Đại biểu Quốc hội: Cần phân biệt sách giáo khoa và sách tham khảo

GD&TĐ - Tham gia tranh luận tại phiên họp Quốc hội sáng 2/6, đại biểu Thái Văn Thành – đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu ý kiến, cần phân biệt SGK và sách tham khảo. Riêng sách tham khảo, học sinh không bắt buộc phải mua.

Đại biểu Thái Văn Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tranh luận tại nghị trường.
Đại biểu Thái Văn Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tranh luận tại nghị trường.

Tham gia tranh luận tại phiên họp về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Thái Văn Thành – đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, nhà trường triển khai một cách đồng bộ, bài bản, khoa học về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Chương trình hướng vào mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách học sinh, hình thành và phát triển kỹ năng hiện đại như: Tin học, Ngoại ngữ cho học sinh. Đặc biệt, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, giá trị sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước và xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc.

“Có thể nói, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, hội nhập quốc tế vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” – đại biểu Thái Văn Thành nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Nghệ An nhắc lại, tại phiên thảo luận ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, đang trình Chính phủ để định khung giá sách giáo khoa. Đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng là phải đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá, đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của người dân.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhà trường tăng cường công tác truyền thông rộng rãi trong nhân dân để phụ huynh, học sinh hiểu về hai loại sách giáo khoa.

Thứ nhất sách giáo khoa là sách bắt buộc. Thứ hai là sách bổ trợ, tham khảo - tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua.

Lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thái Văn Thành cho biết, ngành giáo dục tại địa phương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức: nhà nước và nhân dân cùng làm.

Tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường. Cùng với đó kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản sách giáo khoa tặng sách; kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách được dùng nhiều lần sẽ tránh lãng phí.

Trên tinh thần đó, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị, Bộ GD&ĐT nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.