Đã rõ lý do Mỹ trì hoãn chuyển tên lửa đánh chặn

GD&TĐ - Theo Reuters, việc Mỹ bán khẩn cấp gói bảo dưỡng tên lửa phòng không cho Ukraine đã hé lộ lý do trì hoãn cung cấp thêm tên lửa đánh chặn cho Kiev.

Hệ thống phòng không MIM-23 HAWK.
Hệ thống phòng không MIM-23 HAWK.

Không miễn phí

Thông tấn Anh dẫn lời quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 10/4 cho biết, Washington sẽ bán cho Kiev loạt thiết bị trị giá 138 triệu USD để duy trì hoạt động và nâng cấp các hệ thống phòng không tầm trung HAWK.

Quyết định được đưa ra nhằm giúp lực lượng phòng không Ukraine đối phó với những đòn tập kích bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) của quân đội Nga.

Sẽ có ít nhất 5 nhân viên chính phủ và 15 nhà thầu Mỹ đến châu Âu để hỗ trợ quá trình chuyển giao thiết bị và giúp Kiev bảo dưỡng hệ thống đánh chặn này.

Vụ mua bán này không nằm trong gói viện trợ 60 tỷ USD đang mắc kẹt tại quốc hội Mỹ, trong đó có cả tên lửa đánh chặn, mà là hợp đồng khẩn cấp trong chương trình Bán vũ khí cho quân đội nước ngoài của Mỹ.

Số tiền thanh toán hợp đồng sẽ được lấy từ khoản vay 300 triệu USD của Ukraine thông qua chương trình Cung cấp Tài chính Quân sự Nước ngoài (FMF), nằm trong gói ngân sách quốc phòng mới được Nhà Trắng và quốc hội Mỹ phê duyệt.

MIM-23 HAWK là tổ hợp đánh chặn tầm trung do công ty Raytheon của Mỹ thiết kế và đưa vào trang bị trong quân đội nước này từ năm 1960. Một tổ hợp cơ bản thường gồm 4 đài radar, 6 bệ phóng với tổng cộng 18 quả tên lửa cùng một số thành phần hỗ trợ khác.

Mỹ đã loại toàn bộ tổ hợp HAWK khỏi trang bị từ năm 2002, nhưng một số nước tiếp tục sử dụng các biến thể hiện đại hóa tới nay. Tây Ban Nha đã chuyển giao 6 bệ phóng HAWK cho Ukraine hồi cuối năm 2022, trong khi Mỹ cung cấp tên lửa đã qua đại tu.

Thừa nhận

Thông tấn Anh cho biết thêm, việc Mỹ chấp thuận bán gói thiết bị giúp Ukraine nâng cấp MIM-23 HAWK cho thấy Washington đang hưởng lợi khi không viện trợ vũ khí mới và trì hoãn chuyển giao thêm vũ khí cho Kiev.

Thực tế cũng đã được chính Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận trong cuộc gặp mới đây với người đồng cấp Anh David Cameron:

"Nếu nhìn vào các khoản đầu tư của chúng tôi dành cho quốc phòng Ukraine để đối phó với xung đột, 90% hỗ trợ an ninh mà chúng tôi đã cung cấp thực tế được chi cho các nhà sản xuất tại Mỹ".

Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh các khoản chi này "tạo ra nhiều việc làm hơn cho Mỹ và giúp nền kinh tế của Mỹ tăng trưởng mạnh hơn", ngoài việc củng cố chính trị toàn cầu và an ninh quốc gia Mỹ.

Ngoại trưởng Cameron cũng kêu gọi Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, trong bối cảnh quốc hội Mỹ đang tranh cãi về dự luật hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Chiến dịch viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đang hỗ trợ công nghiệp quốc phòng của nước này theo những cách quan trọng khác.

Trong đó, Ba Lan đã gửi 250 xe tăng cũ và trực thăng tấn công Mi-24 do Liên Xô sản xuất tới Ukraine và ký các thỏa thuận trị giá hơn 18 tỷ USD mua xe tăng M1A2 Abrams mới do Mỹ sản xuất và máy bay trực thăng Apache.

Ngoài ra, Phần Lan đang mua 64 chiếc F-35 với giá 9,4 tỷ USD và tặng F/A-18 Hornets, trong khi Na Uy đang mua 52 chiếc F-35 và trang bị cho chúng bom Stormbreaker.

Thiếu tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu John G. Ferrari nói: "Do áp lực ngân sách hiện tại đối với chi tiêu của Bộ Quốc phòng, quân đội Mỹ sẽ khó có thể tự hiện đại hóa thiết bị cần thiết này… Tuy nhiên, bằng cách chuyển vũ khí và trang bị cũ sang Ukraine, đổi lại Quân đội sẽ nhận được nhiều vũ khí hiện đại hơn".

Việc viện trợ vũ khí cho Ukraine được đánh giá như một chiến lược đầy khôn ngoan của Mỹ nhằm tiếp thêm sinh lực cho ngành sản xuất của nước này và hiện đại hóa kho vũ khí quân sự của Mỹ.

Cách tiếp cận này phục vụ một mục đích kép: hỗ trợ các nỗ lực quốc phòng của Ukraine bằng cách gửi cho họ những vũ khí cũ và lạc hậu, đồng thời nâng cấp cho quân đội Mỹ những thiết bị mới hơn, hiện đại hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.