Đa số ý kiến đồng thuận cao về các chính sách mới trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

GD&TĐ - Thường trực Ủy ban (TTUB) Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận thấy các ý kiến góp ý của nhân dân được tổng hợp trong “Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân của Chính phủ đối với Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)” về cơ bản đã đề cập tới hầu hết các nội dung cần sửa đổi trong Luật GD.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với các nội dung sửa đổi lớn, các chính sách mới, liên quan đến quyền của đa số đối tượng chịu sự tác động như: Đội ngũ nhà giáo, gia đình người học…, kết quả tổng hợp, tiếp thu cho thấy sự đồng thuận cao giữa ý kiến nhân dân với quan điểm trình của Chính phủ.

Để Luật GD (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, TTUB cho rằng, đối tượng tham gia đóng góp ý kiến cần đa dạng và đại diện cho các tầng lớp nhân dân, tuy nhiên, việc tổ chức lấy ý kiến chưa thu hút được sự quan tâm của các nhóm đối tượng ngoài ngành GD, nhất là của những người sử dụng sản phẩm của GD-ĐT.

TTUB cơ bản tán thành các nội dung, quan điểm của Chính phủ về việc tập hợp, giải trình ý kiến của nhân dân theo 11 nhóm vấn đề trọng tâm được đưa ra lấy ý kiến và xác định 9 nhóm vấn đề tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật như đã nêu trong báo cáo.

TTUB cho rằng, các nhóm vấn đề được đặt ra và giải quyết đã cơ bản hướng đến việc thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về GD... Nhìn chung qua báo cáo tổng hợp, đa số ý kiến của nhân dân đồng ý với các chính sách, quy định được đề xuất trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, tiếp thu cần được dựa trên cơ sở khoa học GD, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam để phục vụ việc sửa đổi Luật GD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ