(GD&TĐ) - Sáng nay (28/3), Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo Khánh thành hai công trình cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và tuyến cáp treo số 3 Bà Nà, nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng Thành phố Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2013).
|
Công trình cầu Rồng |
Hai công trình cầu Rồng và Trần Thị Lý được các đơn vị nước ngoài (Tập đoàn Luois Berger – Mỹ và Công ty WSP Finland – Phần Lan) thiết kế kiến trúc với kiến trúc độc đáo, có kết cấu phức tạp và hiện đại nhất thế giới. Mặc dù vậy, tất cả các khâu quản lý dự án, thiết kế bản vẽ thi công, giám sát, thi công đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện.
Cầu Rồng được khởi công xây dựng ngày 19/7/2009 và sẽ khánh thành vào ngày mai (29/3/2013), với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 1.739 tỷ đồng. Cầu Trần Thị Lý có thời gian xây dựng gần 3 năm (từ ngày 22/4/2010 đến 29/3/2013) với tổng mức đầu tư là 1.709 tỷ đồng.
Cả hai công trình cầu đều nằm trên hai trục giao thông quan trọng của thành phố Đà Nẵng, kết nối trung tâm thành phố với hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, nhằm góp phần hoàn chỉnh quy hoạch giao thông, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trước mắt cũng như trong tương lai.
|
Công trình cầu Trần Thị Lý |
Ngoài chức năng giao thông, hai công trình cầu này có thiết kế kiến trúc khá độc đáo. Cầu Rồng có hình dáng cách điệu con rồng thời Lý, gồm 8 nhịp với tổng chiều dài 666m, bề rộng mặt cầu từ 36 đến 37,5m. Kết cấu vòm đơn gồm 5 ống thép có tổng khối lượng 1,063 tấn. Điểm cuối vòm được gắn biểu tượng “đuôi Rồng” nặng khoảng 18 tấn, biểu tượng “đầu Rồng” có trọng lượng khoảng 45 tấn hướng ra phía biển, có thể phun lửa và phun mưa.
Với dạng cầu dây văng 1 trụ tháp nghiên và 3 mặt dây, cầu Trần Thị Lý có hình dáng cách điệu con thuyền căng buồm hướng ra biển lớn. Cầu có tổng chiều dài là 731m, chiều rộng 34,5m. Điểm đặc biệt nhất trong kết cấu công trình cầu Trần Thị Lý là trụ tháp đơn nghiêng 120 có tải trọng khai thác lên đến 25.000 tấn, thuộc vào loại lớn nhất thế giới hiện nay.
Sau 4 năm xây dựng, tuyến cáp treo số 3 – Thác Tóc Tiên – Indochine đã được tổ chức Guinness World Records công nhật đạt 4 kỷ lục thế giới: có tổng chiều dài lớn nhất (5.801m), có độ chênh giữa ga đi và ga đến là 1.368m, tổng chiều dài cáp là 11.587m và có trọng lượng cáp nặng 141,24 tấn. Tuyến cáp này tổng cộng 25 trụ đỡ với chiều cao mỗi trụ là 50m, có tất cả 86 cabin được thiết kế hở, sức chứa mỗi cabin 10 người, công suất 1.500 khách/giờ, nâng tổng công suất phục vụ của 2 tuyến cáp lên đến 3000 khách/giờ và thời gian di chuyển từ chân núi lên đỉnh núi rút ngắn chỉ còn 17 phút.
Đại Thắng