Không vì chi phí mà bớt sách giáo khoa

GD&TĐ - Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, lần đầu tiên học sinh lớp 1, lớp 2 có SGK môn Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm.

Học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong tiết thể dục. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong tiết thể dục. Ảnh: NTCC

Có ý kiến cho rằng, đây là nguyên nhân khiến giá các bộ SGK cao hơn và có thể “cắt” sách của 2 môn học này do chủ yếu học ngoài trời... Tuy nhiên, các tổng chủ biên, chủ biên SGK, cán bộ quản lý, giáo viên… lại khẳng định sự hữu ích, cần thiết đối với SGK của 2 môn học này.

Là môn học phải có sách

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng Chủ biên SGK Hoạt động trải nghiệm - bộ sách “Chân trời sáng tạo”, trao đổi: Trước hết, nói rằng giá 1 cuốn sách “Hoạt động trải nghiệm” (gần 20 nghìn đồng) làm “đội giá” mỗi bộ sách lên vài lần là không chính xác. Và phụ huynh không khó khăn đến nỗi không mua được bộ SGK khi có thêm 2 đầu sách (Hoạt động trải nghiệm và Giáo dục thể chất). Trong khi đó, SGK để dạy hoạt động trải nghiệm vô cùng quan trọng, cần thiết, hữu ích.

Từ trước tới nay, hoạt động trải nghiệm trong nhà trường chưa hiệu quả, chưa thành công trong việc “dạy người”… bởi không có chương trình, tài liệu cũng như thiếu sự hướng dẫn thống nhất. Từ đó, giáo viên triển khai hoạt động theo kinh nghiệm riêng, “trăm hoa đua nở”, làm hay không làm đều được. Hệ lụy lớn nhất là học sinh thiếu nhiều kỹ năng sống.

Có chương trình Hoạt động trải nghiệm thể hiện sự tiến bộ, quan tâm đến vấn đề này trong giáo dục. Nhưng nếu để triển khai tự do, không có SGK sẽ trở thành sự thách đố với giáo viên khi dạy học. Có SGK sẽ giải quyết tất cả những khó khăn, tồn tại trước nay đối với dạy và học “Hoạt động trải nghiệm”.

Nếu chỉ có sách giáo viên, không có sách học sinh, các em sẽ không biết chuẩn bị bài thế nào? Giáo viên khó trong việc định hướng trò chuẩn bị bài trước khi học thực tế. Với mọi môn học dù trên lớp hay trải nghiệm thực tế, việc học sẽ tốt hơn nếu học sinh có sự chuẩn bị bài từ trước.

Mặt khác, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa khẳng định: Trong nhà trường, hoạt động dạy học (kiến thức) và hoạt động trải nghiệm (kỹ năng) có giá trị ngang nhau. Mỗi hoạt động thực hiện chức năng riêng. Hoạt động trải nghiệm nếu không có SGK thì chưa có sự quan tâm đúng tầm đối với giáo dục phẩm chất con người, mà chỉ nặng về giáo dục kiến thức.

TS Lê Anh Thơ - Chủ biên SGK “Giáo dục thể chất 1”, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” - cũng khẳng định: Đã là môn học bắt buộc nên phải có SGK. Có sách, học sinh được nghiên cứu trước những vấn đề sẽ học, biết được vấn đề đưa ra trên SGK của ngày sau, tuần sau, tháng sau… để chủ động hơn trong học tập. Việc nâng cao hiệu quả giáo dục môn học mang tính thực hành nhiều như thể dục không thể thiếu lý thuyết trong SGK.

TS Lê Anh Thơ cho rằng, trước đây, thể dục là môn học bắt buộc nhưng không có SGK, học sinh không hình dung mình sẽ học gì? Điều đó làm giảm tính tập trung, tự giác của người học với môn học. Việt Nam lần đầu tiên có SGK môn Giáo dục thể chất cho học sinh lớp 1 nhưng ở các nước trên thế giới SGK môn học này khá nhiều. Không thể nói môn thực hành thì không cần sách. SGK sẽ giúp quá trình dạy và học đạt hiệu quả cao nhất.

Dù là 2 môn học mang tính trải nghiệm, thực tế nhưng khi học sinh có SGK, việc nghiên cứu bài học sẽ chuẩn chỉnh hơn. Đối với giáo viên việc dạy học cũng bài bản, rõ ràng… từ đó tăng hiệu quả, chất lượng môn học.

Chia sẻ điều này, cô Vũ Trinh Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - đồng thời nhìn nhận: Để giáo viên, học sinh khai thác SGK 2 môn học mang tính thực hành cao đạt hiệu quả cần cả sự quản lý sát sao từ ban giám hiệu, tổ chuyên môn tới giáo viên và đặc biệt sự chủ động, linh hoạt, tự giác nghiên cứu của người thầy.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai). Ảnh: NTCC
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai). Ảnh: NTCC

Hữu ích với cả người dạy và học

Từ quá trình dạy học “Hoạt động trải nghiệm” của bản thân 2 năm qua, cô Nguyễn Thị Hải Quyên - giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) - chia sẻ: Có SGK, học sinh được tìm hiểu bài học trước tại nhà. Sau tiết học các em có thể nghiên cứu để củng cố thêm nhiều kỹ năng mà trong phạm vi tiết học có thể chưa đề cập tới. SGK giúp học sinh có thể tự tìm hiểu, thực hành, ứng dụng vào thực tế… Đối với giáo viên, SGK là phương tiện cần thiết để có “sườn ý”, bám vào triển khai các kiến thức kỹ năng khi dạy học, thậm chí có thể mở rộng, tham khảo thêm đưa vào tiết dạy.

“Học trực tuyến nhiều nên việc sử dụng SGK “Hoạt động trải nghiệm” cần thiết với cả thầy và trò. Không có sách, học sinh không biết bám vào kiến thức, kỹ năng cụ thể nào để học. Việc dạy học của giáo viên trong tiết học đôi khi không thể truyền tải hết nội dung yêu cầu nên vẫn phải yêu cầu học sinh đọc, nghiên cứu bài học trong sách trước khi thực hành”, cô Quyên khẳng định.

Cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên môn Giáo dục thể chất Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - đánh giá: Từ khi có SGK Giáo dục thể chất lớp 1, lớp 2, việc dạy học hiệu quả hơn. Trước đây, không có sách, học sinh chủ yếu học kỹ thuật, động tác trong quá trình tập luyện thực tế. Có SGK, các em có thể xem lại, nghiên cứu qua hình ảnh in trên sách rồi tập luyện những động tác chưa nhớ, chưa đạt. Với học sinh nghỉ học 1 - 2 buổi cũng có thể tự nghiên cứu, nắm bắt lại bài giảng và giáo viên chỉ cần sửa chữa các động tác để tốt hơn.

Trước ý kiến tăng thêm 2 đầu sách (Giáo dục thể chất; Hoạt động trải nghiệm) mang tính thực hành nhiều hơn sẽ làm tăng tổng thể giá mỗi bộ sách; không nhất thiết phải có sách vẫn có thể dạy học…, cô Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) - khẳng định sự cần thiết SGK trong quá trình dạy học.

Về phương án học sinh dùng chung SGK 2 môn học nói trên để giảm chi phí… cô Ngọc cho rằng, vẫn có thể áp dụng, tuy nhiên đây là 2 môn học đặc thù, có thể nghiên cứu bài học trước hoặc sau khi học. Mặt khác, học sinh tiểu học tính độc lập khá cao, việc dùng chung sẽ gây tâm lý không thoải mái trong học tập… Vì vậy, phụ huynh có thể cân nhắc trong việc mua SGK. Về phía nhà trường không ép buộc hay gợi ý mua sách. Học sinh dùng chung SGK hay riêng, giáo viên vẫn phát huy cao trách nhiệm chuyên môn trong quá trình dạy học để học sinh được giáo dục một cách toàn diện.

Cô Vũ Trinh Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - khẳng định vai trò không thể thiếu của SGK 2 môn học trên trong đợt Covid-19. Dù học trực tuyến nhưng học sinh vẫn được nghiên cứu, hướng dẫn các kiến thức kỹ năng thực hành một cách sinh động, chuẩn chỉnh, rõ nét, chính xác… từ SGK. Ở góc độ nào đó, SGK đã thay vai trò của giáo viên giảng dạy để giúp học sinh thực hành hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.