Đà Nẵng có nhiều đổi mới giáo dục mang tính đột phá

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghị quyết 29 đã thực sự đem lại sinh khí mới cho ngành GD&ĐT, từ cách học cho đến cách dạy, quan tâm đến đội ngũ giáo viên và người quản lý.

14 tập thể và 6 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29 được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
14 tập thể và 6 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29 được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Ngày 27/7, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Đầu tư tốt nguồn lực phát triển giáo dục

Báo cáo tại hội nghị, ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, triển khai Nghị quyết 29, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, cơ chế nhân văn trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Nổi bật là việc thực hiện chương trình không có học sinh bỏ học (trong chương trình thành phố “5 không”), đề án sữa học đường, thí điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập. Thành phố có chính sách hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông do ảnh hưởng dịch Covid-19. Từ năm học 2023-2024, hỗ trợ cả trường công lập và ngoài công lập với số tiền trên 400 tỷ/năm…

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị.

Hằng năm, tổng chi sự nghiệp GD&ĐT và dạy nghề chiếm trên 7-8% tổng chi ngân sách thành phố; trong đó, chi cho giáo dục chiếm khoảng 30% chi thường xuyên của thành phố.

Phương pháp dạy - học, kiểm tra – đánh giá có nhiều đổi mới đã phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, phát triển năng lực của học sinh; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được thực hiện tốt. Số lượng, chất lượng dạy học tiếng Anh, Tin học đều tăng qua các năm học... Chất lượng giáo dục ổn định, tương đối đồng đều giữa các đơn vị trường học.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Công tác quản lý giáo dục được cải tiến. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy được thực hiện tốt ở các trường học. Công tác xây dựng xã hội học tập, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút các nguồn lực xã hội vào sự phát triển giáo dục và đào tạo thành phố… Ngành GD&ĐT đã được bố trí 10 lô đất sạch để đấu giá triển khai đầu tư các trường học ngoài công lập. UBND thành phố đang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích để trình HĐND thành phố.

Gỡ khó để tạo đà phát triển

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, chia sẻ về những kết quả đạt được và vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 tại địa phương, đơn vị.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết: “Việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, duy trì mức độ đạt chuẩn tại một số trường học còn gặp khó khăn. Cơ sở vật chất phòng học bộ môn, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập vẫn chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên đại trà các mô đun theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đôi lúc, đôi nơi chưa đảm bảo”.

Ông Tô Văn Hùng, Bí thư huyện ủy Hòa Vang thừa nhận, tỷ lệ học sinh đậu vào lớp 10 công lập của Hòa Vang còn thấp, đạt 78%. Điểm đầu vào của các trường THPT trên địa bàn huyện cũng thấp so với các trường khác… Mỗi năm huyện phải thực hiện phân luồng cho hơn 700 học sinh THCS nhưng học nghề cũng không hề dễ dàng. Đối tượng này nếu không được đi học là điều đáng lo ngại, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật ở độ tuổi thanh thiếu niên có chiều hướng tăng.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện NQ 29 tại Đà Nẵng.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện NQ 29 tại Đà Nẵng.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, Nghị quyết số 29 là cơ sở quan trọng để cả hệ thống chính trị, đặc biệt Sở GD&ĐT triển khai có hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Bốn kết quả lớn đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 gồm: xây dựng được một đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất trường học tương đối đồng bộ, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng ven, nội thành; có những chính sách nhân văn về giáo dục.

Đà Nẵng sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở, vật chất kỹ thuật cho giáo dục, trong đó triển khai đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học trên địa bàn với mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng; xây dựng chính sách về xã hội hóa, ưu tiên quỹ đất cho giáo dục, miễn giảm học phí, bảo đảm kinh phí cho các cơ sở giáo dục; tập trung đào tạo giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên…

Đà Nẵng có nhiều cá nhân, tập thể có những mô hình, giải pháp hay khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29.

Đà Nẵng có nhiều cá nhân, tập thể có những mô hình, giải pháp hay khi triển khai thực hiện Nghị quyết 29.

Kết luận hội nghị, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị Đảng đoàn HĐND TP Đà Nẵng phối hợp với Ban cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng rà soát, đánh giá tổng thể việc cụ thể hóa, tính hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được ban hành liên quan đến công tác giáo dục và đào tạo, qua đó tháo gỡ vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tiễn tạo động lực cho đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng thực chất, toàn diện.

Ngoài ra, cần tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa; có phương án tuyển dụng giáo viên phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn, nhất là ở những khu vực có sự tăng dân số cơ học nhanh chóng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị Đảng ủy ĐH Đà Nẵng chỉ đạo ĐH Đà Nẵng chủ động, tăng cường phối hợp với các bộ ngành Trung ương và cơ quan chức năng của thành phố để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án xây dựng và phát triển ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH Quốc gia Đà Nẵng và dự án phát triển ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý, Điện Ngọc; tập trung đầu tư các ngành nghề phục vụ cho thị trường lao động thành phố như công nghệ thông tin, công nghệ cao, logistics; cam kết chuẩn đầu ra của các trường; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học, tăng cường hợp tác quốc tế hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.