Đặc sản 'danh bất hư truyền' từ 'rồng đất'

GD&TĐ - Được tự nhiên ban tặng loài 'rồng đất', người dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) chế biến thành những món ăn, nước chấm thơm ngon hảo hạng.

Rươi được dân gian mệnh danh là 'rồng đất'.
Rươi được dân gian mệnh danh là 'rồng đất'.

Kiếm tiền triệu nhờ săn “lộc trời”

Xã Châu Nhân là vùng “rốn lũ” của huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), nằm ở hạ du sông Lam. Do điều kiện tự nhiên, những ruộng lúa nơi đây chỉ canh tác được một vụ mỗi năm. Bù lại, vào mùa Đông người dân lại có thêm nguồn thu nhập nhờ bắt rươi.

Rươi là loài nhuyễn thể, sinh sống ở môi trường nước lợ. Nhìn bên ngoài, loài này khá giống với giun đất, dài khoảng 5 - 7cm, với nhiều màu sắc như hồng, nâu, trắng. Trong dân gian, rươi còn được gọi là “rồng đất”.

Dù có ngoại hình đáng sợ, nhưng rươi được xếp vào hàng đặc sản, bởi hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon. Hưng Nguyên là một trong số ít địa phương ở nước ta có loài động vật này sinh sống.

Khoanh nuôi hơn 3 sào ruộng để bắt rươi, ông Nguyễn Văn Hòa (trú tại xóm 7, xã Châu Nhân) cho biết, mùa rươi bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch hàng năm. Rươi từ đất chui lên mỗi tháng 2 lần, vào đầu và giữa tháng.

Theo ông Hòa, dựa theo tuần trăng, trước khi nước thủy triều sông Lam dâng, người dân sẽ đóng cọc, giăng lưới sẵn và đón nước vào ruộng. Sau khi giăng, phải lấy đất lấp kín chân lưới, đảm bảo lưới không bị hở khi nước sông rút.

Chờ đến lúc nước triều rút cũng là thời điểm rươi từ lòng đất chui lên. Rươi ở ruộng nhà nào thì nhà đó sẽ bắt, tuyệt đối không ai tranh giành của ai. Bởi vậy, để vớt được thứ “lộc trời” này, điều quan trọng là phải canh đúng thời điểm.

Có lúc rươi xuất hiện vào nửa đêm, người dân vẫn í ới nhau mang theo vợt, xô, chậu đi vớt. Rươi thu hoạch đến đâu được thương lái, các chủ nhà hàng đặc sản vào mua tận ruộng.

Tùy từng thời điểm giá rươi lên xuống, nhưng bình quân thường ở mức 350.000 - 400.000 đồng/kg, có năm lên đến 500.000 đồng/kg. Có những hộ dân may mắn có thể kiếm được 5 - 7 triệu đồng mỗi đêm.

Chỉ tay vào những lỗ nhỏ trên mặt ruộng, ông Phạm Văn Vị (trú tại xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) cho biết, khi nước thủy triều dâng thì rươi sẽ chui từ những lỗ nhỏ này lên. Thửa ruộng nào nhiều lỗ nhỏ như đầu đũa thì ruộng đó càng nhiều rươi.

Là loài động vật thân mềm, khó tính nên ruộng rươi phải được chăm sóc kỹ lưỡng. Muốn có nhiều rươi, ngoài các yếu tố thuộc về thời tiết, nước thủy triều thì khâu cày bừa, làm đất tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Vị, từ khi rươi trở thành món hàng có giá trị kinh tế cao, việc thu hoạch rươi cũng không còn mang tính tự phát như trước mà người dân có tính toán, đầu tư hơn.

Người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đi vớt rươi.

Người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đi vớt rươi.

Các gia vị, thành phần để chế biến ruốc rươi.

Các gia vị, thành phần để chế biến ruốc rươi.

Chế biến nước chấm hảo hạng từ rươi

Ngoài bán cho thương lái hay nhà hàng, nhiều gia đình ở xã Châu Nhân còn giữ lại rươi để chế biến thành đặc sản ruốc rươi (mắm), chả rươi với hương vị độc lạ, thơm ngon, bổ dưỡng.

Có hơn 15 năm trong nghề, chị Võ Thị Ngọc Lan (trú tại xóm 7, xã Châu Nhân) cho biết, trước đây rươi nhiều ăn không hết, lại không có cách thức bảo quản nên người dân nghĩ ra cách làm ruốc ăn dần. Nghề làm ruốc rươi cũng từ đó được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

“Ngày trước tôi chỉ muối ruốc rươi để ăn. Bạn bè đến ăn Tết chấm thử thấy ngon quá nên đặt hàng. Bây giờ ngoài ruốc, tôi còn bán rươi tươi cấp đông, chả rươi, mắm cáy”, chị Lan chia sẻ.

Theo người phụ nữ này, rươi được chọn làm ruốc phải là loại mới bắt từ ngoài ruộng về. Sau khi rửa sạch, để ráo nước, những con rươi vẫn còn ngọ nguậy được cho vào hũ sành để ủ trong vòng 1 tháng. Khoảng 10kg rươi sẽ cho ra được 10 lít ruốc.

Các loại gia vị được sử dụng để làm ruốc tùy thuộc vào công thức của từng gia đình. Tuy nhiên, không thể thiếu vỏ quýt khô giã nhỏ, muối rang, ớt cay bột, gạo nếp lứt rang, nghệ, hành tăm, gừng… Rươi sau khi làm sạch được tán nhuyễn cùng với gia vị theo tỉ lệ nhất định.

Ruốc rươi khi đạt độ chín hoàn hảo, chị Lan sẽ đóng vào từng chai nhỏ, bán với giá 1 triệu đồng/lít.

“Phải đánh cho rươi tan ra thành nước, ngấm đều gia vị thì lúc đó mới bắt đầu ủ được. Trong lúc chế biến không cho nước lạnh rơi vào. Công đoạn ủ phải chọn đúng thời điểm nắng đẹp để mang ra phơi mới mong tạo được mùi thơm như ý”, chị Lan bật mí.

Gia đình chị Võ Thị Ngọc Lan sản xuất các sản phẩm từ rươi.

Gia đình chị Võ Thị Ngọc Lan sản xuất các sản phẩm từ rươi.

Ruốc thành phẩm được đóng thành chai, bán với giá 1 triệu đồng/lít.

Ruốc thành phẩm được đóng thành chai, bán với giá 1 triệu đồng/lít.

Thứ nước chấm này có vị bùi, béo, cay nồng khi chạm tới đầu lưỡi. Ruốc càng để lâu càng dậy mùi thơm. Với các món như thịt ba chỉ luộc, thịt quay, thịt hấp, thịt vịt nướng… hay đơn giản chỉ là rau khoai luộc khi chấm với ruốc rươi sẽ ngon hơn bội phần.

Ngoài ruốc, chả rươi nướng lá chuối cũng là một trong những món ngon của người dân vùng ven sông Lam. Chả rươi sau khi nướng chín được bọc túi, cấp đông rồi gửi cho khách hàng khắp cả nước.

Mỗi mùa rươi, chị Lan sử dụng gần 100kg rươi để làm ruốc, chả rươi để bán nhưng vẫn không đủ. Phần lớn ruốc rươi ra lò đều “cháy hàng”, không có để tích trữ.

Theo Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, xã Châu Nhân là địa phương có rươi phân bố trong tự nhiên, diện tích canh tác rươi lớn nhất huyện Hưng Nguyên, với diện tích khoảng 70ha.

Tuy nhiên, do chưa người dân nào áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng nên năng suất rươi vẫn còn thấp. Để hỗ trợ người dân, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nghệ An đã tổ chức lớp tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi rươi kết hợp trồng lúa theo hướng hữu cơ.

Các kỹ thuật mới được áp dụng như: Bổ sung giống rươi nhân tạo, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ để canh tác, cải tiến kỹ thuật cải tạo và chăm sóc ruộng rươi, áp dụng biện pháp phòng trừ địch hại tổng hợp…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ