửa chữa nhà vệ sinh, láng sân trường những chỗ ngập nước, sửa chữa mái ngói, dãy hành lang khu hiệu bộ.
Cấp các thiết bị bộ môn Sinh - Hóa và các đồ dùng dạy học phục vụ cho việc thay SGK mới. Nâng cấp và xây thêm nhà vệ sinh cho học sinh, giáo viên cơ bản đủ để cho học sinh sử dụng…
Ông Trần Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND Thị xã Vĩnh Châu cho biết: Thị xã có dân số gần 200.000 người, có đông đồng bào dân tộc gồm Khmer, Hoa. Hiện địa phương vẫn còn duy trì nhiều điểm lẻ nhằm thuận lợi cho học sinh vùng sâu, vùng xa đi học. Nhưng tại các điểm lẻ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khó khăn trong đầu tư...
Ông Thắng kiến nghị Trung ương, địa phương quan tâm đầu tư trường học tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; Chú ý vấn đề sáp nhập trường lớp phù hợp với đặc thù địa phương…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong công tác chăm lo, phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Đối với công tác thực hiện Kế hoạch số 29 (kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2025), Thứ trưởng lưu ý cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là vai trò của địa phương. Địa phương đồng hành cùng ngành Giáo dục, cùng đầu tư cho giáo dục, chăm lo thế hệ tương lai…
Tất cả nguồn lực đầu tư các địa phương cần đúng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo minh bạch. Bên cạnh đó, đầu tư nguồn lực đảm bảo đủ chuẩn, an toàn từ bữa ăn đến việc uống sữa, đầu tư trường lớp đạt chuẩn, có sân chơi, bãi tập… Quan tâm đầu tư trường, lớp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông ngành Giáo dục; quan tâm đến đảm bảo an ninh trường học, chú ý phòng ngừa ma túy học đường, bạo lực học đường…