Dân tộc Thái sinh sống trên địa bàn huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) chiếm hơn 50%, bao gồm: Thái đen và Thái trắng. Trang phục của đồng bào Thái rất đặc sắc và đa dạng. Phụ nữ Thái thường mặc váy, áo cóm kết hợp cùng với chiếc khăn piêu quen thuộc. Cồng chiêng là một di sản đặc sắc, quý giá, được truyền từ đời này qua đời khác và trở thành những dấu ấn nhân văn đậm nét. Vào các dịp lễ, tết, ngày hội hay đám cưới trong bản, các chàng trai, cô gái Thái lại cùng nhau chung vui bên giàn trống chiêng. Âm thanh vang lên trầm bổng như hòa quyện vào với đất trời, cầu nguyện cho mùa màng tươi tốt, lúa vàng bội thu.
Kết nối cộng đồng
Cồng Chiêng là nhạc cụ truyền thống đặc sắc và độc đáo gắn bó với đồng bào dân tộc Thái ở Yên Châu từ khi lọt lòng mẹ đến khi qua đời. Cồng chiêng được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao và được sử dụng trong các dịp lễ tết, hay trong đám cưới của người Thái. Vào những dịp như vậy, khắp núi rừng lại vang lên tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã, trầm bổng muôn nơi góp vui cùng với bản làng. Văn hóa cồng chiêng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc thiểu số và nâng tầm trở thành một môn nghệ thuật âm nhạc cồng chiêng, thu hút đông đảo quần chúng và các du khách thập phương đến thưởng thức.
Theo quan niệm của dân tộc Thái tiếng chiêng là tiếng của lòng người. Người Thái thường dùng trong nhiều lễ nghi, lễ thức, lễ hội trong công việc hệ trọng có ảnh hưởng đến sự sinh tồn của gia đình, dòng tộc, phong tục tập quán. Họ quan niệm rằng tiếng vang của cồng chiêng là ngôn ngữ để giao tiếp với trời đất, thánh thần, tổ tiên, giao tiếp giữa người với người, cầu mong cho vật yên người thịnh. Trong cuộc sống của người Thái ở huyện Yên Châu, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là loại nhạc cụ phục vụ cho đời sống tinh thần, vật chất của con người. Mà nó còn là một linh vật biểu tượng cho sự ấm no hạnh phúc bền vững đời đời truyền kiếp. Vì lẽ đó nên được người Thái xem xét rất cẩn thận khi mua. Đa số những cồng chiêng hiện có ở huyện Yên Châu đều có từ thời xa xưa do ông cha để lại.
Ông Quàng Văn Quỳnh trú tại bản Phát, xã Chiềng Pằn cho biết: “Tôi được ông bà để lại cho bộ cồng chiêng này nên tôi quý lắm. Cách đánh cồng chiêng cũng không phức tạp lắm, chỉ cần lắng nghe tập trung một chút là có thể đánh được. Dùng dùi đánh chiêng làm sao cho khớp với tiếng của trống và tiếng của sáp sái thì mới tạo nên một giai điệu âm thanh nhộn nhịp vui được. Thông thường những bộ cồng chiêng tốt là không có vết lõm nào trên bề mặt, núm chiêng cao và nhỏ. Đặc biệt, là khi đánh vào chiêng âm thanh sẽ ngân dài, vang trầm bổng hơn làm cho người nghe thấy phấn khởi vui nhộn”.
Người Thái ở Yên Châu thường tổ chức đánh chiêng, trống vào các ngày lễ hội, đám cưới, Tết, ăn nhà mới... |
Say đắm lòng người...
Đến với các bản người Thái ở huyện Yên Châu, chúng ta sẽ được thưởng thức bản hòa tấu cồng chiêng đặc sắc, đậm nét riêng biệt của núi rừng. Những tiết tấu của cồng chiêng giữ vai trò điều phối nhịp, chuyển làn điệu trong suốt quá trình biểu diễn cùng với các loại nhạc cụ khác khi cùng hòa tấu. Điều đó tạo nên một giai điệu âm thanh phong phú, hào hùng, riêng biệt, lúc trầm, lúc bổng làm xao xuyến lòng người. Âm hưởng của cồng chiêng như đang muốn nói lời tỏ tình, chia sẻ, giữ chân người khách ở lại với vùng đất mến khách này. Đối với người Thái, cồng chiêng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, trong các bản làng của người Thái, già trẻ, gái trai đều biết đánh cồng chiêng một cách điêu luyện.
Khi có khách quý đến chơi nhà, các cô gái Thái với bộ trang phục áo cóm lộng lẫy cầm trong tay chiếc chiêng tấu lên những nhịp điệu dồn dập, kết hợp cùng với điệu múa phụ họa vui tươi như chào mời. Ngoài ra, âm thanh của cồng chiêng còn dùng làm bài nhạc đệm cho các bài khắp Thái, múa sạp, múa khăn piêu… Khi nghe âm thanh cồng chiêng vang lên như hòa vào cùng núi rừng sâu, qua khe suối đánh thức muôn loài đến hòa nhịp cùng với niềm vui hân hoan của người Thái trong các ngày hội.
Bà Lừ Thị My, bản Phát, xã Chiềng Pằn cho hay: “Người Thái chúng tôi thường đánh chiêng trống vào những ngày hội, ngày Tết, để mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Cùng với đó, chúng tôi đánh chiêng, trống còn cầu mong thần linh phù hộ cho con cháu bản làng khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc; thóc ngô đầy nhà, khoai sắn đầy vườn”.
Có thể thấy rằng, tiếng cồng chiêng đã tạo thành một không gian văn hóa đậm đà bản sắc Thái. Âm thanh của cồng chiêng không chỉ là một loại âm thanh đơn thuần, mà nó đã trở một loại âm thanh mang cái hồn linh thiêng của núi rừng, là ngôn ngữ giao tiếp của con người với thế giới siêu nhiên.
Âm thanh của chiêng trống như được thần thánh hóa để nối cõi thực với cõi vĩnh hằng, nhắc về công lao của ông cha ta đã xây dựng một nét đẹp văn hóa cồng chiêng đặc sắc. Tiếng cồng chiêng ngân vang hòa quyện vào với không gian tự nhiên tượng trưng cho đức tin của một dân tộc. Vừa được giao hòa gần như tuyệt đối với thiên nhiên muôn loài, vừa như tách ra để được vang âm trọn vẹn giữa đất trời bao la.