Cần quy định cụ thể, chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm

GD&TĐ - Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) vẫn còn thiếu những vấn đề quan trọng như dạy thêm, học thêm và tài chính trong các nhà trường.

Ảnh minh họa. Internet
Ảnh minh họa. Internet

Dạy thêm, học thêm từng được xem như một vấn nạn

Theo một kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về dạy thêm và học thêm do Tiến sỹ Nguyễn Thị Quy, nguyên Phó Viện trưởng làm chủ nhiệm, khảo sát 38 trường phổ thông tại TP Hồ Chí Minh thì trên 70% học sinh có nhu cầu học thêm là muốn nâng cao kiến thức.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, nhu cầu học thêm dạy thêm là khá lớn, đặc biệt là các quốc gia châu Á. Khi đó, việc dạy thêm, học thêm không có gì là xấu nếu nhằm mục đích trang bị cho người học, thêm hiểu biết về những vấn đề chuyên sâu phục vụ nhu cầu phát triển, phù hợp với mỗi cá nhân. Đây là nhu cầu có thật và người dạy thêm nếu đáp ứng nhu cầu đó thì là hoàn toàn chính đáng.

Vào chiều 4/9/2016, trong buổi họp báo đầu năm học mới 2016 - 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận định, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật mà thực tế ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… cũng có tình trạng này, nhưng ở nước ta cần ngăn chặn việc dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực.

Ảnh minh họa. Internet
 Ảnh minh họa. Internet
Cần thiết phải có quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về dạy thêm, học thêm trong các điều khoản của Luật Giáo dục, bởi đây đã là một vấn đề đang tồn tại của đất nước. Khi đó, các điều khoản này sẽ có thể là quy định nguyên tắc của hoạt động dạy thêm, học thêm cùng với đối tượng được phép dạy thêm, học thêm, các cấp học được tổ chức dạy thêm và trường hợp không được phép dạy thêm… Có như vậy, nền giáo dục Việt Nam mới bảo đảm được trật tự, kỷ cương, đi vào ổn định và phát triển bền vững.

Như thế, cần phải nhìn nhận rằng, sự học thêm nói chung của học sinh xuất phát từ một nhu cầu với đa số là muốn phát triển khả năng và để được học tốt hơn. Nhưng, với tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan và biến tướng thì cần thiết phải có sự quản lý để siết chặt hoạt động này. Trên thực tế, nhiều giáo viên do muốn có thêm thu nhập, phát triển kinh tế mà bắt ép học sinh đi học thêm với nhiều hình thức và chiêu trò khác nhau khiến cho dư luận rất bức xúc. Bên cạnh đó, học thêm được tổ chức khá nhiều khiến cho học sinh bị quá tải, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của các em...

Khi nhìn nhận dạy thêm, học thêm là một vấn đề có thật và còn có xu hướng phát triển thì cần thiết phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ cho hoạt động này, nhằm tránh gây ra những hệ lụy và tiêu cực như trong thời gian qua. Hiện nay, văn bản pháp lý duy nhất quy định về dạy thêm, học thêm là Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT được ban hành ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, đây chỉ là một văn bản quy định khá sơ sài về hoạt động này.

Tránh xảy ra lạm thu ở trường học

Bấy lâu nay, vấn đề tiền bạc nói chung và việc thu chi ở các trường học nói riêng vẫn được xem là tế nhị. Thế nhưng, trong suốt một khoảng thời gian, đặc biệt là những năm gần đây, khi nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng cao, vấn đề thu chi tại các trường học lại gây nhức nhối và bức xúc trong dư luận xã hội. Trên thực tế, nhiều nhà trường đã đặt ra khá nhiều các khoản thu vào đầu năm học khiến cho phụ huynh rất bức xúc. Và tình trạng lạm thu đã được báo chí và truyền thông phản ánh. Đã có những hiệu trưởng nhà trường bị bắt giam, khởi tố vì lạm thu.

Chính vì thế, cần thiết phải có quy định cụ thể, chặt chẽ trong các điều khoản của Luật Giáo dục nhằm ngăn chặn tình trạng này, đề giữ lại lòng tin và hình ảnh đẹp cho nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi lại chưa có quy định nào về vấn đề này, nên có thể nói đây là một khiếm khuyết. Trên thực tế, tài chính trong trường học là một vấn đề tế nhị, nhạy cảm nhưng lại khá thiết thực vì liên quan đến quyền lợi của nhà trường, của phụ huynh và các học sinh.

Rất cấn thiết phải có sự quy phạm hóa một cách cụ thể về vấn đề này. Theo đó, trong các điều khoản của Luật có thể là các quy định về nguyên tắc cũng như các khoản mà nhà trường được phép thu, sự công khai, minh bạch trong thu chi, về giới hạn khoản mức thu… Có như vậy, hoạt động của các nhà trường mới đi vào trật tự, ổn định nhằm tạo ra hiệu quả và các phụ huynh sẽ cảm thấy yên lòng khi lo con em mình đi học tại các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.