Đà Nẵng chủ động phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai

GD&TĐ - Những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp.

Tại khu vực miền Trung, thiên tai xuất hiện liên tiếp với cường độ lớn, phạm vi rộng, trái quy luật, dị thường và có xu thế gia tăng cả về mức độ nguy hiểm, tính cực đoan... đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, thậm chí kéo lùi phát triển các địa phương.

Bão chồng bão, lũ chồng lũ

Năm 2006, bão Xangsane (bão số 6) đổ bộ vào bờ biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi vào ngày 1/10 với sức gió mạnh cấp 13, giật từ cấp 13-16, được xem là cơn bão mạnh nhất trong 100 năm qua (tính đến thời điểm đó) đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng, làm 68 người chết và mất tích, hơn 500 người bị thương, 16.000 nhà bị sập, 25.000 nhà bị tốc mái, thiệt hại về kinh tế là hơn 10.000 tỷ đồng...

Mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên trên diện rộng và cục bộ đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, mưa đặc biệt lớn trong 2 ngày tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 12/2018 gây ngập úng trên diện rộng với tổng lượng mưa đo được từ 0 giờ ngày 9-12-2018 đến 23 giờ cùng ngày tại tuyến đường Trưng Nữ Vương là hơn 750mm và tại cầu Cẩm Lệ là hơn 720mm, cao hơn tổng lượng mưa của ngày mưa lớn nhất trong đợt lũ lịch sử vào năm 1999 (593mm).

Đặc biệt, những năm gần đây, Đà Nẵng ít chịu ảnh hưởng của bão lớn, song tình trạng ngập úng là vấn đề luôn phải đối mặt. Để khắc phục tình trạng này, không để xảy ra ô nhiễm môi trường và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các bộ phận liên quan, phối hợp với các đơn vị môi trường, thoát nước đô thị tổ chức nạo vét, tháo dỡ vật cản trên hệ thống các luồng tiêu; rà soát đánh giá lại mức độ an toàn của các hệ thống hồ chứa và trạm bơm tiêu úng; từ đó có kế hoạch đầu tư, cải tạo sửa chữa kịp thời. Cùng với đó, tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi, thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn xảy ra trên địa bàn.

Chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai

Lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di dời tài sản để chủ động phòng chống thiên tai tại Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Vinh
Lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân di dời tài sản để chủ động phòng chống thiên tai tại Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Vinh

Để chủ động  phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả của thiên tai, tiếp nối chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn trên địa bàn giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành., Đà Nẵng phát động phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” Giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố, với 5 nội dung thi đua chính, trong đó có nội dung thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là “Xây dựng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở”.

Kế hoạch nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Chủ động phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động. Nâng cao trách nhiệm, nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đảm bảo sự phối hợp thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan hiệu quả, đúng tiến độ theo kế hoạch; kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình trong công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Đà Nẵng yêu cầu các cấp, các ngành rà soát, cập nhật phương án ứng phó với các tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết ứng phó với bão mạnh, siêu bão, mưa lũ đặc biệt lớn và nắng nóng - hạn hán kéo dài, sạt lở đất trên diện rộng, sóng thần… cho phù hợp với tình hình thực tế diễn biến của từng loại hình thiên tai tại địa phương, đơn vị.

Rà soát, tăng cường quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước, khu dân cư, đô thị tại khu vực ven sông, suối, đồi núi… đảm bảo hạn chế tác động do thiên tai. Chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động phòng, chống thiên tai.

Đà Nẵng cũng lên phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn với 06 kịch bản thiên tai: Bão và bão mạnh; Bão rất mạnh và siêu bão; Lũ; Vỡ hồ chứa; Sóng thần và Lũ quét.

Phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được xây dựng chủ động từ cơ sở xã, phường lên quận, huyện và thành phố trên cơ sở bám sát phương châm “4 tại chỗ”. Đảm bảo đầy đủ 3 giai đoạn: trước, trong và sau thiên tai và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng được xem là cơ sở, cẩm nang giúp chính quyền và nhân dân thành phố chủ động triển khai các hành động, biện pháp cần thiết, hợp lý trước, trong và sau thiên tai xảy ra để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hiệu quả góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, cơ sở hạ tầng, sự hủy hoại môi trường - sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự, nhanh chóng khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống nhân dân sau thiên tai, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố.

Ngoài các biện pháp phòng chống, năm 2021, Đà Nẵng cũng đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 15/7/2021 truyền thông phòng, chống thiên tai đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhằm tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, để triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

----- 

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ